Theo Quyết định số 1980/QĐ-TTg ngày 17 tháng 10 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ, về việc ban hành bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020, trong đó tiêu chí số 17 về môi trường và an toàn thực phẩm có nếu rõ như sau: 90% hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh và nước sạch theo quy định; 100% cơ sở sản xuất - kinh doanh, nuôi trồng thủy sản, làng nghề đảm bảo quy định về bảo vệ môi trường; Xây dựng cảnh quan, môi trường xanh - sạch - đẹp, an toàn; Mai táng phù hợp với quy định và theo quy hoạch (UBND cấp tỉnh quy định cụ thể để phù hợp với điều kiện thực tế và đặc điểm văn hóa từng dân tộc); Chất thải rắn trên địa bàn và nước thải khu dân cư tập trung, cơ sở sản xuất - kinh doanh được thu gom, xử lý theo quy định; 70% hộ có nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh và đảm bảo 3 sạch; 60% hộ chăn nuôi có chuồng trại chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường; 100% hộ gia đình và cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tuân thủ các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm.
Rác thải “bủa vây” con đường liên thôn ở địa phận xã Thanh Sơn |
Di dọc theo QL1A, cách thành phố Thanh Hóa chừng 30km đến địa phận huyện Tĩnh Gia, rẽ vào phía tay trái khoảng vài trăm mét, dễ dàng bắt gặp những bãi rác đang tập kết ở các con đường liên thôn, liên xã chủ yếu là rác thải sinh hoạt được nhiều hộ dân trong xã sẵn sàng “buông tay” ngay giữa ban ngày. Qua tìm hiểu, thì 3 xã Thanh Sơn, Thanh Thủy và Hải Châu đã đạt chuẩn nông thôn mới khoảng 2 - 3 năm về trước, thế nhưng vấn đề xử lý rác thải ở 3 xã này đang còn nhiều bất cập, công tác giữ gìn vệ sinh môi trường nông thôn vẫn chưa có những chuyển biến tích cực.
Chị Nguyễn Thị L người dân Thôn Trung Sơn, xã Thanh Sơn cho biết: Nhiều bãi rác sinh hoạt ở đây đã có từ nhiều năm trước, mỗi khi trời nắng to thì bốc mùi hôi thối, trời mưa thì nước bẩn chảy ra mương. Nhiều hôm ra làm ruộng hay đi qua khu vực tập kết rác thì mùi bốc lên không chịu nổi, khi lượng rác nhiều thì họ tiến hành đốt, khói bốc lên thì khét, khó ngửi, thậm chí là gây buồn nôn, đau đầu.
Biển báo cấm không có ở khu vực đổ rác ở ven sông Yên |
Có mặt ở các bãi rác tự phát ở 3 xã, qua quan sát hầu hết các bãi rác đều không có biển nhắc nhở “cấm đổ rác”, đây cũng là lỗ hổng trong sự quản lý lỏng lẻo của chính quyền địa phương. Điều đáng nói là ở 2 xã Thanh Sơn và Thanh Thủy, hiện nay vẫn chưa có bãi tập kết rác thải, phía UBND 2 xã đã phát động các hộ dân tự xây dựng mô hình xử lý rác tại gia, tức là rác thải được phơi khô rồi đem đốt trong sân vườn. Đây được xem là biện pháp mang tính tạm thời, kém hiệu quả, liệu rằng 100% các hộ dân ở 2 xã Thanh Sơn và Thanh Thủy đều xây dựng mô hình xử lý rác tại gia hay vẫn còn tình trạng nhiều hộ dân mang rác thải sinh hoạt đi vất ở ven bờ sông Yên (xã Thanh Thủy) hay khu vực sát mép núi (xã Thanh Sơn). Còn trên địa bàn xã Hải Châu tuy đã có bãi tập kết rác, nhưng lượng rác ngày một gia tăng, sức chứa của bãi rác còn hạn chế, biện pháp duy nhất để không cho rác thải tràn ra lề đường đó là đốt thủ công.
Nước rỉ từ rác gây ô nhiễm nước ở các con mương |
Theo một hộ dân Thôn Tào Sơn, xã Thanh Thủy chia sẻ: Chính quyền xã đã phát động các hộ dân phải xử lý rác tại gia, tuy nhiên để xây dựng lò đốt nho nhỏ thì cũng tốn chi phí cả triệu. Rất mong chính quyền địa phương và các ban ngành đoàn thể có phương án xử lý rác thải hiệu quả, như ở nhiều xã nông thôn mới có lò đốt hay khu vực chôn lấp.
Bãi tập kết rác thải của xã Hải Châu đang cháy âm ỉ, bốc lên mùi khét khó |
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Tường - Chủ tịch UBND xã Thanh Thủy cho biết: Tình trạng rác thải ở khu vực gần sông Yên là có thật, về phía xã đã cử người xuống kiểm tra và nhiều lần hỏi ý kiến của người dân địa phương. Những năm trước đã mời đại diện của nhiều công ty môi trường xuống địa bàn, tuy nhiên họ nói lượng rác thải khá ít nên chưa thể làm hợp đồng thu gom được. Hiện tại trên địa bàn toàn xã có 4 thôn với 1.629 hộ, về lâu dài và đảm bảo vấn đề môi trường sạch sẽ, phía UBND xã Thanh Thủy sẽ phối hợp với các xã lân cận như Thanh Sơn, Hải Châu để xây dựng phương án xử lý rác thải hiệu quả nhất.
Để đảm bảo tiếu chí đạt chuẩn nông thôn mới, trước hết phía UBND 3 xã Thanh Sơn, Thanh Thủy và Hải Châu cùng các cơ quan chức năng huyện Tĩnh Gia cần phải có biện pháp xử lý triệt để, hiệu quả, trả lại môi trường xanh - sạch - đẹp.
Tác giả: Đức Duy
Nguồn tin: Báo Tài nguyên và Môi trường