Trong tỉnh

Vườn Quốc gia Cúc Phương tiếp tục bị "xẻ thịt", cây cổ thụ nằm la liệt

Giữa tháng 5/2018, tại Vườn quốc gia Cúc Phương (Thanh Hóa), những cây gỗ lớn tiếp tục bị lâm tặc chặt hạ, xẻ thịt đem ra khỏi rừng, nhiều cây dài hàng chục mét bị đốn ngã nhưng vẫn còn để lại trong rừng.

Nhiều cây gỗ lớn, dài hàng chục mét vừa mới được chặt hạ.

Nhiều cây gỗ dài hàng chục mét bị chặt hạ

Giữa tháng 5/2018, sau khi nhận được phản ánh của người dân về tình trạng phá rừng ở Vườn Quốc gia (VQG) Cúc Phương tại địa bàn xã Thành Yên, huyện Thạch Thành (Thanh Hóa), chúng tôi lập tức lên đường để tìm hiểu về sự việc.

Theo chân người dân địa phương, phải mất hơn 1 giờ vượt núi đá tai mèo nhấp nhô, hiểm trở, chúng tôi mới đến được thung Lắn của VQG Cúc Phương thuộc địa phận thôn Yên Sơn 1, Yên Sơn 2 (xã Thành Yên).

Có những cây gỗ đã được xẻ thịt mang ra khỏi rừng.

Tại đây, PV bắt gặp nhiều cây gỗ lớn bị lâm tặc đốn hạ, có những cây dài hàng chục mét được chặt hạ nhưng chưa được xẻ thịt mang đi, có cây bị xẻ mang đi chỉ còn lại những tấm bìa, mùn cưa ở lại, có cây được đánh dấu sơn đỏ, có những cây đã được kiểm lâm kiểm tra trước đó…

Theo quan sát, có những cây lớn với đường kính 2 người ôm bị chặt hạ vẫn còn nằm lại trong rừng, có cây lớn nhưng thân rỗng, có cây thẳng tắp dài cả hơn chục mét…

Theo người dân địa phương cho biết, những cây bị đốn hạ có cả cây táu (thuộc nhóm 2), côm nhai, muồng… được chặt hạ đợi khi mùa mưa lũ thì xẻ gỗ cho trôi theo suối ra ngoài.

Cây được đánh dấu sơn đỏ.

Không chỉ những cây gỗ lớn bị đốn hạ, tại thung Lắn cũng bị đào xới để bấng những cây chè rừng mang đi, nhiều ngọn cây được chặt lại vứt ngay tại rừng, hàng chục hố lớn nhỏ xuất hiện ở khắp thung Lắn bên cạnh là những ngọn cây lá đang còn xanh tươi.

Theo tìm hiểu của PV, cây chè rừng có hoa màu vàng, thân cây cao khoảng 3m, được đào về bán để làm cảnh với giá cây bằng bắp chân bán 500.000 đồng/cây, cây nhỏ hơn thì giá thấp hơn, mỗi ngày một người có thể đào được vài cây khi chỉ cần bấng ít bầu đất và chặt hạ ngang cây vác ra khỏi rừng.

Những cây lớn đang còn nằm lại trong rừng.

Không phát hiện tình trạng phá rừng?

Đem những vấn đề trên trao đổi với ông Đinh Văn Công - Bí thư Đảng ủy xã Thành Yên, huyện Thạch Thành, ông Công cho biết: “Về khai thác rừng các trạm cũng có trao đổi, cái mới thì không có, cái lâu rồi cũng có một vài hiện tượng anh em cũng có trao đổi với mình như thế.

Còn về vấn đề đào cây chè rừng thì mình cũng có nghe thông tin và yêu cầu anh em đầu mối với trạm phối hợp kiểm tra cụ thể như thế nào thì anh em đi vào rừng cũng có phát hiện hiện tượng đào các hố không biết đào củ mài, hay đào cây chè rừng”.

Ông Công cũng thông tin thêm về vấn đề đào cây chè rừng rằng việc bắt trực tiếp thì chưa bắt được ai, cần phải xác minh lại.

Đào xới để lấy chè rừng.

Còn ông Nguyễn Duy Vĩnh - Hạt trưởng hạt Kiểm lâm huyện Thạch Thành cho biết: “Giữa hạt và vườn có quy chế phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau cũng như thông tin cho nhau về việc kiểm tra, phát hiện phá rừng tại vườn. Hạt sẽ kiểm tra lại cụ thể, tham mưu cho huyện chỉ đạo và yêu cầu đầu mối với VQG Cúc Phương tăng cường kiểm tra và lên tổ chức họp dân để tố giác đối tượng phá rừng”.

Ông Tạ Đức Biên – Hạt phó Hạt Kiểm lâm VQG Cúc Phương xác nhận có nhận được thông tin về việc phá rừng ở thung Lắn nhưng ông Biên nói PV liên hệ với anh Hoan (Hạt phó thường trực phụ trách) để nắm thông tin.

Tuy nhiên, PV đã liên lạc bằng điện thoại nhiều lần với ông Hoan để nắm bắt thông tin vụ việc nhưng đầu dây bên kia không bắt máy.

Nhiều cây gỗ có đường kính lớn, dấu cưa còn mới.

Trước đó, vào tháng 11/2017 báo điện tử Infonet có đăng tải bài viết: “Vùng lõi Vườn quốc gia Cúc Phương đang bị lâm tặc xẻ thịt” phản ánh tình trạng khai thác gỗ trái phép tại VQG Cúc Phương ở thung Quyền Cả, thung Trong tại thôn Yên Sơn 2, xã Thành Yên, huyện Thạch Thành gây mất an ninh trật tự, an ninh rừng trên địa bàn.

Ngay sau đó Tổng cục Kiểm lâm và Kiểm lâm vùng đã thành lập đoàn kiểm tra thực địa tại VQG Cúc Phương nơi phản ánh về việc phá rừng.

Được biết, VQG Cúc Phương là khu bảo tồn thiên nhiên, khu rừng đặc dụng nằm trên địa bàn 3 tỉnh Ninh Bình, Hòa Bình, Thanh Hóa với diện tích 222,00km2 có hệ động thực vật phong phú, đa dạng mang đặc trưng rừng mưa nhiệt đới và là VQG đầu tiên của Việt Nam.

Để tìm hiểu rõ vấn đề, PV đã liên lạc với đại diện Hạt kiểm lâm VQG Cúc Phương làm việc nhưng vẫn chưa được.

Tác giả: Trần Nghị - Đặng Sơn

Nguồn tin: Báo Infonet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok