Trong nước

“Vụ Khaisilk vẫn chưa là gì...”

Đó là nhận định của Tổng Cục trưởng Tổng Cục Hải quan, Bộ Tài chính Nguyễn Văn Cẩn khi nói về tình trạng buôn lậu qua hình thức gian hận hàng tạm nhập tái xuất. Ông Cẩn dẫn chứng việc bắt một lô hàng 25 xe tải từ Trung Quốc đưa về Lạng Sơn, số lượng hàng được cắt mác, giả nhãn hiệu hàng Việt Nam đặc biệt lớn.

Tổng Cục trưởng Tổng Cục Hải quan phát biểu tại hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018 của Ban chỉ đạo 138 (Ban chỉ đạo phòng chống tội phạm) của Chính phủ và Ban Chỉ đạo 389 (Ban chỉ đạo phòng chống tội phạm buôn lậu và gian lận thương mại) quốc gia sáng 29/1/2018.

Báo cáo của các cơ quan cho thấy những diễn biến phức tạp của hoạt động tội phạm trong năm 2017. Hoạt động của tội phạm núp bóng doanh nghiệp, các băng, nhóm tội phạm ở một số địa phương có biểu hiện “lộng hành”, tính chất lưu manh, côn đồ, liều lĩnh, gây tâm lý lo lắng trong người dân. Tội phạm giết người giảm về số vụ nhưng chính chất, hành vi phạm tội dã man, tàn bạo, thể hiện sự xuống cấp của xã hội.

Tình trạng bạo hành, xâm hại trẻ em diễn biến phức tạp, xảy ra ở nhiều địa phương. Tội phạm chống người thi hành công vụ tính chất, mức độ ngày càng liều lĩnh, nguy hiểm, manh động, thách thức, coi thường pháp luật. Tái diễn tình trạng cướp tiệm vàng, ngân hàng, quỹ tín dụng… trong đó có một số vụ việc đặc biệt phức tạp.

Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng, Thứ trưởng Công an Lê Quý Vương cùng chủ trì hội nghị tổng kết hoạt động của 2 Ban chỉ đạo.

Tội phạm mua bán phụ nữ, trẻ em Việt Nam ra nước ngoài được kiềm chế, nhưng nước ta vẫn là “điểm nóng” của tình trạng mua bán người và di cư bất hợp pháp, nhất là mua bán phụ nữ, trẻ em gái để hoạt động mại dâm, kết hôn bất hợp pháp, đẻ thuê…

Tội phạm kinh tế, tham nhũng cũng đáng chú ý với nhiều sai phạm trong các lĩnh vực đầu tư, xây dựng, tài chính, ngân hàng, quản lý sử dụng đất, bảo hiểm y tế, cấp phép các dự án vốn đầu tư nước ngoài trọng điểm, xử lý nợ xấu, tài cơ cấu DNNN, sản xuất kinh doanh các mặt hàng trọng yếu…

Sai phạm, tiêu cực, dấu hiệu lợi ích nhóm tại nhiều dự án BT, BOT giao thông tiếp tục được xác minh làm rõ.

Tình trạng buôn lậu, gian lận trong kinh doanh xăng dầu với số lượng lớn qua hình thức tạm nhập, tái xuất có sự thông đồng của số cán bộ trong ngành hải quan. Đáng lưu ý là tình trạng sản xuất, kinh doanh phân bón giả vẫn diễn biến phức tạp trong cả nước, gây thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp…

Dẫn chứng cụ thể về vấn đề này, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn thông tin, đơn vị vừa bắt giữ, đang xử lý 25 xe tải hàng từ Trung Quốc vào Việt Nam qua đất Lạng Sơn với hàng trăm tấn hàng, đủ các chủng loại. Lô hàng “tạm nhập” này đã được phá công kẹp chì trong quá trình chờ “tái xuất” để rút hàng mang ra thị trường tiêu thụ.

“Vụ Khaisilk chưa là gì so với sự phong phú của những mặt hàng trong lô này, với biểu hiện đủ cách như cắt mác, giả nhãn hiệu hàng Việt Nam…” – ông Cẩn kiến nghị Bộ Công thương nghiên cứu sửa quy định về xử lý hàng quá cảnh để đảm bảo thông lệ quốc tế nhưng cũng chống sự lợi dụng như trường hợp này.

Phân tích sâu hơn vấn đề này, Thượng tướng Lê Quý Vương – Thứ trưởng Bộ Công an, Phó Trưởng Ban chỉ đạo 389 quốc gia nhận xét, việc đấu tranh với tội phạm trong lĩnh vực này tích cực nhưng chưa đánh trúng và đúng các đối tượng. Nhiều vụ việc, cơ quan chức năng chỉ bắt được người vận chuyển hàng mà không làm rõ được đối tượng chủ mưu, cầm đầu. Nhiều vụ buôn lậu, số lượng lên tới hàng tấn ngà voi mà cũng chỉ bắt được người vận chuyển thuê, không rò được số ngà sẽ đưa về cho ai, đầu mối nào.

“Việc cho tạm nhập tái xuất cũng tiềm ẩn những tiêu cực, nguy cơ buôn lậu như anh Cẩn nói” – Thứ trưởng Lê Quý Vương nhận định. Cũng theo ông, từ 1/1 năm nay, Bộ luật Hình sự 2015 có hiệu lực thi hành, các cơ quan chức năng sẽ có thêm công cụ với những điều khoản quy định rõ ràng, cụ thể hơn để xử lý tội phạm buôn lậu, hàng gian, hàng giả…

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến cũng cho biết, để đối phó với loại hình tội phạm này, tất cả các lô hàng tạm nhập, tái xuất qua địa bàn trong năm 2018 sẽ được soi chiếu an ninh chứ không chỉ tiến hành kiểm tra xác suất với những lô hàng, mặt hàng nhạy cảm, có nguy cơ buôn lậu, gian lận cao nữa.

Lãnh đạo TPHCM nêu kinh nghiệm đấu tranh trong lĩnh vực này là phải “đấu” từ nội bộ các cơ quan, thường xuyên tiến hành luân chuyển cán bộ trong nội bộ, kiểm tra chặt chẽ, kịp thời hoạt động của cán bộ công chức phụ trách các đơn vị, nhất là với người đứng đầu…

Khái quát về kết quả công tác điều tra, xử lý tội phạm, cơ quan chức năng thống kê, trong năm 2017, các lực lượng đã điều tra, khám phá 42.577 vụ phạm pháp hình sự, bắt, xử lý 83.475 đối tượng, đạt tỷ lệ 80,41%. Giải quyết, xử lý tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khỏi tố đạt 90,37%.

Các lực lượng đã phát hiện trên 17.000 vụ phạm tội về kinh tế, gần 950 vụ việc phạm tội sử dụng công nghệ cao, hơn 19.000 vụ vi phạm pháp luật về môi trường, xấp xỉ 22.000 vụ phạm tội về ma tuý; khám phá 324 vụ mua bán người, bắt 425 đối tượng, tếp nhận và giải cứu 517 nạn nhân.

VKSND các cấp thực hiện quyền công tố, kiểm sát điều tra hơn 86.000 vụ, trên 121.000 bị can, đã giải quyết, xử lý trên 59.000 vụ, trên 99.000 bị can, đạt tỷ lệ trên 99% số vụ.

TAND và toà án quân sự các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 61.000 vụ với trên 102.000 bị cáo, đã giải quyết, xét xử hơn 60.000 vụ với trên 100.000 bị cáo, đạt tỷ lệ 98,3% số vụ, 97,3% số bị cáo.

Tác giả: P.Thảo

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok