Sau phiên tòa xét xử phúc thẩm, bị cáo Triệu Thị Chính, cựu Phó giám đốc sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang được giảm mức án từ 24 tháng tù xuống còn 15 tháng tù.
Bị cáo Triệu Thị Chính. Ảnh: Công Lý |
Báo Giáo Dục Việt Nam đưa tin, ngày 26/2, tại TAND tỉnh Hà Giang, TAND cấp cao tại Hà Nội đã tiến hành xét xử phúc thẩm bị cáo Triệu Thị Chính (cựu Phó giám đốc sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang) trong vụ án gian lận điểm thi THPT quốc gia năm 2018 diễn ra tại tỉnh này.
Phiên tòa phúc thẩm được mở ra theo đơn kháng cáo của bị cáo Triệu Thị Chính.
Tại phiên tòa xét xử, HĐXX chấp nhận một phần đơn kháng cáo của bị cáo Chính và giảm mức hình phạt đối với bị cáo từ 24 tháng tù xuống còn 15 tháng tù.
Trước đó, báo Công Lý cho hay, ngày 25/10/2019, TAND tỉnh Hà Giang đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm và tuyên phạt bị cáo Triệu Thị Chính mức án 24 tháng tù về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng với người khác để trục lợi.
Tuy nhiên, sau phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Triệu Thị Chính đã có đơn kháng cáo kêu oan, cho rằng mình không có tội.
Cựu Phó giám đốc sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang đề nghị tòa cấp phúc thẩm xem xét hành vi của mình không cấu thành tội nêu trên.
Bên cạnh bị cáo Chính, vụ án gian lận điểm thi tại Hà Giang này còn có 4 bị cáo khác cùng bị xét xử sở thẩm cuối năm 2019 và tuyên các hình phạt khác nhau gồm: Bị cáo Phạm Văn Khuông (cựu Phó giám đốc sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang) 1 năm tù treo về tội Lợi dụng sự ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi.
Bị cáo Nguyễn Thanh Hoài (cựu Trưởng phòng Khảo thí sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang) nhận mức phạt cao nhất trong vụ án là 8 năm tù về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Cùng tội danh, Vũ Trọng Lương (cựu phó phòng Khảo thí sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang) bị phạt 7 năm tù.
Bị cáo Lê Thị Dung (cựu Phó đội trưởng đội giáo dục, Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Hà Giang) bị phạt 2 năm về tội Lợi dụng sự ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi.
Tuy nhiên, bốn người này không kháng cáo, tới phiên phúc thẩm với tư cách nhân chứng.
Tác giả: Thủy Tiên (T/h)
Nguồn tin: Báo Đời sống và Pháp luật