Ảnh minh họa |
Rơi vào trầm cảm vì những công việc không tên
Câu chuyện của Liên, 30 tuổi ở Hà Nội là một ví dụ cho hiện tượng bị chồng coi thường vì ở nhà làm những công việc không tên. Cô bị rơi vào trạng thái trầm cảm, một phần vì vất vả, một phần vì không được ghi nhận. Vì sinh liên tiếp hai đứa con trong hai năm liền nhau nên Liên đã phải nghỉ việc để ở nhà chăm con. Mặc dù phải đầu tắt mặt tối với việc chăm sóc con cái và công việc gia đình nhưng Liên dường như không được chồng ghi nhận. Liên cho biết, điều khiến Liên ám ảnh nhất đó là mỗi khi có ai đó hỏi chồng cô: “Vợ dạo này làm gì?”; hay “vợ anh đang làm gì?”… thì y như rằng chồng cô nói: “Vợ mình chẳng làm gì cả, chỉ ở nhà thôi!”.
Cách nói đó của chồng khiến cho Liên tủi thân vô cùng. Liên thấy mình không được chồng ghi nhận sự vất vả, vì gia đình của cô. Trong khi chồng Liên nói “vợ chẳng làm gì cả” thì ở nhà, cô phải vật lộn với hai đứa con nhỏ bởi những công việc không tên. Chợ búa, cơm cháo, nấu nướng, dỗ con khóc, ép con ăn, giải quyết chuyện thằng lớn đánh thằng bé, chuyện thằng bé tè dầm, thằng lớn đập đồ chơi, phá đồ nhà… Rồi chuyện tối chồng ăn gì, con ăn gì, chuyện tiền điện, tiền nước, tiền chi tiêu hàng tháng từ đồng lương không quá xông xênh của chồng…
Để lo cho hai đứa con nhỏ và đảm nhận toàn bộ công việc gia đình đã khiến cho Liên lúc nào cũng đầu bù tóc rối, mắt quầng da thâm, hốc hác mặt mũi. Cũng vì những công việc không tên đến nỗi chồng Liên nghĩ là “ở nhà không làm gì” đó mà cô dường như không còn một phút giây nào được sống cho riêng mình. Những người vợ đi làm, họ còn có chút thời gian ngồi tán gẫu với đồng nghiệp, tranh thủ cà phê ban trưa với bạn bè, còn Liên chỉ ngập trong bỉm sữa, cơm cháo và sự mè nheo của các con. Cũng vì những công việc tưởng như không làm gì này mà đối với Liên, từ ngày sinh con, cô chưa được ăn một bữa cơm nào ngon miệng, cũng chưa đêm nào cô được ngủ trọn đêm.
Sau một ngày đầu tắt mặt tối ở nhà chăm con, không ít lần chồng Liên về mà không hài lòng về điều gì đó, anh lại nói: “Ở nhà cả ngày mà sao không làm cái này, sao không làm cái nọ…”. Nghe những câu nói như thế của chồng, Liên nhiều khi như muốn phát điên. Cảm giác vừa tủi thân, vừa bất lực, cả những nỗi bất bình nữa. Nén không được, bung ra cũng không xong. Đó là lý do khiến cho Liên rơi vào tình trạng trầm cảm. May mắn là cô đã phát hiện ra hiện trạng của mình và tìm đến bác sĩ.
Tương tự trường hợp của Liên, không ít các bà vợ mỗi lần “hỏi” tiền chồng thường bị chồng buông những câu tỏ ý coi thường kiểu như “đi làm mà không ra tiền thì nghỉ ở nhà cho xong” hoặc “từ mai ở nhà, không đi làm gì hết”(với những người đi làm lương thấp), hay kiểu nói “ở nhà cả ngày mà thế này thế kia…” (với chị em ở nhà chăm con, nội trợ)…
Việc ngập mặt nhưng không được ghi nhận
Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Diệu Hoa, Tổng đài Tư vấn tâm lý tình cảm 1088 (Hà Nội), có một hiện thực là không ít chị em vì một lý do nào đó mà chưa có công ăn việc làm hoặc đi làm lương quá thấp nên đã chọn cách ở nhà chăm con và lo nội trợ. Trên thực tế đó là một sự hy sinh cho gia đình bởi họ đã vì con cái, vì gia đình mà chấp nhận bỏ sự nghiệp. Tuy nhiên, bi kịch là trong hầu hết những chị em chấp nhận ở nhà chăm con thì có đến trên 90 % chị em cảm thấy bất mãn, cảm thấy đau khổ, cảm thấy mình không được ghi nhận, thậm chí còn bị chồng khinh thường là “ở nhà ăn bám”, là “không làm gì”.
Khi được hỏi, hầu hết chị em khi rơi vào hoàn cảnh đó họ đều cảm thấy vô cùng bất mãn, vô cùng đau khổ. Phần đông các bà vợ dường như cảm thấy “hờn cả thế giới” vì dường như không ai hiểu mình, không ai thương mình. Cho đến lúc cảm thấy việc giận hờn đó không thể giải quyết được mọi vấn đề của mình thì chị em quay sang giận cái thân phận đàn bà của mình. Bởi họ thấy mình quá khốn khổ, quá bất hạnh khi phải chịu nỗi bất công: phải làm việc vất vả mà không được ghi nhận, không được tôn trọng. Không ít chị em khi lên các diễn đàn mạng xã hội than rằng, chỉ mong kiếp sau được làm đàn ông thì may ra mới… hết khổ!
Cũng theo bà Hoa, hiện tượng chị em bị chồng coi thường khi ở nhà chăm con và làm việc nhà là biểu hiện rõ nhất của tư tưởng bất bình đẳng trong suy nghĩ của đàn ông. Bản thân những người chồng có suy nghĩ và thái độ như vậy là bởi họ chưa bao giờ làm những công việc đó trong đời. Việc họ chưa bao giờ làm công việc nhà chính là biểu hiện rõ nhất cho thấy tình trạng phân chia công việc theo giới, mà cụ thể ở đây là công việc gia đình được “mặc định” không phải là công việc của họ. Đó là nguyên nhân sâu xa, là gốc rễ của vấn đề. Sự thiếu thấu hiểu xuất phát từ chính nhận thức sai lệch của đàn ông, của cả xã hội về vấn đề việc nhà.
Mới đây, nghiên cứu của tổ chức Action Aid và Bộ LĐTB&XH đưa ra một con số khiến cho nhiều người ngỡ ngàng. Đó là trung bình mỗi năm, chị em đang phải âm thầm làm những công việc không được trả lương, không được ghi nhận bằng thời gian 7 tháng/năm. Đó là những công việc như đi chợ, nấu nướng, dọn nhà và nuôi dạy con cái. Cũng bởi những công việc này đã khiến cho phụ nữ ít có thời gian cho công việc được lĩnh lương và tất nhiên thời gian để cho phụ nữ được nghỉ ngơi cũng ít hơn so với nam giới.
Số liệu thống kê cho thấy số những công việc không tên mà phụ nữ đang làm này nếu được trả lương theo mức lương tối thiểu thì họ sẽ được trả 2,65 triệu đồng/tháng/người; tức là hơn 30 triệu đồng mỗi năm cho một bà vợ. Điều đáng nói là phần lớn sự đóng góp này của phụ nữ lại không được ghi nhận hay được chia sẻ từ chồng, con cái và các thành viên trong gia đình cũng như từ cộng đồng.
Tác giả: Ngân Khánh
Nguồn tin: giadinh.net.vn