Thế giới

'Vỏ bọc' bất đắc dĩ của người đồng tính ở Trung Quốc

Ở Trung Quốc, nơi hôn nhân đồng giới chưa được hợp pháp hóa, những người đồng tính nam và nữ kết hôn với nhau để tạo vỏ bọc bảo vệ họ khỏi sự kỳ thị của xã hội.

Để che giấu bố mẹ mối tình đồng tính, Xiaoxiong và người yêu của cô, Xiaojing, quyết định tìm kiếm người đàn ông nào sẵn sàng lấy họ. Ngay lập tức, đối tượng mà họ nghĩ đến là: Những người đồng tính nam.

Để kiếm ra "đối tác" cho một cuộc hôn nhân đặc biệt như vậy rất khó, bởi vậy Xiaoxiong đã lập ra một diễn đàn mai mối trực tuyến giúp những người như cô có thể vượt qua áp lực từ gia đình và sự kỳ thị của xã hội Trung Quốc, nơi hôn nhân đồng giới bị coi là bất hợp pháp và đồng tính luyến ái bị cấm đoán.

Những cuộc hôn nhân bất đắc dĩ

"Tôi như trút được gánh nặng khi tìm ra cách làm hài lòng bố mẹ mà không phải lấy một người đàn ông bình thường nghèo túng", Xiaoxiong, 35 tuổi, giãi bày.

Cô sống cùng người yêu Xiaojing, 36 tuổi, ở Thẩm Dương, thành phố thuộc tỉnh Liêu Ninh ở vùng đông bắc, một trong những khu vực bảo thủ nhất của Trung Quốc.

Vào kỳ nghỉ lễ hay những dịp đặc biệt, họ tách ra, cùng người chồng trên giấy tờ về gặp gia đình. Khi ấy, họ sẽ nhập vai những người phụ nữ, người vợ truyền thống.

Người đồng tính nam và nữ ở Trung Quốc đang lấy nhau theo kiểu "hôn nhân hợp tác" để tránh khỏi sự kỳ thị của xã hội. Ảnh: SCMP.

"25 tuổi, tôi bắt đầu bị bố mẹ giục giã lấy chồng. Thế là tôi lên mạng để tìm phương án", Xiaoxiong nói.

Cô tự mở diễn đàn trên QQ, trang mạng xã hội nổi tiếng của Trung Quốc, nhằm giúp những người đồng tính giống mình tìm được những cuộc hôn nhân "hờ", vỏ bọc lý tưởng để họ có thể sinh sống yên ổn ở vùng đông bắc vốn nhiều thành kiến.

Năm 2012, cô kết hôn với một giáo viên dạy toán trung học, người này biết cách cư xử khá dễ chịu, khiến cô ngay lập tức cảm thấy thoải mái. Nhưng dù vậy, Xiaoxiong vẫn không thể ưa nổi việc cô phải "hóa thân" thành cô dâu đúng nghĩa trong chiếc váy trắng và mái tóc xoăn giả. Xiaoxiong thậm chí phải thừa nhận video ngày cưới khiến cô "cảm thấy buồn nôn".

Không lâu sau, Xiaojing, người yêu 8 năm của Xiaoxiong, cũng kết hôn với một người đàn ông đồng tính. Hai người phụ nữ cùng mở phòng khám y học cổ truyền, họ dành vài giờ mỗi tuần để giải đáp các câu hỏi trên diễn đàn mai mối.

Xiaojing cảnh báo những ai tìm đến "hôn nhân hợp tác" nên chuẩn bị tâm lý sẵn sàng cho rắc rối có thể xảy đến.

"Một số vội vàng cưới người mà họ hầu như không quen biết gì. Nhưng cũng như một cuộc hôn nhân thực sự, nó chỉ thành công khi người ta thống nhất được với nhau những điều quan trọng như sống ở đâu, có sinh con hay không, và khi người ta thực sự quan tâm đến nhau", Xiaojing nói.

Sự kỳ thị người đồng tính ở Trung Quốc

Ở Trung Quốc, đồng tính luyến ái công khai luôn gặp đầy rẫy khó khăn. Chỉ riêng việc ăn mặc theo cách khác thường hay thể hiện tình cảm ở nơi công cộng đã bị soi mói, các gia đình thì làm um lên.

Một số nhà thậm chí khi biết con mình đồng tính còn đưa chúng tới điều trị tại các bệnh viện giúp "đổi giới" (liệu pháp thay đổi xu hướng tính dục của một người thông qua các biện pháp can thiệp tâm lý hoặc tâm linh - PV).

Đồng tính luyến ái ở Trung Quốc bị coi là phạm pháp cho đến năm 1997, và bị xem là một loại bệnh rối loạn tâm thần mãi cho đến năm 2001. Không được sự công nhận từ xã hội, những người đồng tính tại Trung Quốc cũng không được giáo dục đầy đủ và đúng đắn về vấn đề nhạy cảm này, kể cả từ cha mẹ họ. Phần lớn họ đều tự khám phá ra bản thân, thấy mình “khác biệt” so với số đông và lựa chọn sống cuộc đời khép kín, cố gắng che giấu bản thân mình dưới một thân phận khác.

Theo một nghiên cứu năm 2012 của Đại học Thanh Đảo, khoảng 90% trong số 20 triệu người đồng tính nam ở Trung Quốc đang kết hôn với phụ nữ dị tính, những người ban đầu không hề biết về xu hướng tính dục thực sự của chồng họ. Công trình này không nghiên cứu đối tượng người đồng tính nữ.

Tuy nhiên, ngày càng nhiều người đồng tính nam và nữ lấy nhau trong những cuộc "hôn nhân hợp tác". Chưa rõ có bao nhiêu đám cưới theo kiểu người đồng tính nam lấy người đồng tính nữ, nhưng các trang web mai mối dành riêng cho họ đang xuất hiện nhiều hơn trong những năm gần đây.Chinagayles.com, trang lớn nhất trong số đó, có hơn 400.000 người dùng, đã mai mối cho hơn 50.000 cuộc "hôn nhân hợp tác" trong 12 năm qua.

Một lễ cưới của những người đồng tính nữ ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: Reuters.

Mặc dù vậy, một số nhà hoạt động vì quyền của người đồng tính ở Trung Quốc không ủng hộ cách làm này.

"Bằng cách đóng giả người dị tính và trốn tránh sự kỳ thị của xã hội như vậy, họ đang bỏ rơi những người khác thuộc nhóm LGBT (đồng tính, song tính, chuyển giới) đang một mình đối mặt với sức ép", Ah Qiang, nhà hoạt động đứng đầu nhóm PFLAG (Cha mẹ, gia đình và bạn bè của những người đồng tính nam và nữ), cho biết.

"Tôi nghĩ lý do khiến cho tình trạng kỳ thị người đồng tính ở Trung Quốc vẫn còn rất sâu sắc là bởi mọi người chẳng biết tới người đồng tính công khai nào cả", người này nói.

Xiaoxiong và Xiaojing tin rằng gia đình họ biết sự thật về mối quan hệ giữa hai người, nhưng không ai muốn thừa nhận điều đó cả.

"Chúng tôi không mong ước gì nhiều", Xiaoxiong nói. "Những khi được ở nhà, cùng ngồi bên nhau, chúng tôi cảm thấy thật yên bình và hạnh phúc".

Tác giả: Ngụy An

Nguồn tin: zing.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

ok