Số hóa

Việt Nam đứng trước nguy cơ bị tấn công và phát tán tấn công DDoS

Những số liệu thống kê từ báo cáo Nguy cơ quý 4 năm 2018 của Nexusguard cho thấy một vị trí đáng quan ngại của Việt Nam trong bức tranh tấn công DDoS toàn cầu. Việt Nam đứng vị trí thứ 6 về nguồn tấn công DDoS, chỉ sau Trung Quốc, Mỹ, Pháp, Nga và Brazil.

Thông tin này vừa được chia sẻ tại Hội thảo “Bảo vệ mạng và dữ liệu khỏi các cuộc tấn công DDoS nhằm vào các tổ chức, doanh nghiệp” lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam do Cục An toàn Thông tin, Báo VietnamNet (thuộc Bộ Thông tin và Truyền thong) kết hợp với Nexusguard Limited tổ chức, sáng 3/5. Hội thảo nhằm mục đích nâng cao nhận thức của các nhà cung cấp dịch vụ và những cơ quan ban ngành của nhà nước về các xu hướng tấn công DDoS và cách phòng tránh và thực thi luật pháp khi Việt Nam đang chuyển dịch thành quốc gia thông minh.

Ông Nguyễn Huy Dũng, Quyền Cục trưởng Cục An toàn Thông tin của Bộ TT&TT cho biết, theo số liệu thống kê từ Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia thuộc Cục An toàn Thông tin cho thấy, từ giữa năm 2018 cho đến hết quý I/2019, khi các giải pháp đảm bảo an toàn, an ninh mạng được quyết liệt triển khai, số lượng các cuộc tấn công mạng dẫn đến sự cố đã giảm so với giai đoạn trước. Đặc biệt số cuộc tấn công mạng nhằm vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam và số địa chỉ IP Việt Nam nằm trong các mạng máy tính ma đã tiếp tục giảm mạnh trong quý I/2019.

Ông Nguyễn Huy Dũng, Quyền Cục trưởng Cục An toàn Thông tin của Bộ TT&TT phát biểu tại Hội thảo.

“Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Bộ TT&TT là hoàn thành xây dựng Chiến lược an toàn, an ninh mạng Việt Nam đến năm 2021, định hướng đến năm 2025 và Đề án xây dựng Trung tâm an toàn, an ninh mạng ASEAN.Năm 2019, với lĩnh vực an toàn, an ninh mạng, Bộ TT&TT đã xác định rõ mục tiêu là tạo ra được thị trường an toàn, an ninh mạng; phát triển các doanh nghiệp an ninh mạng Việt Nam đảm bảo an toàn hệ thống thông tin của các cơ quan Đảng, Nhà nước. Việt Nam trở thành trung tâm an ninh mạng của ASEAN” - ông Nguyễn Huy Dũng nói.

Đây là lần đầu tiên Nexusguard chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm trong việc phát hiện và giảm nhẹ tấn công DDoS với những chuyên gia về bảo mật hệ thống tại Việt Nam, ông Andy Ng, Tổng Giám đốc điều hành Nexusguard khu vực châu Á Thái Bình Dương cho biết: “Với sự hiện diện mạnh mẽ tại châu Á, chúng tôi đang tham gia bảo vệ các cơ quan chính phủ, các công ty cung cấp dịch vụ truyền thông và doanh nghiệp khỏi các cuộc tấn công DDoS trong suốt thập kỷ qua”.

Thông qua Hội thảo này, Nexusguard mong muốn nhận thức về bảo mật sẽ được nâng cao tại Việt Nam khi Việt Nam đang tìm kiếm giải pháp an toàn mạng và chuyển mình thành quốc gia thông minh. Chúng tôi mong muốn được làm việc với các nhà cung cấp dịch vụ truyền thông để đảm bảo việc truy cập được và dịch vụ quan trọng được thông suốt".

Thông qua hội thảo, Nexusguard mong muốn nhận thức về bảo mật sẽ được nâng cao tại Việt Nam khi Việt Nam đang tìm kiếm giải pháp an toàn mạng và chuyển mình thành quốc gia thông minh

Theo Báo cáo Nguy cơ Quý 4 năm 2018 của Nexusguard, những số liệu thống kê cho thấy một vị trí đáng quan ngại của Việt Nam trong bức tranh tấn công DDoS toàn cầu. Cụ thể, Việt Nam đứng vị trí thứ 6 trên toàn cầu về nguồn tấn công DDoS trên toàn cầu sau Trung Quốc, Mỹ, Pháp, Nga và Brazil. Việt Nam và Brazil chiếm tỷ trọng bằng nhau trong quý 4 2018 với tỷ lệ 3.53%.Việt Nam đứng thứ vị trí thứ 2 trong khu vực châu Á Thái Bình Dương về nguồn tấn công DDoS với tỷ lệ 9.52% sau Trung Quốc, trên vị trí của Ấn Độ và Indonesia. Đứng sau Mỹ, Trung Quốc và Pháp, tỷ lệ nguồn tấn công từ số hiệu mạng Việt Nam đứng thứ 4, với tỷ lệ 2.29%.

Trước đó, trong Báo cáo Quý 3 năm 2018 của Nexusguard đã tiết lộ sự xuất hiện của hình thức tấn công từ chối dịch vụ (DDoS) phân tán vô cùng lén lút nhắm vào các nhà cung cấp dịch vụ truyền thông (CSP) ví dụ như các nhà mạng viễn thông, công ty cung cấp dịch vụ internet và trung tâm dữ liệu. Cách tấn công mới này khai thác tấn công ở cấp độ số hiệu mạng ASN của các nhà CSP (thay vì tấn công vào một hệ thống thông tin cụ thể như tấn công DDoS thông thường) bằng cách truyền lưu lượng tấn công nhỏ qua hàng trăm địa chỉ IP (giao thức Internet) để tránh bị phát hiện.Hình thức tấn công mới được thiết kế tránh bị phát hiện và được đặt tên là cuộc tấn công “Bit-and-Piece”. Hậu quả của hình thức tấn công này không chỉ ảnh hưởng tới mạng lưới của nhà cung cấp dịch vụ CSP mà còn ảnh hưởng tới các cơ quan chính phủ và doanh nghiệp trên mạng lưới này, gây ra việc chậm trễ trong tiếp cận dịch vụ và có thể làm cho mạng lưới bị sập.

Báo cáo Quý đo lường hàng ngàn cuộc tấn công DDoS trên toàn thế giới, chỉ ra rằng các nhà cung cấp dịch vụ truyền thông là mục tiêu chính khi 65,5% các cuộc tấn công DDoS trong Quý 3 nhằm vào họ do các mạng lưới rộng lớn của họ cho phép truy cập thông tin khách hàng. Những kẻ tấn công bị phát hiện đã làm nhiễm một nhóm địa chỉ IP đa dạng trên hàng trăm lớp IP (ít nhất là 527 mạng lớp C, theo báo cáo của Nexusguard) với lưu lượng tấn công rất nhỏ. Kết quả là, quy mô tấn công trung bình hàng năm trong quý đã giảm đáng kể - 82%.

Sự phát triển không ngừng của các phương thức tấn công DDoS cho thấy các CSP cần tăng cường năng lực bảo đảm an toàn thông tin mạng và tìm ra những cách hiệu quả hơn để bảo vệ cơ sở hạ tầng và khách hàng quan trọng của họ. Việc tiếp tục phát hiện ra các kiểu tấn công mới cũng sẽ cảnh báo cho các doanh nghiệp về tầm quan trọng của việc lựa chọn các nhà cung cấp dịch vụ chống tấn công DDoS.

Tác giả: Phạm Lê

Nguồn tin: Báo VnMedia

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok