Thể thao

Vì sao Bùi Tiến Dũng chạm đáy sự nghiệp ở tuổi 23?

Những sai lầm liên tiếp, áp lực khủng khiếp từ dư luận cùng việc không được thi đấu thường xuyên đang từng ngày “giết chết” sự nghiệp của thủ môn Bùi Tiến Dũng.

Trong nhóm 11 cầu thủ đá chính của U23 Việt Nam ở giải đấu tại Thường Châu (Trung Quốc), phần lớn đã thành danh, trở thành trụ cột tại CLB và tuyển Việt Nam. Người hiếm hoi có sự nghiệp đi xuống là Bùi Tiến Dũng. 2 năm sau ngày U23 Việt Nam khiến cả châu Á phải khâm phục, Tiến Dũng vẫn chật vật đi tìm hình bóng vinh quang của chính anh trong quá khứ.

Anh đã sai lầm thế nào? Đâu là vấn đề? Tiến Dũng phải cải thiện những gì để cứu lấy sự nghiệp đang đi xuống của mình?

Những sai lầm liên tiếp trong cả 2 màu áo CLB và đội tuyển U23 khiến sự nghiệp của Bùi Tiến Dũng chạm đáy ở tuổi 23. Đồ họa: Minh Phúc.

Sai lầm của Bùi Tiến Dũng

Hãy điểm lại 3 trận gần nhất của Bùi Tiến Dũng trong thời gian qua trước khi đưa ra nhận xét về anh.

Hôm 1/3, tại siêu cúp Quốc gia, Tiến Dũng bắt không dính, để bóng nảy ra, tạo cơ hội cho Pape Omar đá bồi cận thành. Ngày 25/2, trong trận gặp Hougang United ở AFC Cup, anh lúng túng trước pha băng xuống của cầu thủ đối phương rồi phạm lỗi, dẫn tới quả phạt đền cho đối thủ.

Sai lầm nổi tiếng nhất của Dũng đến hôm 16/1 tại trận gặp CHDCND Triều Tiên ở U23 châu Á. Anh bắt hụt bóng sau cú đá phạt từ khoảng cách rất xa của đội Triều Tiên, tạo bước ngoặt khiến U23 Việt Nam thua trận.

Điểm chung đầu tiên trong cả 3 bàn thua ấy là anh hiếm khi bắt dính bóng, thường xuyên để tạo cơ hội bóng hai cho đối thủ. Điểm chung thứ hai là sự thiếu quyết đoán. Trong cả 3 tình huống ấy và nhiều sai lầm trước đó, Dũng đều lúng túng khi lựa chọn giải pháp ngăn chặn đối thủ. Anh thường mất thời gian suy nghĩ dẫn tới ra quyết định chậm.

Trong nhiều tình huống, quyết định quá chậm của Tiến Dũng khiến anh mất lợi thế tranh chấp, tạo ra những pha bóng 50/50 mà ở đó, cơ hội chia đều cho cả đối thủ.

Sai lầm của Dũng càng nặng nề hơn trong bối cảnh cụ thể của 3 trận đó. Các bàn thua ấy đều tới khi CLB TP.HCM và U23 Việt Nam đang dẫn trước đối thủ, nghĩa là có rất ít áp lực cho cả đội bóng và Tiến Dũng. Anh không buộc phải thể hiện, không cần phải tỏa sáng mà chỉ cần chơi đơn giản, an toàn nhất có thể. Dù vậy, Tiến Dũng vẫn mắc lỗi.

Các sai lầm của anh bắt đầu liên tục trong màu áo Thanh Hóa sau khi Tiến Dũng trở về từ U23 châu Á 2018. Sau khi anh chuyển tới CLB Hà Nội và TP.HCM, cộng thêm nhiều trận tại U23 Việt Nam, tình hình vẫn không được cải thiện. Bởi cả 3 đội bóng ấy lẫn tuyển U23 đều không xử lý được các vấn đề của Tiến Dũng.

Ở Thường Châu, Tiến Dũng không chịu một áp lực nào, không mang trên vai kỳ vọng nào. Bởi thế, anh chẳng có gì phải sợ hãi. Ảnh:Hoàng Hà.

Hạn chế về trình độ, tâm lý và kinh nghiệm thi đấu

Vấn đề đầu tiên và lớn nhất của Tiến Dũng là trình độ và tâm lý thi đấu. Vì kỹ năng cơ bản chưa tốt, Tiến Dũng không có được sự tự tin. Vì không tự tin, anh không có được trạng thái thi đấu thoải mái. Danh thủ Dương Hồng Sơn cho rằng: “Tâm lý không ổn định, sợ sai là điều rất nguy hiểm cho các thủ môn”.

Trong bóng đá, có hai mẫu cầu thủ đối phó rất tốt với áp lực. Mẫu thứ nhất là những cầu thủ rất trẻ, chưa từng trải, chưa biết gì nên không sợ gì. Mẫu thứ nhì là những lão tướng kỳ cựu, đã trải nghiệm quá nhiều nên không còn bất ngờ trước điều gì. Bùi Tiến Dũng ở Thường Châu là dạng thứ nhất. U23 Việt Nam lúc ấy nằm trong nhóm yếu nhất giải, không gánh trên vai kỳ vọng nào. Với họ, từng chiến thắng đều là bất ngờ, không có sai lầm nào bị mổ xẻ. Vị thế không gì cả của Tiến Dũng giúp anh thoát khỏi mọi áp lực và chơi thăng hoa.

Khi Dũng trở về V.League, vị thế của anh đã thay đổi. Anh cũng đối diện cuộc cạnh tranh khốc liệt ở U23 và CLB. Từ chỗ vô danh, Dũng bị đặt vào vị trí chịu nhiều kỳ vọng và áp lực nhất, nơi mọi lỗi nhỏ nhất của anh sẽ bị phóng đại thành những sai lầm tồi tệ. Chúng ta đã thấy Dũng chơi tệ thế nào trong áp lực ấy và càng ngày càng tệ hơn.

Trong 11 cái tên đá chính của U23 Việt Nam ở Thường Châu năm 2018, Tiến Dũng là người ít kinh nghiệm chuyên nghiệp nhất. Anh mới lên đội một Thanh Hóa từ năm 2017, mới có 6 trận ra sân ở V.League.

Khác với Tiến Dũng, phần lớn thế hệ Thường Châu, kể cả người trẻ nhất như Văn Hậu (giữa), đều đã có ít nhất một mùa giải trọn vẹn ở V.League trước khi đi U23 châu Á 2018. Ảnh: Minh Chiến.

Phần còn lại của đội tuyển đều đã dày dạn kinh nghiệm sa trường, nhiều người đã chơi bóng ở nước ngoài. Cùng lứa 1997 với Tiến Dũng, Nguyễn Quang Hải, Đoàn Văn Hậu, Hà Đức Chinh đều đã có 1-2 mùa V.League trọn vẹn.

Cựu HLV Bình Dương Đoàn Minh Xương cho rằng: “Nguyên nhân của tâm lý thi đấu là do ít được ra sân. Không riêng gì vị trí thủ môn, các cầu thủ trẻ nói chung trong hệ thống bóng đá trẻ Việt Nam chỉ được đá tầm chục trận mỗi năm. Họ không tâm lý mới là lạ”.

Danh thủ Dương Hồng Sơn cũng đồng quan điểm: “Ít được chơi, ít được bắt V.League là thiệt thòi lớn của Tiến Dũng, bởi đó là môi trường trải nghiệm rất tốt. Với thủ môn, chơi V.League càng nhiều càng có lợi. Còn ở cấp đội tuyển, một thủ môn phải bắt được 3, 4 trận hay liên tiếp mới chứng minh được sự ổn định”.

Vấn đề của Tiến Dũng cho tới hôm nay chưa được giải quyết. Từ năm 2017 tới giờ, Dũng đã có thêm 3 mùa nhưng mới chơi 22 trận ở V.League. Mùa 2019, năm chứng kiến sự sa sút đáng báo động của Dũng, anh bắt đúng 3 trận tại hạng đấu cao nhất Việt Nam.

Cầu thủ muốn cải thiện phải được thi đấu thường xuyên, nhưng Tiến Dũng thì hiếm khi được trao cơ hội đó.

Thống kê nói rằng V.League không phải là chỗ dành cho các thủ môn trẻ. Đồ họa: Minh Phúc.

Thủ môn trẻ khó thành công ở V.League

Bối cảnh khách quan của V.League cũng không ủng hộ Bùi Tiến Dũng.

Số liệu 14 CLB tại V.League 2020 cho thấy tuổi trung bình của các thủ môn chính thức là 29,2. Tiến Dũng năm nay mới 23 tuổi. Vị trí thủ môn rõ ràng không phải là mảnh đất hứa cho những tài năng trẻ.

Tuổi đời trung bình của một thủ môn khi giành được vị trí chính thức là 25,1. Có rất ít thủ môn được thi đấu thường xuyên ở tuổi U23. Vài ngoại lệ hiếm hoi như Nguyễn Văn Toản (20 tuổi), Trần Bửu Ngọc (21 tuổi) hay Trần Nguyên Mạnh (22 tuổi) đều tới từ các CLB nhóm dưới, ít áp lực, ít cạnh tranh. Và nếu bạn để ý, cả ba sau này đều lên tuyển. Nghĩa là cần một sự cộng hưởng mạnh mẽ giữa thực lực và may mắn, các thủ môn U23 mới có cơ hội ra sân tại V.League.

Tiến Dũng không có may mắn ấy. Hai mùa khởi nghiệp của Dũng diễn ra trong giai đoạn hùng mạnh nhất của Thanh Hóa, nơi cả Filip Nguyễn cũng từng thử việc thất bại. Năm ngoái, anh gia nhập đội vô địch CLB Hà Nội. Năm nay, anh khoác áo đội đương kim á quân, đại diện số một của Việt Nam ở đấu trường châu Á.

Ứng với danh tiếng, những CLB này đều có các thủ môn đẳng cấp, giàu kinh nghiệm. Đó là Nguyễn Văn Công (28 tuổi) và Thanh Thắng (32 tuổi).

Danh thủ Dương Hồng Sơn giải thích: “Một thủ môn đạt phong độ và trạng thái tâm lý tốt nhất sẽ rơi vào khoảng 24, 25 tuổi. Đó là thời điểm chững chạc, phong độ, sung sức nhất của thủ môn. Thủ môn bắt chính ở tuổi 20, 21 thì rất hiếm. Ngày xưa, tôi cũng được thi đấu từ khi 20, 21 nhưng để có sự ổn định thì tôi vẫn chưa được”.

“Thủ môn tuổi đó sẽ có những trận rất hay nhưng cũng có nhiều trận rất dở. Điều quan trọng là mình tìm được người có thể chau chuốt cho mình các sai lầm mình mắc phải. Vai trò của HLV rất quan trọng, là người tìm được các điểm mạnh, điểm yếu của mình để phát huy”.

Ba năm qua, Tiến Dũng đã khoác áo 3 CLB khác nhau ở ba miền khác nhau, thích nghi với 3 hệ thống chiến thuật khác nhau, làm việc với 3 HLV thủ môn khác nhau. Ảnh: Minh Chiến.

Một người thầy giỏi? Đó cũng là điều Tiến Dũng không có.

Ba năm qua, Tiến Dũng đã khoác áo 3 CLB khác nhau ở 3 miền khác nhau, thích nghi với 3 hệ thống chiến thuật khác nhau, làm việc với 3 HLV thủ môn khác nhau. Trong độ tuổi phát triển quan trọng nhất, anh không ở ổn định nơi nào, liên tục di chuyển đội bóng, liên tục thay đổi phương pháp huấn luyện. Điều đó khiến Dũng bỏ mất thời kỳ vàng để hoàn thiện các kỹ năng.

Lấy những đồng đội của Tiến Dũng là Quang Hải và Văn Hậu làm ví dụ, họ chỉ chơi cho một CLB từ ngày lên V.League. Cả hai đều từng có những khởi đầu khó khăn, Quang Hải từng bị khán giả trên sân la ó, đòi HLV thay ra. Tuy nhiên, họ gắn bó với một tập thể, chơi dưới sự bảo bọc của đội bóng khởi nghiệp. Họ có thời gian, được phép sai lầm và nay đều đã thành danh. Tiến Dũng không có những điều đó.

Người hùng Thường Châu năm nay đã tròn 23 tuổi. U23 châu Á vừa qua là lần cuối cùng anh khoác áo một đội tuyển trẻ. Phong độ hiện tại không cho phép Tiến Dũng nghĩ về màu áo tuyển Việt Nam. Cơ hội của anh vì thế sẽ tập trung vào V.League.

Cùng lứa với Tiến Dũng, nhiều thủ môn trẻ với tài năng không khác anh quá nhiều đang tìm được cơ hội ở các đội bóng nhỏ. Đó là Văn Toản tại Hải Phòng, Dương Quang Tuấn ở Hà Tĩnh hay Nguyễn Văn Hoàng ở SLNA.

23 tuổi, cơ hội vẫn còn với Tiến Dũng. Nhưng cơ hội ấy có lẽ không nằm ở đội TP.HCM.

Tác giả: Thanh Hà

Nguồn tin: zing.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok