Thể thao

“VFF phải chịu trách nhiệm khi bóng đá không làm hài lòng người hâm mộ”

Cựu trưởng đoàn thể Việt Nam Nguyễn Hồng Minh cho rằng bóng đá Việt Nam những năm qua có khởi sắc, nhưng những điều mà người hâm mộ thật sự muốn có thì bóng đá chưa đáp ứng được. Đặc biệt, vai trò điều hành của những nhà quản lý còn nhiều điều đáng bàn.

Ông đánh giá thế nào về bóng đá Việt Nam trong thời gian vừa rồi?

Để đánh giá chung về một nền bóng đá, quan điểm của tôi thì đánh giá đấy phải tổng hợp và đặt trong điều kiện là nền kinh tế như thế nào, nền thể thao của đất nước, trong đó có bóng đá ra sao, bao gồm truyền thống, khâu quản lý, rồi luật chơi của thế giới áp dụng vào đặc thù của từng quốc gia.

Đầu tiên phải nói rằng bóng đá có khởi sắc, là môn tiên phong trong việc xã hội hoá TDTT, từ đó làm thay đổi đáng kể nhận thức của những nhà quản lý thể thao nói chung: Đó phải xã hội hoá mới gánh vác nổi môn chơi, chứ kinh phí nhà nước nhà nước không thôi thì không đủ, và cũng không thể làm được.

Mặt được khác là trong 10 năm trở lại đây, hệ thống đào tạo trẻ thay đổi. Chứ trước đây thì chúng ta chỉ làm bóng đá theo kiểu quốc tế có giải nào, lứa tuổi bao nhiêu, bóng đá Việt Nam chỉ tập trung, tập hợp đội tuyển đúng lứa tuổi đấy.

Tuy nhiên, phải hiểu rằng sự phát triển vừa nêu là xu thế tất yếu của thời đại, cho dù cơ quan quản lý bóng đá có nắm bắt được hay không nắm bắt được xu thế đấy thì công tác đào tạo trẻ vẫn phải tiến. Còn tiến nhanh hay chậm là ở chỗ nếu nắm bắt được, hỗ trợ công tác đào tạo trẻ, thì tiến nhanh, ngược lại thì chậm.

Ông Nguyễn Hồng Minh
Ông Nguyễn Hồng Minh

Còn chuyện có khởi sắc đúng như kỳ vọng hay không thì cần nhìn vào chi tiết, những gì mà người hâm mộ, xã hội chờ đợi nhất thì bóng đá chưa làm được. Ví dụ mãi vẫn chưa vô địch nổi SEA Games, vẫn chỉ mới 1 lần vô địch AFF Cup. Rồi thành tích đỉnh cao lại còn không ổn định. Có nghĩa là chúng ta cũng phát triển, nhưng phát triển chậm hơn xung quanh mình.

Vì sao bóng đá chưa thể phát triển đúng với tiềm năng?

Đấy là vấn đề về con người và về chiến lược. Về con người, những người làm bóng đá không phải là dân trong nghề, trong khi những người có nghề lại không có tài lực để thực hiện. Thành ra mới có hiện tượng như nhiều người đề cập, đó là các ông bầu đầu tư ào ạt, nhưng không phải ai cũng đi đúng đường.

Như đã nói, xu thế của bóng đá là xã hội hoá, vậy việc các ông chủ chi tiền là tốt, nhưng do họ không có nghiệp vụ, không am hiểu môn chơi, thiếu định hướng, lại không nhận được sự tư vấn đúng của những người có nghề, nên dần dần họ đi sai đường. Chưa kể quan điểm làm bóng đá của các ông bầu khác nhau, theo tư duy chủ quan lại cản trở lẫn nhau. Có thể họ không cố ý như thế, nhưng điều đó lại làm giảm năng lực phát triển của bóng đá Việt Nam.

Lẽ ra, chúng ta cần có là sự phối hợp giữa người có tài lực và người có chuyên môn. Từ đó mới thấy bóng đá Việt Nam mấy năm gần đây thiếu một nhân vật đủ tầm để liên kết những con người thuộc 2 giới nói trên lại với nhau.

Vậy thì để thay đổi, chúng ta cần làm những gì, thưa ông?

Tôi nói đến Hội nghị sơ kết 4 năm thực hiện Chiến lược phát triển bóng đá VN đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, những người lẽ ra phải nói về chiến lược lại như thể lên đọc báo cáo. Ngay cả họ cũng mơ hồ về việc mục tiêu, nhiệm vụ của từng người, từng bộ phận, từng cấp là gì, thì định hướng ở đâu!


Bóng đá Việt Nam không có chuyển biến gì những năm gần đây - Ảnh: Gia Hưng

Bóng đá Việt Nam không có chuyển biến gì những năm gần đây - Ảnh: Gia Hưng

Lẽ ra phải nói rõ bao nhiêu đề án thực hiện được sau chừng ấy thời gian, bao nhiêu đề án không thực hiện được, rồi ai chịu trách cho những việc đã làm được và chưa làm được ấy? VFF phải nói rõ nhiệm vụ của mình, cơ quan quản lý nhà nước là Tổng cục TDTT cũng không tổ chức thực hiện, không giám sát, thiếu sâu sát thì mọi thứ bị buông lỏng cũng không phải là lạ.

Thành ra, theo tôi, đây là điều mà chúng ta cần thay đổi, thay trước tiên là thay đổi về vai trò của người đứng đầu trong việc quản lý bóng đá.

Theo ông, người đứng đầu VFF trong tương lai phải là nhân vật như thế nào?

Đầu tiên, VFF cần một chủ tịch biết việc và một Tổng thư ký biết quán xuyến. Chủ tịch VFF không quan trọng ở chỗ phải là người nhà nước hay là doanh nhân thành đạt, mà phải hiểu bóng đá, có năng lực quản lý, có kinh nghiệm quản lý, phải tập hợp được các bộ phận, các nguồn lực xã hội để chung tay vì bóng đá.

Ví dụ, các chủ tịch của nhiều liên đoàn thể thao trên thế giới cũng phải hội đủ nhiều tiêu chí là có quyền lực, có tài lực, hiểu biết về môn mà mình ngồi ghế chủ tịch. Quan trọng hơn nữa là nhân vật đấy phải đủ tầm, đủ uy tín để tập hợp được những con người hiểu biết, những con người có tâm huyết chung sức với mình.

Xin cảm ơn ông!

Tác giả: Trọng Vũ (thực hiện)

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok