Thể thao

VFF lo cãi nhau, ai lo cho định hướng của bóng đá Việt Nam?

Bóng đá Việt Nam đang trong vòng xoáy tranh cãi, điều đó chợt khiến những ai quân tâm đến bóng đá nội cảm thấy bất an, trong bối cảnh mà định hướng phát triển của bóng đá nội vốn đã thiếu, hệ thống giải quốc nội thì yếu, nhưng các bên không lo chấn chỉnh, mà cứ hết đấu lại đá.

Trong nhà chưa tỏ - ngoài ngõ đã tường

Câu chuyện HLV Nguyễn Hữu Thắng than mình không muốn trở thành công cụ để các quan chức đấu đá, giành ghế, giành quyền lực ở VFF có thể khiến nhiều người buồn, nhưng kỳ thực đó là câu chuyện không mới.

Thời gian qua, rất nhiều thông tin từ trong nội bộ VFF chẳng hiểu vô tình hay hữu ý cứ rò rỉ ra ngoài, theo kiểu “trong nhà chưa tỏ - ngoài ngõ đã tường” càng khiến cho người ta tin vào chia sẻ của vị cựu HLV đội tuyển quốc gia.

HLV Hữu Thắng vừa chỉ ra những phần chìm trong ngôi nhà VFF mà bản thân ông Thắng lo rằng mình là quân cờ cho các cuộc đấu đá vừa nêu.

Lạ ở chỗ, bóng đá Việt Nam sau thất bại ở SEA Games 29, sau một chu kỳ sử dụng HLV không thành công thay vì bàn định hướng khắc phục những điểm yếu cho toàn bộ nền bóng đá, giờ lại có quá nhiều người muốn bàn đến vị trí này, vị trí kia trong cơ quan điều hành bóng đá nội, khi Đại hội nhiệm kỳ của VFF dự định sẽ tiến hành vào tháng 3 năm sau.

Bóng đá Việt Nam sau thất bại tại SEA Games 29 cần những định hướng để tương lai tốt hơn, chứ không cần những lời đổ lỗi, chối lỗi và những cuộc đấu đá


Người ta quên mất rằng bóng đá Việt Nam dù rất cần cải tổ, nhưng đó là cải tổ phương pháp điều hành, tìm ra những định hướng để phát triển, hệ thống lại các giải đấu trong nước vốn quá bất cập, mà có nhà chuyên môn đã gọi vui rằng bóng đá Việt Nam đang “chổng ngược mà đi” (hạng trên nhiều đội hơn hẳn hạng dưới), chứ bóng đá Việt Nam không cần có thêm những tranh cãi, theo hướng hạ bệ uy tín cá nhân.

Người ta cũng quên mất rằng V-League đang rất cần một sự cải tổ để kéo khán giả trở lại với các sân bóng, tức là níu kéo sức sống của chính giải đấu này. Mà nếu không phải VFF là nơi viết lại định hướng cho giải đấu ấy, nơi bắt đầu cho công cuộ cải tổ hệ thống giải quốc nội, thì còn ở đâu nữa?

Muốn thế thì VFF phải tập trung chất xám ngay từ bây giờ, đi tìm giải pháp, trước khi xây dựng những định hướng, chứ không phải là những thông tin rò rỉ ra theo dạng đấu tố nhau

Cuộc chơi công bằng

Một câu chuyện liên quan đến HLV Nguyễn Hữu Thắng thôi cũng khiến lòi ra nhiều cái quá dở ở ngôi nhà VFF.

Những ai đang mượn sự bức xúc của vị cựu HLV đội tuyển quốc gia để lôi ông Thắng vào cuộc đấu quyền lực như ông này vừa cảm thán đã dở, những người khiến HLV Nguyễn Hữu Thắng phải lên tiếng theo kiểu bất phục cũng hành xử không hay.

Nếu các bên biết nhìn cái khiếm khuyết, biết nhận trách nhiệm của mình ngay từ đầu, thì sự việc không đi xa đến vậy.

HLV Nguyễn Hữu Thắng ngay sau thất bại đã xung phong nhận trách nhiệm về mặt chuyên môn. Đấy là điều ông Thắng cảm thấy mình nên làm và cần phải làm gấp khi đã để cho người hâm mộ thất vọng.

Lẽ ra, những người trong vai trò quản lý cũng cần phải xem lại khâu quản lý của mình, nhận khuyết điểm để khắc phục, rồi làm tốt hơn ở những lần tới, thay vì dồn hết tội lên đầu HLV Nguyễn Hữu Thắng theo kiểu “giậu đổ bìm leo”!

Đừng trách dư luận cũng bất phục và bất mãn khi VFF “mổ xẻ” thất bại của đội tuyển U22 Việt Nam tại SEA Games, vì dư luận thừa hiểu rằng một mình HLV Nguyễn Hữu Thắng không thể tạo nên đội tuyển đấy, càng không thể tạo nên toàn bộ quá trình chuẩn bị rồi thi đấu tại SEA Games, nên ông Thắng không đáng một mình bị trút mọi trách nhiệm vào người.

Nếu tất cả các bên sòng phẳng ngay từ đầu, nếu biết chơi đẹp với nhau ngay từ đầu, chơi đẹp với nhau ngay cả lúc thất bại thì sự việc có lẽ đã chẳng bị đẩy đi xa đến thế! Bởi, dư luận dù rất khắt khe nhưng cũng không đến nỗi không biết lắng nghe và không biết suy xét, nếu như sau tất cả, những người có liên quan chỉ ra đúng cái lỗi của mình, rồi cho ra giải pháp, nêu ra định hướng để khắc phục cái lỗi đấy!

Bằng chứng là người hâm mộ thể thao nói chung đâu có trách toàn bộ đoàn Thể thao Việt Nam không hoàn thành chỉ tiêu HCV tại SEA Games, miễn là các môn cơ bản trong phong trào Olympic thành công, miễn là người ta thấy lối ra, thấy đường vươn lên châu lục của toàn bộ ngành thể thao nói chung! Đâu ai vì thành tích trước mắt mà chỉ trích phần định hướng, nếu đó là định hướng đúng!

Tác giả: Trọng Vũ

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok