Kinh tế

Vận đen nhà bà Chu Thị Bình: Mất 245 tỷ tiết kiệm, bay hơi 600 tỷ tài sản

Hàng loạt cổ phiếu ngân hàng quay đầu giảm giá mạnh. Vietcombank sụt giảm bất chấp lợi nhuận 2017 kỷ lục 500 triệu USD và mùa báo cáo kế hoạch đang đến gần. Cổ phiếu Eximbank chưa ngừng giảm sau vụ tiền trong tài khoản khách hàng VIP “bỗng dưng biến mất”.

Sau nhiều ngày nắm giữ vai trò dẫn dắt trên thị trường chứng khoán (TTCK), nhiều cổ phiếu ngân hàng quay đầu giảm giá.

Sau vụ mất 245 tỷ đồng tiền gửi tại Eximbank, cổ phiếu EIB của ngân hàng này giảm liên tục trong nhiều phiên khiến vốn hóa giảm tổng cộng 1.100 tỷ đồng. Cổ phiếu Thủy sản Minh Phú của nhà bà Chu Thị Bình (khách hàng VIP trong vụ mất tiền tại EIB) giảm mạnh 2 phiên mất 17.000 đồng/cp, khiến tài sản của bà Bình giảm thêm gần 300 tỷ. Nếu tính cả gia đình, nhà bà Bình mất thêm khoảng 600 tỷ đồng.

Cổ phiếu VCB của Ngân hàng Vietcombank giảm 2.300 đồng/cp khiến vốn hóa của ngân hàng này bốc hơi 8.300 tỷ đồng.

Cổ phiếu Vietcombank sụt giảm bất chấp lợi nhuận 2017 kỷ lục 500 triệu USD và mùa báo cáo kế hoạch đang đến gần. Trong năm 2017, Vietcombank là ngân hàng có lợi nhuận cao nhất, lên tới hơn 11,3 ngàn tỷ đồng.

Lợi nhuận của Vietcombank được kỳ vọng còn tăng trong năm 2018 khi mà nền kinh tế Việt Nam vừa lấy lại được đà tăng trưởng mạnh, tín dụng tăng cao, tiêu dùng trên thị trường tăng vọt, dòng vốn ngoại dồn dập đổ vào với Vietcombank là một đầu mối mua bán các khoản ngoại tệ khổng lồ này. Mảng dịch vụ đang góp phần lớn dần vào lợi nhuận của ngân hàng này.

Trong một diễn biến mới, Vietcombank vừa tăng phí một loạt các dịch vụ như SMS Banking từ 8.800 đồng lên 11.000 đồng/tháng, bắt đầu thu phí qua ứng dụng Mobile Banking 2. 200 đồng/giao dịch cho dù đã có thu phí duy trì 11.000 đồng/tháng.

Bên cạnh đó, khách hàng của Vietcombank khi chuyển tiền trong cùng hệ thống cũng sẽ mất phí. Khi chuyển tiền liên ngân hàng, số tiền dưới 10 triệu đồng sẽ chịu phí 7.700 đồng/giao dịch, còn số tiền trên 10 triệu đồng sẽ chịu phí 0,02% tổng số tiền.

Trên thực tế, xu hướng đẩy mạnh thu từ dịch vụ đã được tất cả các ngân hàng hoạch định từ lâu. Tuy nhiên, hầu hết các ngân hàng đều đang để ở mức thấp do dịch vụ chưa tương xứng và vẫn đang trong quá trình thu hút khách hàng dùng dịch vụ. Hiện tại, hàng loạt các ngân hàng khác đang tập trung đẩy mạnh các dịch vụ ngân hàng số rất mạnh và hiện đại, trong khi chi phí thấp.

Vietcombank hiện thuộc ngân hàng hàng đầu về quy mô với số lượng khách hàng áp đảo so với các ngân hàng khác. Với những chuyển biến này, nhiều khả năng lợi nhuận của Vietcombank sẽ còn tăng mạnh trong năm 2018.

Trong tương lai, hàng loạt các dự báo cho rằng, cuộc đua trong hệ thống ngân hàng sẽ là cuộc đua về công nghệ số với hàng ngàn các dịch vụ hiện đại kèm theo. Đây là cơ hội để hàng loạt các ngân hàng nhỏ sẽ bứt phá và sẵn sàng vượt các ông lớn.

Trên TTCK, giao dịch vẫn rất sôi động. Nhóm cổ phiếu bất động sản tăng đột biến ở các cổ phiếu vốn trung bình. Hàng loạt các cổ phiếu BĐS quy mô vừa tăng trần như: HAR, DRH, VE9, NVT… Hàng loạt các cổ phiếu tăng mạnh như: VCG, DIG, VRE, NVL…

Với những thông tin vĩ mô khá tích cực và sức hấp dẫn của Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài ở nhiều lĩnh vực, rất có thể chứng khoán Việt Nam sẽ chinh phục đỉnh lịch sử 11 năm bất thành ngay trong tháng 3 này, thời điểm mà hàng loạt các doanh nghiệp sẽ chuẩn bị đại hội cổ đông cho một năm mới với nhiều kết quả ấn tượng hơn.

Trước đó, kết thúc phiên giao dịch 1/3, VN-index giảm 5,75 điểm xuống 1.115,79 điểm; HNX-Index giảm 0,95 điểm xuống 127,1 điểm. Upcom-Index giảm 0,27 điểm xuống 59,82 điểm. Thanh khoản đạt 310 triệu cổ phần được giao dịch. Giá trị đạt 8,8 ngàn tỷ đồng, cao hơn so với mức trung bình những tuần sôi động gần 4,8 ngàn tỷ đồng hồi tháng 6-7.

Tác giả: V. Hà

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok