Giáo dục

TS Vũ Thu Hương: Đã đến lúc dẹp bỏ “bia đỡ đạn” lạm thu của nhà trường!

TS Vũ Thu Hương (giảng viên ĐH Sư phạm Hà Nội) cho rằng, Ban đại diện cha mẹ học sinh đang bị biến tướng, trở thành “bia đỡ đạn” của lãnh đạo nhà trường khi bị phát hiện lạm thu. Nữ tiến sĩ kiến nghị, đã đến lúc nên xóa bỏ ban này.

Ban đại diện cha mẹ học sinh “tiếp tay” cho nạn lạm thu

Thưa TS Vũ Thu Hương, mới đây hàng loạt vụ việc lạm thu bị phát hiện đang gây bức xúc dư luận cả nước. Bà đánh giá thế nào về hiện tượng "không mới nhưng luôn nóng" mỗi đầu năm học này?

- Theo tôi, khi chúng ta chưa xử lý triệt để mà mới chỉ tập trung vào giải quyết vẻ bề ngoài thì chắc chắn mọi chuyện vẫn diễn ra như vậy thôi. Đặc biệt khi chúng ta động tới vấn đề quyền lợi, về tiền bạc, mọi chuyện sẽ không hề đơn giản. Các trường hoàn toàn có thể lách bằng các biên bản tự nguyện của phụ huynh. Rõ ràng điều này đã và đang xảy ra.

Nói về “Ban đại diện cha mẹ học sinh”, Bộ GD&ĐT có ban hành Điều lệ rất cụ thể về hoạt động thu chi của ban này và coi đây là “liều thuốc” chống lạm thu?

- Nhưng thực tế tôi thấy lại trái ngược. Tình trạng “xé rào” để thu tiền núp bóng dưới các hình thức thu tự nguyện, đóng góp, ủng hộ dưới sự bảo trợ của Ban đại diện cha mẹ học sinh đã diễn ra nhiều năm bất chấp những quy định khá rõ ràng của Bộ GD&ĐT.

Dù Điều lệ hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh quy định rõ là không được thu. Điển hình như tiền: bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, vệ sinh lớp học, mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học …, nhưng ban đại diện vẫn “bất chấp” đứng ra thu hộ. Đây chính là kẽ hở để lạm thu có đất sống.

Khi bị phát hiện, nhà trường chỉ cần “đá” trách nhiệm sang Hội cha mẹ học sinh là có thể thoát. Như vậy rõ ràng ban này đang “tiếp tay” cho nạn lạm thu hoành hành và đổ gánh nặng lên nhiều gia đình.

TS Vũ Thu Hương kiến nghị nên xóa bỏ Ban đại diện cha mẹ học sinh vì vai trò của ban này đã bị biến tướng.


Theo TS, việc tồn tại Ban đại diện phụ huynh có còn cần thiết không?

- Ban phụ huynh là một tổ chức mà theo tôi, thực sự không cần thiết trong các hoạt động giáo dục của nhà trường. Sự tồn tại của ban phụ huynh đã khiến cho mọi việc thêm rối tung lên. Trước hết, các phụ huynh khác đều không cảm nhận hết được trách nhiệm của họ với hoạt động của trường. Ngoài ra, cho dù họ có thu - chi đúng đắn đến đâu thì rõ ràng quỹ phụ huynh không có một quy tắc thu chi nào, các phụ huynh khác cũng sẽ xì xào. Điều này sẽ ảnh hưởng đến uy tín của trường cũng như những hoạt động của học sinh.

Một số người sẽ lo lắng nếu không còn ban đại diện cha mẹ học sinh, sẽ mất đi đầu mối để giám sát các hoạt động của trường, bà quan điểm thế nào?

- Ban phụ huynh không làm được gì cho học sinh ngoài việc mua quà cho cô ngày lễ tết và đến dự, phát biểu trong ngày lễ với trường. Còn việc tổ chức dã ngoại cho học sinh, phụ huynh tham dự đã quá chiều chuộng, hầu hạ các cháu. Trẻ cần được tự lập nhiều hơn, nên việc này thật sự không tốt.

Phụ huynh cũng có phần trách nhiệm

Theo TS, để xảy ra tình trạng lạm thu thì lỗi do những ai?

- Có rất nhiều nguyên nhân của tình trạng lạm thu này. Có trường thì do trường đã yêu cầu ban phụ huynh thu hoặc thu một số khoản không hợp lý. Có trường thì do chính ban phụ huynh yêu cầu vì họ muốn lấy lòng nhà trường. Nhưng cũng có trường thì do các phụ huynh trong lớp yêu cầu để phục vụ con mình. Đặc biệt là quỹ lắp điều hòa.

Có một thực tế là nhiều phụ huynh thường câm nín đóng tiền rồi về nhà bức xúc kêu than. Bà nghĩ thế nào về vai trò của phụ huynh trong chống lạm thu?

Theo tôi nghĩ, khi phụ huynh họ đóng vì sợ xấu hổ với các phụ huynh khác hoặc có cảm giác mình không đóng là mình không thương con. Nhưng khi về đến nhà, các phụ huynh thường bực bội và lên tiếng. Thực ra, trong việc này, các phụ huynh cũng không thực sự dung cảm và trung thực nên đã dẫn đến tình trạng lạm thu kéo dài nhiều năm.

Một trong những biện pháp mà nhiều người đề xuất để giải quyết vấn nạn này là tăng học phí. TS nghĩ giả thuyết này có khả thi không?

- Tôi nghĩ, thực tế các trường được bao cấp nên các khoản thu đều không thực sự cần thiết. Ví dụ: nếu muốn lắp điều hòa, có thể lấy từ quỹ cơ sở vật chất của trường. Đặc biệt là các trường sẽ nhận được nguồn vốn của nhà nước. Rõ ràng đây là những thực trạng cần thay đổi. Tăng học phí hay không cần phải được xem xét dưới nhiều góc độ, đặc biệt cần quan tâm đến hoàn cảnh gia đình các cháu học sinh.

Theo bà có giải pháp nào giải quyết triệt để nạn lạm thu tiền trường?

- Tôi nghĩ, đã đến lúc chúng ta có cơ chế thu chi rõ ràng cho những khoản thu ngoài học phí. Cơ chế tài chính như hóa đơn, chứng từ, và đặc biệt cần xem xét lại hiệu quả của ban phụ huynh. Nếu ban phụ huynh lớp chỉ là cánh tay nối dài để thu tiền cho nhà trường thì rất nên xóa bỏ tổ chức này.

Để giám sát các hoạt động thu - chi của nhà trường, cần có hội đồng trường, gồm 2 đại diện phụ huynh bốc thăm ngẫu nhiên mỗi năm 1 lần, 1 cán bộ phòng Giáo dục, 1 cán bộ phòng nội vụ, 1 đại diện tổ dân phố và công an phường. Hội đồng xem xét cả việc bầu hiệu trưởng, nêu ý kiến miễn nhiệm hiệu trưởng. Còn ban phụ huynh, thực sự không cần thiết.

Xin cảm ơn những trao đổi của tiến sĩ!

Tác giả: Lệ Thu

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok