Xung quanh đề xuất tăng VAT đối với nhiều mặt hàng từ 5% lên 10% và từ 10% lên 12% từ năm 2019 trở đi, trả lời báo giới với tư cách là chuyên gia kinh tế, TS Trần Đình Thiên không đồng tình.
PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ. |
Thưa ông, lý do hụt thu ngân sách là quan điểm mà Bộ Tài chính đưa ra để tăng thuế VAT, nhiều chuyên gia phản đối cho rằng việc đầu tiên không phải là tăng thuế mà phải giảm chi của ngân sách, quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?
- Theo tôi, trong bối cảnh hiện nay phải chăm lo bồi dưỡng sức khỏe cho doanh nghiệp (DN) ổn định, Nhà nước phải lo giảm phần chi hơn phần thu, bây giờ chi quá nhiều, thậm chí bừa bãi. Ngay từ khi họp, Hội đồng tư vấn Chính sách tiền tệ nói rằng, toàn bộ khóa này chỉ lo phần chi thôi, chi của Chính phủ, chi của Nhà nước.
Xã hội hóa đầu tư hiện nay đã nhiều nhưng chi Nhà nước vẫn tăng là tại sao? Xưa chúng ta chủ trương xã hội hóa ít mà thâm hụt ít, nay xã hội hóa nhiều mà chi vẫn tăng, thâm hụt vẫn tăng. Như vậy, chúng ta đang vướng vào bẫy nợ, đủ các thứ phải trả.
Việc giảm chi thường xuyên liên quan đến giảm biên chế khu vực hành chính công, vấn đề được nói trong nhiều năm gần đây, tuy nhiên chúng ta chưa làm được. Vậy chúng ta phải làm cách nào để giảm chi thường xuyên?
- Giảm biên chế không giải quyết theo cách giảm lương được. Không thể cải cách lương vì người lao động sống dựa vào lương nên tội gì cải cách lương cho phức tạp ra.
Đụng vào đây là nhạy cảm, là đụng vào chỗ ý chí đủ các thành phần, muốn cải cách phải gạt cái đó sang một bên, theo tôi tiền hưu cần hiểu không phải là lương.
Lương là gắn với người lao động, còn tiền hưu là phụ cấp. Trong khi đó, chúng ta khi tăng lương cũng đồng nghĩa với tăng phụ cấp, tăng hưu... tạo nên gánh nặng cho xã hội. Lương hiện nay lại không căn cứ vào năng suất mà căn cứ vào chia đều tiền lương theo đầu người. Trong khi đó, bản chất của lương là chia theo việc. Nên phải tổ chức bộ máy theo việc chứ không phải theo biên chế như hiện nay.
Nhiều quan điểm cho rằng, chúng ta đang "khủng hoảng" nguồn thu khi mà thuế nhập nhiều mặt hàng đang giảm mạnh, nhiều loại tài sản của nhiều người giàu không được đánh thuế đúng với những gì đáng ra họ phải đóng. Khu vực DN được ưu ái lớn lại đóng thuế chưa nhiều, trong khi phần đông các DN lại chịu thuế phí nhiều tầng, lớp, xin ông chia sẻ thêm đôi chút về vấn đề cơ cấu nguồn thu của Việt Nam hiện nay?
- Tất nhiên nguồn thu trong thời gian tới cũng phải thay đổi, hiện nay không rõ ràng minh bạch các nguồn phí. Cái thu của ta nhiều nguồn thu rủi ro mà càng "lao mạnh, húc mạnh" vào đó thì độ rủi ro càng tăng lên, ví dụ như thu thuế dầu thô, hay thu thuế VAT cũng nhiều rủi ro cho nền kinh tế.
Bám vào tài nguyên là thứ dễ nhất, cái dễ đó chúng ta làm bao nhiêu năm rồi, nhưng nó đặt ra hệ quả của nền kinh tế là tăng trưởng dựa vào khai thác tài nguyên và lao động rẻ tiền, không có cải cách. Chúng ta phải lo sức khỏe và chất lượng doanh nghiệp, đấy là nguồn thu mà chúng ta phải nhìn theo chiến lược.
Nói như vậy, chúng ta cần có chính sách thúc đẩy, tiếp thêm ưu đãi cho DN, từ đó mới tạo ra giá trị gia tăng cho nền kinh tế để đảm bảo nguồn thu bền vững?
- So sánh về nguồn lực, rõ ràng DN Nhà nước có lợi thế, nhưng tăng trưởng nhanh lại thuộc về các doanh nghiệp nước ngoài. Nếu càng ưu đãi DN ngoại trong khi DN trong nước yếu như thế này thì lại càng yếu thêm. Sau này muốn tăng trưởng thêm, chúng ta lại dựa vào FDI và càng phải tạo ưu đãi.
Đáng ra phải thu dựa trên những cái lợi, và bắt những khu vực được ưu đãi phải mang lợi thế về cho Việt Nam. Trong khi đó, chúng ta chỉ thu trên cái tăng trưởng ngắn hạn, dựa trên ưu đãi, càng ưu đãi thì họ càng đòi hỏi thêm. Đó là 'logic ngược" của chiến lược Việt Nam mà chúng ta nên phải tư duy lại.
Xin trân trọng cảm ơn chuyên gia!
Tác giả: Nguyễn Tuyền (ghi)
Nguồn tin: Báo Dân trí