Trong tỉnh

Trung tâm trợ giúp pháp lý Thanh Hóa luôn đi cùng dân

Trải qua 18 năm xây dựng và phát triển Trung tâm trợ giúp pháp lý (TGPL) Nhà nước tỉnh Thanh Hóa ngày càng khẳng định vị trí, vai trò quan trọng trong việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho các đối tượng theo quy định của pháp luật, trở thành một trong những bộ phận quan trọng trong hoạt động tư pháp tại địa phương với tôn chỉ hoạt động; “luôn luôn đi cùng dân”

Nỗ lực vượt khó

Ngày 06/9/1997, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 734/TTg về việc thành lập hệ thống tổ chức TGPL của Nhà nước dành cho người nghèo, đối tượng chính sách, bao gồm Cục Trợ giúp pháp lý thuộc Bộ Tư pháp và 63 Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước thuộc Sở Tư pháp tại các tỉnh, thành trên cả nước. Tại Thanh Hóa, hoạt động trợ giúp pháp lý chính thức được hình thành và đi vào hoạt động theo Quyết định số 452/QĐ-UB ngày 23/3/1999 của UBND tỉnh Thanh Hoá về việc thành lập Trung tâm Trợ giúp pháp lý miễn phí cho người nghèo và đối tượng chính sách thuộc Sở Tư pháp Thanh Hoá gọi tắt là Trung tâm Trợ giúp pháp lý Thanh Hoá. Khi mới thành lập, chỉ có 02 biên chế bao gồm 01 Phó Giám đốc và 01 cán bộ, Giám đốc Trung tâm do Phó Giám đốc Sở Tư pháp kiêm nhiệm.

Buổi ban đầu ấy, với biết bao khó khăn, thách thức đặt ra trước mắt những người được giao trọng trách triển khai hoạt động TGPL trên địa bàn tỉnh nhà. Chỉ với 02 cán bộ trực tiếp ban đầu, đối diện với khối lượng công việc không hề nhỏ, thiếu thốn về con người, về kinh phí hoạt động, không có trụ sở riêng...Mặt khác, thời điểm đó, đại đa số người dân cũng như các cấp chính quyền hầu như chưa biết TGPL là gì, thậm chí có nơi còn có suy nghĩ, quan niệm TGPL xui dân khiếu nại, khiếu kiện, gây phức tạp thêm tình hình địa phương…. Vấn đề đặt ra là phải tăng cường công tác truyền thông để mọi tầng lớp nhân dân, cán bộ và chính quyền các cấp nhận diện và biết về ý nghĩa, vai trò của TGPL; huy động các nguồn lực trong xã hội để góp sức triển khai các hoạt động TGPL đi vào thực tiễn.

Với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Bộ Tư pháp, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, trong giai đoạn đầu xây dựng và phát triển từ 1999 đến 2006, (trước khi có Luật TGPL 2006) mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng với sự quyết tâm cao nhất của lãnh đạo thời kỳ đó, TGPL Thanh Hóa đã dần định hình về mô hình tổ chức, cách thức hoạt động; định hình trong nhận thức và suy nghĩ của nhiều cán bộ và người dân về TGPL.

Cụ thể, hàng năm Trung tâm đã tổ chức hàng chục cuộc TGPL lưu động về tận các thôn bản, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn nhất của Thanh Hóa; làm việc, sinh hoạt với người dân không kể ngày, hoặc đêm để tiếp xúc, để trao đổi, để tư vấn cho nhiều người dân, để tham mưu cho nhiều cơ quan, chính quyền cơ sở về các vấn đề pháp luật, để đưa pháp luật về với cơ sở.... và để đưa TGPL đi cùng với người dân trong cuộc sống. Có thể thấy nhiều điều qua nhận xét của người dân ở nhiều nơi mà TGPL Thanh Hóa đã đặt chân tới: “Từ khi có chính quyền đến nay, chúng tôi chưa bao giờ được cán bộ tỉnh trực tiếp về tiếp xúc, trao đổi và lắng nghe như các đồng chí đã làm”.

một buổi tư vấn pháp luật miễn phí của cán bộ trung tâm TGPL Thanh Hóa

Năm 2006, Luật TGPL ra đời đã tạo ra dấu mốc quan trọng cho sự phát triển của hoạt động TGPL trên toàn quốc. Ở Thanh Hóa, TGPL cũng bắt đầu phát triển lên một tầm cao mới. Giai đoạn tiếp theo từ khi có Luật TGPL 2006 đến năm 2015, Trung tâm đã xây dựng được cho mình một lực lượng cộng tác viên đông đảo lên đến trên 200 người bao gồm phần lớn các đồng chí làm tư pháp ở cấp huyện, tư pháp ở cấp xã, các cán bộ có bằng Luật công tác tại các Sở, ban, ngành cấp tỉnh và các luật sư thuộc Đoàn Luật sư Thanh Hóa.

Cùng với các cán bộ, chuyên viên của Trung tâm, đội ngũ cộng tác viên đã thực hiện được khối lượng công việc không hề nhỏ. Bình quân mỗi năm tổ chức được từ 150 đến 200 đợt TGPL lý lưu động về tận các thôn bản vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn. Thông qua các đợt TGPL lưu động, mỗi năm bình quân Trung tâm thực hiện TGPL từ 2.000 đến 2.500 vụ việc cho người dân ngay tại cơ sở. Mạng lưới 250 Câu lạc bộ TGPL ở cơ sở cũng được hình thành và đi vào hoạt động. Cùng với các đợt TGPL lưu động, sinh hoạt CLB TGPL đã góp phần giải quyết phần lớn các vướng mắc, mâu thuẫn nhỏ phát sinh trong cộng đồng dân cư nơi tổ chức các hoạt động TGPL. Những vướng mắc, tranh chấp mà nếu không giải quyết kịp thời, để kéo dài có thể trở thành mâu thuẫn, tranh chấp lớn gây mất trật tự XH, gây tốn kém cho người dân…

Những kết quả đáng khích lệ

Trải qua 18 năm xây dựng và trưởng thành với nhiều lần thay đổi, kiện toàn, đến nay Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh Thanh Hóa được bố trí trụ sở riêng với 36 biên chế phân bổ cho 04 phòng chuyên môn, nghiệp vụ và 08 Chi nhánh đặt tại các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh. Chất lượng đội ngũ cán bộ, viên chức của Trung tâm 100% có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên, trong đó có 26 Trợ giúp viên pháp lý, chiếm hơn 70% biên chế là những người được đào tạo nghiệp vụ cơ bản đáp ứng các tiêu chuẩn tham gia tố tụng và thực hiện TGPL một cách độc lập.

Công tác xây dựng và phát triển đảng trong đơn vị cũng được quan tâm và có những phát triển không ngừng. Năm 2008, Chi bộ Trợ giúp pháp lý mới được thành lập với 05 đảng viên, đến nay đã phát triển thành 14 đảng viên. Trong những năm tới dự kiến sẽ phát triển từ 2 đến 4 đảng viên/nhiệm kỳ. Hoạt động trợ giúp pháp lý cũng góp phần không nhỏ trong việc bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp cho các đối tượng được trợ giúp pháp lý, nâng cao hiểu biết pháp luật cho người dân nói chung và các đối tượng được trợ giúp pháp lý nói riêng; góp phần ổn định tình hình trật tự, an ninh xã hội, hạn chế, giảm thiểu các tranh chấp, mâu thuẫn ngay từ cấp cơ sở.

Tính đến tháng 6/2017 Trung tâm Trợ giúp pháp lý đã thực hiện được 24.486 vụ việc cho 24.502 đối tượng; hướng dẫn tổ chức được 4.200 đợt sinh hoạt Câu lạc bộ TGPLvới tổng số 145.934 lượt người tham dự, giải quyết 5.600 tình huống pháp luật. Trong số những vụ việc đã thực hiện thành công có nhiều vụ việc trước khi đến với TGPL đã kéo dài cả chục năm, nhiều cấp, nhiều ngành tham gia giải quyết; Nhiều vụ việc TGPL cho người có công đã đảm bảo được quyền lợi cho đối tượng theo đúng chế độ, chính sách của nhà nước.

Tập thể trung tâm TGPL Thanh Hóa, luôn nỗ lực vượt khó hoàn thành nhiệm vụ

Hoạt động trợ giúp pháp lý đã có tác động sâu sắc đến người dân và toàn xã hội, góp phần tích cực thực hiện chiến lược xoá đói giảm nghèo của Nhà nước, thực hiện bình đẳng giữa các dân tộc, mang lại công bằng cho người nghèo và đối tượng được hưởng ưu đãi trong hiểu biết pháp luật. Mạng lưới tổ chức trợ giúp pháp lý ngày càng được củng cố, kiện toàn đến tận cơ sở, đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác trợ giúp pháp lý đã từng bước được tăng cường về số lượng và năng lực chuyên môn. Trợ giúp pháp lý đã khẳng định được vị trí, vai trò của mình trong việc giúp đỡ pháp lý cho đông đảo người nghèo, người có công với cách mạng, đồng bào dân tộc thiểu số và một số nhóm đối tượng khác. Đồng thời, đã góp phần không nhỏ cùng với các cơ quan giải quyết khiếu nại, khiếu kiện, các cơ quan tố tụng giải quyết nhanh chóng, chính xác, khách quan, công bằng và đúng pháp luật; tác động tích cực đến đời sống pháp luật của xã hội, góp phần làm cho vai trò của pháp luật được phát huy, thực sự là công cụ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, góp phần quan trọng vào sự nghiệp cải cách tư pháp và xây dựng Nhà nước pháp quyền.

Với những thành tích đã đạt được thời gian qua, Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Thanh Hóa đã vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý: Bằng khen của Bộ Tư pháp cho tập thể Trung tâm đã có thành tích xuất sắc trong công tác các năm: 2003, 2007; UBND tỉnh Thanh Hóa tặng Bằng khen và công nhận Danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc” cho tập thể Trung tâm trong công tác Tư pháp các năm: 2001, 2002, 2005, 2007, 2008, 2009 và nhiều phần thưởng cao quý khác. Tuy nhiên, hơn cả những danh hiệu cao quý đó, giờ đây TGPL đã, đang trở thành chỗ dựa, là nơi đặt niềm tin của nhiều người dân trên địa bàn tỉnh.

Trước những kết quả đạt được qua một chặng đường dài không ngừng nỗ lực phấn đấu, trao đổi với PV PLVN bà Nguyễn Thị Hải - Giám đốc Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Để đạt được những thành tích trong suốt quá trình hoạt động đó, bên cạnh sự chỉ đạo, lãnh đạo của cấp trên thì tập thể cán bộ, viên chức của Trung tâm đã luôn nỗ lực không ngừng, thường xuyên củng cố khối đoàn kết, thống nhất trong cơ quan, phát huy sức mạnh tập thể để phát triển. Trải qua những lần kiện toàn xắp xếp lại, với những thay đổi về chiến lược, chính sách, chế độ, những xáo trộn về tổ chức, phân hóa về tư tưởng, nhưng cán bộ, viên chức TGPL luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy truyền thống đoàn kết để khắc phục mọi trở ngại, xây dựng Trung tâm vững về tư tưởng, ổn định về tổ chức, chia sẻ trách nhiệm, cùng nhau phấn đấu vì mục tiêu phát triển chung. Dù giai đoạn mới hoạt động TGPL sẽ còn gặp nhiều khó khăn song với sự quan tâm, chỉ đạo của Bộ, ngành, lãnh đạo tỉnh và sự đoàn kết thống nhất cao của tập thể cán bộ, viên chức của trung tâm nhất định TGPL Thanh Hóa sẽ tiếp tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao ”.

Tác giả: Đức Thọ

Nguồn tin: Báo Pháp luật Việt Nam

  Từ khóa: Trung tâm , thanh hóa

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok