Trong tỉnh

Triệu Sơn (Thanh Hóa): Lợi dụng cải tạo ruộng để khai thác đất trái phép?

Thời gian gần đây, một số hộ dân thôn Đô Trang, xã Dân Lực (huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa) lợi dụng vào việc người dân có nhu cầu hạ thấp độ cao của ruộng, các đối tượng ngang nhiên đưa máy xúc cùng nhiều phương tiện vận chuyển để khai thác đất trái phép. Nguồn tài nguyên, khoáng sản đang bị “đục khoét” lấy đi từng ngày, ước tính hàng nghìn m³ đất được các đối tượng đem bán, nhằm thu lời bất chính hàng trăm triệu đồng.

Báo Tài nguyên và Môi trường liên tiếp nhận được thông tin phản ánh của nhiều hộ dân thôn Đô Trang, xã Dân Lực (huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa) về việc thời gian gần đây tình trạng lợi dụng hạ thấp độ cao của ruộng để khai thác đất trái phép, bán cho nhà máy gạch trên địa bàn.

Hàng nghìn m³ đất được khai thác thuộc thôn Đô Trang, khiến bề mặt ruộng trở nên nham nhở

Hàng nghìn m³ đất được khai thác thuộc thôn Đô Trang, khiến bề mặt ruộng trở nên nham nhở

Chiều ngày 22/01/2019, có mặt tại khu vực ruộng thuộc thôn Đô Trang, PV Báo Tài nguyên và Môi trường khá bàng hoàng trước tình trạng ngang nhiên đưa máy xúc cùng nhiều phương tiện vận chuyển vào đồng ruộng để khai thác đất trái phép. Giữa không gian rộng lớn, dễ dàng nhận thấy chiếc múc xúc đang thản nhiên múc đất, trên con đường nội đồng, xe tải nối đuôi nhau “như chảy hội” vào lấy đất, sau đó nhanh chóng vận chuyển đem bán cho nhà máy gạch.

“Đất tặc” vô tư khai thác giữa thanh thiên bạch nhật

“Đất tặc” vô tư khai thác giữa thanh thiên bạch nhật

Tiến lại gần hơn, qua quan sát, bề mặt ruộng (ước tính hàng nghìn m²), lớp đất phong hóa dày chừng 1m đã được “đất tặc” lấy sạch, chỉ còn lại sự nham nhở, tan hoang không khác bãi chiến trường. Đứng gần đó, nhiều người dân thôn Đô Trang chỉ biết đứng nhìn cùng những cái lắc đầu ngán ngẩm, chán chường.

Một số hộ dân thôn Đô Trang, xã Dân Lực, búc xúc cho biết: Họ thường thăm dò thấy ruộng nào có đất sét mới múc, bất kể trời mưa hay nắng xe ra vào lấy đất chạy rầm rộ. Trước đây, con đường nội đồng bằng phẳng, dễ đi, nhưng kể từ khi xe tải vào lấy đất, con đường trở nên gồ ghề, nham nhở, khiến việc đi lại của người dân mỗi khi ra làm đồng trở nên khó khăn. Không biết các chủ ruộng có nghĩ đến việc khi lớp đất phong hóa bị khai thác ruộng sẽ trở nên mất độ phèn, khiến việc trồng lúa sẽ khó khăn hay không?

Xe tải ra vào băm nát con đường nội đồng

Xe tải ra vào băm nát con đường nội đồng

Ông L.V.T, (người dân thôn Đô Trang), thắc mắc: Không hiểu vì sao nhiều lần thấy cán bộ xã đi kiểm tra và xử lý, nhưng họ vẫn khai thác đất bình thường. Nhiều cánh đồng bị cày xới tan hoang, liệu các cơ quan chức năng có biện pháp gì hiệu quả để chấm dứt tình trạng này hay không?

Qua tìm hiểu của PV, sau khi hết vụ lúa, nếu như hộ gia đình nào có nhu cầu hạ thấp độ cao của ruộng thì một số đối tượng sẽ “bắt tay” vào khai thác đất, mỗi ngày hàng nghìn m³ đất được vận chuyển đem bán cho một số nhà máy gạch trên địa bàn nhằm thu lời bất bất chính hàng trăm triệu đồng.

Đất sét được các đối tượng đem bán nhằm trục lợi

Đất sét được các đối tượng đem bán nhằm trục lợi

Phản ánh tình trạng trên với Chủ tịch UBND xã Dân Lực, ông Nguyễn Quyết Tính, cho biết: Khi nhận được thông tin phản ánh, phía UBND xã cử cán bộ xuống hiện trường, nếu như bắt quả tang thì sẽ cho lập biên bản xử phạt ngay lập tức.

Việc khai thác đất trái phép, trục lợi bất chính tại thôn Đô Trang không tránh khỏi tình trạng tái diễn. Ngoài sự kiểm tra, xử lý của chính quyền UBND xã Dân Lực, thiết nghĩ UBND huyện Triệu Sơn cần có biện pháp hiệu quả nhằm ngăn chặn kịp thời.

Tác giả: Thu Thủy - Đức Duy

Nguồn tin: Báo Tài nguyên và Môi trường

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok