Chiều 1/2, sau gần 4 tuần bị đưa ra xét xử về tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, ông Phạm Công Danh (cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng VNCB, Tổng giám đốc tập đoàn Thiên Thanh) cùng 45 đồng phạm được nói lời sau cùng.
Trầm Bê xin HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt. |
Là người đầu tiên được tòa gọi tên, ông Phạm Công Danh cảm ơn HĐXX đã tạo điều kiện cho mình được ngồi trong suốt quá trình xét xử do sức khỏe yếu. Ông cho biết, tất cả số tiền liên quan trong vụ án đều được sử dụng cho ngân hàng, chứ không dùng cho việc cá nhân. Trong giai đoạn một của vụ án (thiệt hại 9.000 tỷ đồng), ông chưa được tòa ghi nhận nên mong muốn HĐXX lần này tiếp tục xem xét, đồng thời làm rõ dòng tiền đã sử dụng, truy thu để khắc phục hậu quả.
Trong ba năm tham gia tái cơ cấu VNCB (2012-2014), ông Danh nói rằng đã phải huy động khối lượng tiền rất lớn để duy trì việc thanh khoản, chăm sóc khách hàng cho ngân hàng. Ông cũng phải lấy tất cả tiền của Tập đoàn Thiên Thanh mà gia đình đã gây dựng trong hơn 50 năm qua, tiền của cá nhân, để dùng cho ngân hàng.
Ngừng một lát, nguyên Chủ tịch HĐQT VNCB gửi lời xin lỗi đến các cấp dưới, nhân viên của Tập đoàn Thiên Thanh và lãnh đạo, cán bộ các ngân hàng Sacombank, BIDV, TPBank vì đã tin tưởng mình mà vướng vào vụ án.
"Tôi xin HĐXX xem xét cho họ mức án thấp nhất có thể. Trong suốt một tháng diễn ra phiên tòa, HĐXX cũng hiểu rõ họ không hề hưởng lợi trong vụ án này", ông Danh nói.
Ông cũng xin cơ quan tố tụng đạo điều kiện cho mình chữa bệnh do đang bị suy thận cấp độ ba, sức khỏe không tốt, sẽ ảnh hưởng đến việc khắc phục hậu quả vụ án trong thời gian tới.
Trước khi nói lời nói sau cùng, Phan Thành Mai (cựu Tổng giám đốc VNCB) không kìm chế được cảm xúc và bật khóc: "Bị cáo đã ba lần đứng ở đây, chứng kiến nhiều hoàn cảnh vướng vào vụ án, nhiều giọt nước mắt của nhiều gia đình, bậc cha mẹ. Bản thân bị cáo cũng không vụ lợi, mọi việc làm của bị cáo chỉ có một mục đích duy nhất là cứu ngân hàng".
"Trong suốt hai giai đoạn của vụ án, bị cáo, ông Danh và các đồng nghiệp đều khát khao làm việc trong môi trường ngân hàng chuyên nghiệp, nhưng phải đối mặt với quá nhiều nhiệm vụ khó khăn. Những nhiệm vụ này đều nằm ngoài phương án tái cơ cấu ngân hàng", Mai nói.
Mai cho biết, trong đó, xuất phát từ việc ông Danh đã mua toàn bộ khối nợ xấu của nhóm Phú Mỹ (do bà Hứa Thị Phấn) đại diện để nhận tài sản nhưng không nhận được. Cả ông Danh, Mai và các đồng nghiệp đều mong muốn giảm tốc độ lỗ của ngân hàng nhưng không thể. Tiếp đó là áp lực phải tăng vốn điều lệ...
"Tại thời điểm đó, bị cáo và các đồng nghiệp không thể nghĩ được gì để cứu ngân hàng. Bản thân anh Danh cũng chỉ nhìn được một góc, không ai đủ bình tĩnh để nhìn được xâu chuỗi vấn đề, không thể thực hiện nhiệm vụ một cách tốt nhất", Mai nói.
Khi nói lời sau cùng, bị cáo Trầm Bê khóc và nói: “Cảm ơn Viện Kiểm sát đã đánh giá bản chất tôi không cố ý làm trái và gây hậu quả, tất nhiên tôi có sai nhưng không phải là cố ý. Hiện tuổi tôi đã lớn, bệnh cũng sẵn trong người, riêng về Viện Kiểm sát luận tội cho tôi, tôi công nhận cũng đúng. Bản thân tôi bữa nay xin phép HĐXX được nói lời cuối, mong được HĐXX xem xét mức án thấp nhất có thể để trở về với gia đình, xã hội”.
"Tôi tin, những tuần xét xử vừa qua, HĐXX đã nhìn nhận được bản chất vụ án, tôi tin rằng HĐXX cũng sẽ xem xét thấu tình đạt lý vụ án, và cả mức án cho tôi, để khi bị tuyên một mức án như thế nào tôi cũng không kháng cáo", bị cáo Trầm Bê nói.
Tương tự, 43 bị cáo còn lại cũng lần lượt trình bày hoàn cảnh, tình tiết giảm nhẹ, mong HĐXX áp dụng mức án khoan hồng.
Phiên tòa sẽ tuyên án vào sáng ngày 7/2.
Tác giả: Xuân Duy
Nguồn tin: Báo Dân trí