Pháp luật

Trầm Bê - Đại gia từng lãnh đạo ngân hàng lớn chỉ mới học đến lớp 6

Đại gia Trầm Bê từng giữ các chức vụ lãnh đạo chủ chốt ở ngân hàng Phương Nam, ngân hàng Sài Gòn Thương Tín… Trước tòa, đại gia này khai mình chỉ mới học hết lớp 6.

Ngày 8/1, TAND TPHCM mở phiên xử bị cáo Phạm Công Danh (sinh năm 1965, cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng VNCB, tập đoàn Thiên Thanh), Trầm Bê (cựu Chủ tịch Hội đồng tín dụng Ngân hàng TMCP Thương Tín - Sacombank) và 44 người khác về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Có mặt tại tòa, đại giaTrầm Bê giọng khàn và có vẻ yếu ớt, bị cáo chống hai tay lên bàn khi trả lời thẩm vấn. Trả lời câu hỏi của chủ tọa, ông cho biết mình sinh ra ở Trà Vinh, dân tộc Hoa, trình độ học vấn 6/12.

Phạm Công Danh tại phiên tòa

Trầm Bê khai tại tòa

Theo cáo trạng, ông Trầm Bê và ông Danh có mối quan hệ từ khi ông Bê còn làm việc tại Ngân hàng Phương Nam. Khoảng tháng 4/2013, ông Danh đến trụ sở Sacombank (quận 3, TPHCM) gặp ông Bê đặt vấn đề vay 2.000 tỉ đồng.

Với tư cách Chủ tịch Hội đồng tín dụng, ông Bê đồng ý cho vay 1.800 tỉ đồng nhưng phải có tài sản đảm bảo là bất động sản hoặc tiền gửi. Đây cũng là mức tối đa ông Bê được phép phê duyệt mà không phải trình HĐQT.

Ông Bê dẫn đối tác xuống phòng làm việc của Phan Huy Khang, thống nhất để Sacombank cho ông Danh vay. Ông Danh sau đó chỉ đạo dàn lãnh đạo cấp dưới gồm Phan Thành Mai (nguyên Tổng giám đốc VNCB), Mai Hữu Khương (nguyên giám đốc VNCB chi nhánh Sài Gòn), Nguyễn Quốc Viễn (nguyên Trưởng ban kiểm soát VNCB) chuẩn bị hồ sơ và nguồn tiền thế chấp.

Theo chỉ đạo của ông Bê "giải ngân trước bổ sung chứng từ sau", chỉ trong một ngày giám đốc các chi nhánh đã chuyển toàn bộ số tiền 1.800 tỉ đồng cho 6 công ty của Danh.

Do 6 công ty của ông Danh không trả tiền, Sacombank đã trừ nợ 1.800 tỉ đồng gốc và 35 tỉ tiền lãi từ tài khoản của VNCB gửi tại đây.

Quá trình điều tra, cơ quan chức năng đã kê biên, phong tỏa hai quyền sử dụng đất tại quận 6 và quận Bình Tân của ông Bê để phục vụ cho việc thu hồi tài sản.

Bằng hình thức tương tự, ông Danh vay của TPBank 1.666 tỷ đồng và được đảm bảo bằng khoản tiền gửi 1.700 tỷ đồng của VNCB tại nhà băng này; vay BIDV 4.700 tỷ đồng, gián tiếp rút tiền của VNCB và gây thiệt hại hơn 2.550 tỷ đồng.

Ở giai đoạn 1 của vụ án, TAND cấp cao tại TPHCM đã tuyên án Phạm Công Danh 30 năm tù về hai tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và vi phạm các quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng vì đã gây thiệt hại cho VNCB trên 9.000 tỷ đồng.

Chiều nay phiên tòa tiếp tục phần thẩm vấn.

Tác giả: Xuân Duy

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok