Tôm hùm Bình Ba giá chỉ nhỉnh hơn thịt bò
Tôm hùm Bình Ba là một trong 6 đặc sản ở Khánh Hòa. Loại hải sản cao cấp này có giá thành khá cao, giá tôm hùm xanh từ 800.000 đến 1 triệu đồng/kg, tôm hùm bông từ 1,1-1,8 triệu đồng/kg.
Nhưng hiện tôm hùm Bình Ba có giá thành khá mềm. Ông Lê Minh Hải, Trưởng Phòng Kinh tế TP. Cam Ranh, cho biết, do thị trường xuất khẩu qua Trung Quốc theo đường tiểu ngạch gặp khó khăn, lượng khách du lịch ở Khánh Hòa tụt giảm nên giá tôm đang xuống thấp, có lúc chỉ còn 400.000 đồng/kg. Hiện nhu cầu nội địa tăng trở lại, thương lái mua sỉ chỉ đạt khoảng 520.000-550.000 đồng/kg.
|
Sấu non đắt hơn trái cây nhập khẩu vẫn hút khách
Dân Việt phản ánh, tại một số siêu thị ở Hà Nội, những loại táo ngọt nhập khẩu từ Newzealand hay Ba Lan có giá chỉ từ 49.000-65.000 đồng/kg thì tại các chợ truyền thống, quả sấu bé xíu “chua lè” hạt còn chưa cứng bán với giá “chát” vẫn hút khách mua.
Giá sấu non dao động từ 80.000-120.000 đồng/kg, cao gấp 4-5 lần so với chính vụ. Dù đắt đỏ nhưng sấu non vẫn được chị em lựa chọn, có người mua cả triệu về tích trữ, ăn dần.
Nguy hại từ chất tạo ngọt trong nước giải khát
Chất tạo ngọt thay thế cho đường, được sử dụng trong những trường hợp người dùng không thu nạp được đường trong thức ăn, do các rối loạn chuyển hoá.
Thế nhưng, theo ANTV, thị trường còn tồn tại một số các chất tạo ngọt, hay còn gọi là đường hoá học, có mặt trong những thức ăn đồ uống của các hàng quán để giảm chi phí cho người kinh doanh. Trong các khu chợ đầu mối, cung cấp phụ gia, các chất tạo ngọt này vẫn được bày bán công khai.
Đường B1, đường lụa, đường nước,... có độ ngọt gấp 200 đến 500 lần đường thông thường, với thành phần công thức hoàn toàn từ hoá chất, không được phép lưu hành trên thị trường, thậm chí còn bị cấm sử dụng vì những tác hại do chúng gây ra.
Hiểm họa từ gia vị không rõ nguồn gốc, phụ gia tạo màu
Thời gian qua, lực lượng quản lý thị trường tại một số tỉnh đã phát hiện và thu giữ lượng lớn các loại gia vị không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có hóa đơn chứng từ hợp lệ.
Các chuyên gia dinh dưỡng cho biết, thực tế cho thấy, rất nhiều người lại không ý thức về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm khi sử dụng các loại gia vị trôi nổi, không nhãn mác, không nguồn gốc xuất xứ đang được bày bán trên thị trường. Nếu sử dụng các phụ gia này không đúng liều lượng, không đúng chủng loại, nhất là những phụ gia không cho phép dùng trong thực phẩm sẽ gây những tác hại cho sức khỏe.
Kem ốc quế 2.000 đồng rao bán rầm rộ
Kem ốc quế siêu rẻ bán tràn lan |
Theo báo Dân sinh, sau cơn "sốt" kem nội địa Trung Quốc và kem bán theo cân siêu rẻ, đầu hè năm nay, thị trường xuất hiện một loại kem ốc quế với giá từ 85.000-100.000 đồng/thùng, bao gồm 50 chiếc. Tính trung bình, mỗi que kem có giá không quá 2.000 đồng.
Vì rẻ và "gắn mác" hàng kem nổi tiếng ở Hà Nội nên người dân đua nhau mua về ăn giải nhiệt. Vì vậy, nhiều đầu mối kinh doanh kem "quảng cáo" có thể bán cả tấn kem, lãi đậm bạc triệu. Trên chợ mạng, hàng loạt tài khoản cũng ồ ạt rao bán kem ốc quế siêu rẻ.
Giá thịt lợn bị 'thổi' lên gần 300.000 đồng/kg, thịt quay 350.000 đồng/kg
Dân Việt thông tin, vài ngày gần đây, giá thịt lợn “móc hàm” dao động ở mức trên 130.000 đồng/kg. Giá thịt hơi cao “đẩy” giá thịt lợn thành phẩm tại các chợ, siêu thị lên mức từ 200.000 đến gần 300.000 đồng/kg.
Do giá thành cao, người dân đành cắt giảm bớt khẩu phần thịt lợn trong bữa ăn mỗi ngày để không thâm hụt chi tiêu khiến mặt hàng này tại chợ rơi cảnh ế ẩm chưa từng có.
Trước tình trạng giá thịt lợn trong nước cao chót vót, Bộ NN-PTNT vừa đồng ý cho nhập lợn sống từ các nước về để giết thịt nhằm bình ổn giá.
Vì giá thịt lợn tăng nên giá thịt quay theo đó cũng tăng. Phụ nữ Việt Nam cho hay, giá bán thịt lợn quay, nướng hiện đã tăng lên từ 250.000 đồng/kg thành 350.000 đồng/kg.
Từ tháng 7, vé máy bay tăng giá mạnh
Giá vé máy bay từ Hà Nội tới một số điểm du lịch nổi tiếng của Việt Nam bắt đầu tăng từ tháng 7. Nếu cuối tháng 6, lác đác còn một số vé giá rẻ thì đều bay vào giờ xấu, hoặc bay chiều về trùng với ngày đi.
Nguyên nhân là từ tháng 7, khi học sinh bắt đầu được nghỉ hè, các gia đình đổ xô đi du lịch nên giá vé máy bay tăng mạnh.
Đơn cử, nếu đi trong tháng 6, Hà Nội - Nha Trang có giá vé rất rẻ, coi như 0 đồng chỉ từ 1.600 đồng/chặng (chưa thuế phí) cả chiều đi và về nếu bay trong tuần, nhưng sang tháng 7, giá vé thấp nhất là 299.000 đồng (trong tuần nếu đi từ Hà Nội) còn cuối tuần và chặng về lên 399.000-799.000 đồng.
Cua đồng giá 130.000-150.000 đồng/kg cháy hàng
|
Phụ nữ Việt Nam thông tin, những ngày này, tại các chợ dân sinh Hà Nội, mặt hàng cua đồng bán rất nhiều và được đông đảo bà nội trợ mua. Cua đồng không chỉ cháy hàng ở các chợ dân sinh mà trên chợ mạng, nhiều tiểu thương bán cua đồng sống với giá 130 ngàn đồng/kg.
Dù bán chạy như vậy nhưng vì việc thu mua cua đồng khó khăn nên nhiều tiểu thương không dám lấy thêm cua về bán.
Cẩn trọng khi mua điều hòa giá rẻ, máy lạnh một dàn nóng
Khảo sát của PV. Dân Việt tại một số cửa hàng và siêu thị điện máy trên địa bàn Hà Nội cho thấy, nhu cầu tìm mua điều hòa của người tiêu dùng trong tháng 5 tăng từ 50% đến 80% so với một tháng trước. Trong đó, các sản phẩm điều hòa bình dân với mức giá khoảng trên dưới 5 triệu đồng có mức tiêu thụ cao hơn cả.
Trong khi đó, lợi dụng tâm lý ham rẻ của nhiều người tiêu dùng, một số kẻ lừa đảo đã bán những chiếc điều hòa cũ, nát giá 2-3 triệu đồng dưới dạng hàng thanh lý, thậm chí chiếm đoạt cả tiền đặt cọc.
Báo NLĐ phản ánh, thị trường gần đây "sốt" dòng máy lạnh một dàn nóng kết nối với nhiều dàn lạnh của các hãng nổi tiếng như Panasonic, LG, Daikin, Mitsubishi,... Tính năng nổi bật của dòng máy lạnh này là tiết kiệm điện, song dễ hư hỏng.
Còn theo Zing, điều hòa mini giá dưới 200 nghìn đồng đang xuất hiện nhiều trên Internet. Chúng có tác dụng làm mát, nhưng không đến mức mát lạnh như quảng cáo.
Tác giả: Hạnh Nguyên (Tổng hợp)
Nguồn tin: Báo VietNamNet