Giáo dục

Tìm lời giải cho bài toán “tăng giá” ngành sư phạm

Bộ GD-ĐT đã triển khai đề tài KHCN “Nghiên cứu dự báo nhu cầu đào tạo giáo viên đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035” nhằm tìm ra lời giải cho bài toán “tăng giá” ngành sư phạm.

Phiên họp của Hội đồng khoa học tư vấn tuyển chọn tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ này đã được tổ chức vào trung tuần tháng 8 vừa qua.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ Chủ nhiệm Chương trình Khoa học Giáo dục cấp quốc gia 2016-2020 chủ trì các phiên họp này.

“Chạy” việc trăm triệu, không ai mặn mà việc miễn học phí ngành sư phạm

Điểm chuẩn đầu vào ngành sư phạm “tuột dốc”, thừa thiếu giáo viên cục bộ, SV sư phạm tốt nghiệp ra trường phải chạy việc hàng trăm triệu, thậm chí có hiện tượng “đổi tình lấy biên chế” đang khiến ngành sư phạm trở thành điểm nóng của dư luận.

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, thành viên hội đồng, cho rằng, nhìn chung so với các ngành khác thì điểm tuyển vào sư phạm thật sự thấp. Điều này thể hiện sự lựa chọn rất thực tế của thí sinh và phần nào phản ánh vị thế của người thầy trong xã hội hiện nay.

"Chạy việc" hàng trăm triệu khiến những người giỏi không còn mặn mà với ngành sư phạm. Ảnh: Thanh Hùng.

“Nhìn lại “bức tranh” mùa tuyển sinh năm nay, ta dễ thấy những đơn vị hấp dẫn thí sinh nhất có điểm chuẩn cao chót vót là Học viện An ninh, Trường ĐH Phòng cháy chữa cháy,… hơn cả những trường vốn nổi tiếng có điểm chuẩn cao nhiều năm nay như các trường y dược.

Điều này cũng dễ hiểu vì những trường thuộc khối công an, quân đội tuyển sinh theo đúng chỉ tiêu, sinh viên ra trường được bảo đảm bố trí công tác với thu nhập ổn định; chưa kể người học còn được hưởng nhiều ưu đãi ngay trên ghế nhà trường”.

Trong khi đó, nhiều sinh viên sư phạm giỏi, kỹ năng tốt ra trường vẫn chưa được đảm bảo việc làm, nếu có cũng với thu nhập rất thấp, muốn có thêm thu nhập chỉ còn cách dạy thêm, làm thêm.

Hiện nay, chúng ta vẫn duy trì chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm. Tuy nhiên, chính sách này chỉ phát huy hiệu quả rất tốt trong khoảng 5-7 năm đầu áp dụng. Khi đó, các trường sư phạm có điểm chuẩn rất cao, mỗi thí sinh đều cảm thấy rất tự hào khi được vào sư phạm.

Nhưng chỉ sau vài năm, chính sách này nhanh chóng mất tác dụng vì việc miễn học phí trong 4 năm không đáng là bao. Điều mà thí sinh băn khoăn là chuyện ra trường khó hoặc không tìm được việc làm “đúng nghề”. Nhiều trường hợp phải “chạy” hàng trăm triệu đồng mới xin được việc thì ai còn mặn mà với việc được miễn học phí!

Hiện trạng này cũng được chính Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ ra tại hội nghị tổng kết năm học 2016-2017 của ngành giáo dục hôm 21/8 vừa qua. Theo ông Đam, chế độ đãi ngộ thấp khiến ngành sư phạm trở nên kém hấp dẫn, tuy nhiên, ngay cả với chế độ như hiện tại mà SV sư phạm ra trường có việc làm ngay thì ngành sư phạm vẫn thu hút hơn.

“Hiện nay, rất nhiều em tốt nghiệp ra trường không xin được việc. Tôi phải nói công khai là chạy việc rất khó. Rất nhiều cháu mai phục, dạy hợp đồng rất nhiều năm trong trường không vào được biên chế” – ông Đam thẳng thắn.

Ngoài điểm sàn riêng, cần có các giải pháp đồng bộ

Bàn tới giải pháp, GS Thuyết cho rằng, chủ trương quy định “điểm sàn” vào các trường thuộc khối sư phạm là hợp lý và cần thiết. Tuy nhiên, để giải quyết vấn đề nâng cao chất lượng tuyển sinh, chất lượng đào tạo của các trường sư phạm thì còn cần áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp khác.

Còn theo PGS.TS Huỳnh Văn Sơn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, công tác dự báo nguồn nhân lực cho sư phạm phải được chú ý. Cần có nhiều đề tài nghiên cứu mang tính hệ thống, dự báo được nhu cầu đào tạo giáo viên hay nhu cầu sử dụng giáo viên, số lượng học sinh sẽ như thế nào, tỉ lệ dân số gia tăng ra sao từ đó mới có thể có những giải pháp phù hợp và căn cơ.

Ngoài ra, chất lượng đội ngũ giảng viên nói riêng và chất lượng đào tạo của trường sư phạm cũng cần được đặc biệt quan tâm. Sự thay đổi trong đào tạo, có đầu tư cho năng lực thực hành, đáp ứng chuẩn nghề nghiệp sau khi sinh viên tốt nghiệp… là yêu cầu cần đáp ứng.

Nhóm nghiên cứu Trường ĐH Sư phạm HN đã được giao thực hiện đề tài KHCN.

Chia sẻ quan điểm này, GS.TS. Nguyễn Minh Thuyết thì phân tích: “Khi ngành sư phạm đã đào tạo với chỉ tiêu sát nhu cầu thực tế, nếu Nhà nước đảm bảo phân công công tác cho sinh viên tốt nghiệp sư phạm thì ngành sư phạm sẽ thu hút được nhiều học sinh giỏi”.

Về phía người học, các sinh viên cũng phải có tinh thần sẵn sàng nhận phân công công tác ở bất kỳ địa phương nào, chứ không chỉ muốn loanh quanh ở các đô thị lớn. Để động viên anh chị em, Nhà nước cũng cần có chính sách cho chuyển vùng sau một thời gian công tác để hợp lý hóa gia đình”.

Trước những yêu cầu này, nhiệm vụ khoa học và công nghệ “Nghiên cứu dự báo nhu cầu đào tạo giáo viên đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035” là cung cấp luận cứ khoa học cho việc dự báo nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng giáo viên (mầm non, phổ thông) giai đoạn 2018-2025, tầm nhìn đến 2035.

Trên cơ sở đánh giá thực trạng đội ngũ giáo viên hiện nay đề tài sẽ đưa ra được dự báo về nhu cầu đào tạo, bồi đưỡng giáo viên (số lượng, chất lượng) và những yêu cầu đặt ra đối với đội ngũ giáo viên, đồng thời đề xuất được hệ thống các giải pháp về đào tạo, bồi dưỡng giáo viên đến năm 2025, tầm nhìn đến 2035.

Thực hiện thành công đề tài này được cho là sẽ góp phần tìm lời giải cho bài toán “tăng giá” cho ngành sư phạm nói riêng và ngành giáo dục nói chung trong bối cảnh đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo Việt Nam.

Sau khi thảo luận, đánh giá từng hồ sơ đăng ký thực hiện đề tài, Hội đồng đã thống nhất lựa chọn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội là tổ chức chủ trì, phối hợp với Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, các trường đại học, các sở giáo dục và đào tạo, các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ nêu trên. PGS.TS Nguyễn Vũ Bích Hiền được đề nghị làm chủ nhiệm nhiệm vụ.

Tác giả: Lê Văn

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok