Pháp luật

Tiếp tục kê biên hơn 100 bất động sản của đại gia Hứa Thị Phấn

Ngoài đề nghị mức án 30 năm tù, VKS còn đề nghị Hứa Thị Phấn phải bồi thường thiệt hại về dân sự hàng nghìn tỉ đồng và tiếp tục kê biên hơn 100 bất động sản.

Sáng 23/5, phiên xét xử vụ án "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng"; "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản", xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Tín (TrustBank - nay là Ngân hàng thương mại TNHH MTV Xây dựng Việt Nam - VNCB) bước vào phần tranh luận, đại diện VKS phát biểu quan điểm về vụ án và đề nghị mức án đối với các bị cáo.

Theo đại diện VKSND TP.HCM, căn cứ vào hồ sơ vụ án và diễn biến phiên tòa, có đủ cơ sở kết luận, Hứa Thị Phấn lợi dụng việc việc nắm giữ hơn 84% vốn điều lệ, là cổ đông lớn, nắm quyền chi phối, điều hành mọi hoạt động của Ngân hàng Đại Tín, đã thông qua Lâm Kim Dũng, Bùi Thị Kim Loan và Ngô Kim Huệ, chỉ đạo Công ty TrustAsset của Ngân hàng Đại Tín (công ty không có chức năng thẩm định giá) tiến hành thẩm định giá, nâng khống giá trị căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch thuộc sở hữu của bị can Phấn lên 1.268 tỉ đồng (cao gấp 8 lần giá trị trường).

Hứa Thị Phấn còn chỉ đạo Lâm Kim Dũng mua bán lòng vòng rồi bán cho TrustBank, chiếm đoạt hơn 1.105 tỉ đồng.

Về hành vi hạch toán thu chi khống vi phạm các quy định của pháp luật, Hứa Thị Phấn đã thâu tóm, chỉ đạo toàn bộ hoạt động của HĐQT, Ban điều hành và cán bộ, nhân viên 2 chi nhánh Sài Gòn và Lam Giang. Hứa Thị Phấn chỉ đạo một số công nhân viên của ngân hàng Đại Tín thực hiện các hành vi trái pháp luật trong việc lập và hoạch toán chứng từ thu, chi khống không sử dụng tiền mặt, thực hiện giao dịch, hoạch toán khống trên hệ thống SmartBank, sau đó mới lấy chữ ký khách hàng để hoàn thiện thủ tục...mục đích để lấy và sử dụng bất hợp pháp tổng số tiền hơn 5.256 tỉ đồng.

Bị cáo Hứa Thị Phấn đang được điều trị tại bệnh viện

Sau đó lợi dụng công ty Phương Trang là doanh nghiệp có nhiều bất động sản (BĐS) dùng làm tài sản bảo đảm, muốn vay tiền mở rộng hoạt động kinh doanh, bị cáo Phấn đã chỉ đạo buộc công ty Phương Trang ký trước các hồ sơ, chứng từ giải ngân và chứng từ nhận tiền mặt, phê duyệt cho vay và giải ngân không thông báo cho Phương Trang.

Quá trình này, bị cáo Phấn đã không giải ngân hoặc giải ngân không đủ tiền vay cho Phương Trang, lấy tiền đó sử dụng. Sau đó lập khống các chứng từ để cấn trừ cho phù hợp, che giấu hành vi phạm tội, đẩy dư nợ khống cho Phương Trang thông qua các khoản vay, với tổng số tiền 5.256 tỉ đồng.

Đến ngày 15/11/2017, trên sổ sách tại Ngân hàng CB, công ty Phương Trang còn dư nợ gốc của 46 khoản vay và 1 khoản phát hành trái phiếu là 9,042 tỉ đồng. Quá trình điều tra cho thấy công ty Phương Trang đã thực nhận 3.936 tỉ đồng và phải chịu trách nhiệm thanh toán số tiền này cho ngân hàng. Số tiền gốc còn lại là 5.465 tỉ đồng, ngân hàng hạch toán là khoản dư nợ vay của Phương Trang, đến nay không thu hồi được, gây thiệt hại cho Đại Tín.

Theo VKS, hành vi của bị cáo Hứa Thị Phấn là đặc biệt nguy hiểm, ảnh hưởng tới xã hội và xâm phạm tài sản nhiều đơn vị, gây mất niềm tin của người dân vào hệ thống ngân hàng, do vậy cần phải áp dụng mức án nghiêm khắc.

Trên cơ sở phân tích đánh giá trên, VKS đề nghị tuyên phạt Hứa Thị Phấn 20 năm tù đối với hành vi “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, 20 năm tù cho hành vi “Cố ý làm trái quy định về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, tổng hợp hình phạt là 30 năm (đối với mức án có thời hạn, hình phạt cao nhất là 30 năm tù, vì vậy dù mỗi tội danh của bị cáo Phấn bị đề nghị 20 năm nhưng tổng hợp hình phạt chỉ là 30 năm - P.V).

Xử phạt bị cáo Bùi Thị Kim Loan 13-14 năm tù về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, 15-16 năm tù về tội “Cố ý làm trái quy định về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Tổng hợp hình phạt cho cả hai tội từ 28-30 năm tù.

Xử phạt bị cáo Ngô Kim Huệ 7-8 năm về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, 3-4 năm về tội “Cố ý làm trái quy định về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Tổng hợp hình phạt là 10-12 năm.

Xử phạt bị cáo Hoàng Văn Toàn 7-8 năm tù; bị cáo Trần Sơn Nam 6-7 năm tù cùng về tội “Cố ý làm trái quy định về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Các bị cáo còn lại cũng bị đề nghị từ 3 năm (cho hưởng án treo) tới 6-7 năm tù về tội “Cố ý làm trái quy định về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Các bị cáo tại tòa

Về mặt dân sự, buộc bị cáo Phấn phải bồi thường hơn 1.1050 tỷ đồng từ hành vi “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” từ căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch và 5.200 tỷ từ hành vi “Cố ý làm trái quy định về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Bồi thường lãi suất phát sinh của hơn 5.200 tỷ đồng và tổng lãi phạt của số tiền trên tổng dư nợ gốc 9.400 tỷ đồng cho NH Xây Dựng (CB)

Buộc Công ty Phương Trang phải thanh toán khoản nợ gốc 3.936 tỷ đồng và lãi suất phát sinh đến ngày khởi tố vụ án. Tiếp tục kê biên 43 tài sản để đảo bảo nghĩa vụ thanh toán các khoản vay. Riêng tài sản thế chấp cho tài sản trái phiếu Trường Vĩ dự án Bình Điền Long An. Do Phương Trang thế chấp vay nhưng hoàn toàn không được giải ngân và đến nay không có dư nợ với khoản vay này nên đề nghị huỷ kê biên giao tài sản cho Phương Trang.

Thu hồi tiền là vật chứng của vụ án. Với 114 tài sản là bất động sản liên quan tới chuyển giao cho ông Phạm Công Danh tiếp tục kê biên để xem xét trong giai đoạn sau. Giải tỏa kê biên chiếc xe Maybach cho giao cho chủ sở hữu là Công ty Thiên Tân.

Tác giả: Đoàn Nga

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok