Pháp luật

Đại gia Hứa Thị Phấn vẫn mạnh khỏe, minh mẫn?

Theo CQĐT, khi tới lấy lời khai bà Sáu Phấn “luôn ở tình trạng khó tiếp xúc, gọi hỏi không trả lời”, nhưng kỳ lạ là bà ta vẫn có thể ký vào Đơn tố cáo, Đơn kiến nghị và cả Đơn kháng cáo trong vụ án Oceanbank.

Trước đây, trong giới kinh doanh bất động sản và tài chính ngân hàng, bà Hứa Thị Phấn nổi tiếng là một đại gia lắm tiền nhiều của. Có trong tay hàng nghìn tỷ đồng và hàng trăm bất động sản trải dải khắp đất Sài Thành.

Mua ngân hàng Đại Tín về để "rút ruột"

Bà Hứa Thị Phấn được biết đến với tên gọi là Sáu Phấn, sinh ra và lớn lên tại An Giang. Sau một thời gian lăn lộn trên thương trường theo kiểu làm ăn manh mún đến năm 2001, Sáu Phấn quyết định làm ăn lớn khi bật lên thành lập Công ty Cổ phần đầu tư Phát triển Phú Mỹ, chuyên về kinh doanh bất động sản và nhiều lĩnh vực khác (công ty hiện có vốn điều lệ 200 tỷ đồng). Khi còn đương chức, bà Phấn đã cùng công ty này là cổ đông góp vốn với một số đối tác, thành lập nên một pháp nhân mới để đầu tư dự án khu căn hộ Regency Park tại phường An Phú, quận 2, TP HCM.

Bà Hứa Thị Phấn

Tiếp đó, đầu năm 2007, bà Sáu Phấn cùng Công ty Cổ phần đầu tư Phát triển Phú Mỹ và 14 cá nhân có quan hệ họ hàng, người thân của đã đứng tên giúp bà ta mua gần 256 triệu cổ phần của Ngân hàng Đại Tín, chiếm 84, 92% vốn điều lệ.

Với việc nắm 84,92% vốn điều lệ Ngân hàng Đại Tín, Sáu Phấn nghiễm nhiên trở thành Cố vấn cấp cao HĐQT (tiền thân của VNCB và sau này được NHNN mua lại với giá 0 đồng và đổi tên thành CB Bank như hiện nay), là cổ đông lớn nhất của Đại Tín nên Sáu Phấn thâu tóm toàn bộ mọi hoạt động của ngân hàng này, thâu tóm toàn bộ HĐQT, Ban điều hành, cán bộ, nhân viên ngân hàng tại hai chi nhánh Sài Gòn và Lam Giang, lũng đoạn mọi hoạt động đầu tư, hoạt động tín dụng và hoạt động thu - chi tiền mặt…gây thiệt hại cho Ngân hàng Đại Tín hơn 6.362 tỷ đồng.

"Đàn bà dễ có mấy tay"

Hứa Thị Phấn chính là nguyên nhân đẩy Phạm Công Danh, Trầm Bê và 44 bị cáo trong đại án Phạm Công Danh giai đoạn II, đang được TAND TP.HCM xét xử vào vòng lao lý.

Theo đó, sau nhiều năm kinh doanh ở các lĩnh vực bất động sản, nhà hàng, khách sạn…Phạm Công Danh muốn có một ngân hàng cho riêng mình nhưng không được phép thành lập mới mà chỉ được phép cơ cấu lại. Qua “mai mối” của Hà Văn Thắm, Phạm Công Danh đã tiếp cận với Sáu Phấn và được bà này “gạ” nhượng lại Đại Tín. Dù biết Ngân hàng Đại Tín làm ăn bết bát nhưng mục đích của Danh lúc này là khối bất động sản của nhóm Phú Mỹ do Sáu Phấn đang nắm giữ nên Danh gật đầu đồng ý với mục đích đợi bất động sản “nóng lên” sẽ mang bán.

Thế nhưng, thực tế Danh đã bị Sáu Phấn lừa ngoạn mục, bà ta không hề được nhóm Phú Mỹ ủy quyền đại diện cho số bất động sản và nhóm Phú Mỹ cũng không nhượng số bất động sản này cho Phạm Công Danh. Lúc này, ngoài số tiền 4.600 tỷ mua Đại Tín, Phạm Công Danh còn chuyển cho Sáu Phấn hơn 3.000 tỷ mua bất động sản của Phú Mỹ và cộng thêm khoản nợ 22.000 tỷ đồng mà Sáu Phấn đã vay mượn trước đó.

Phạm Công Danh và Hà Văn Thắm

Với một ngân hàng rỗng ruột và một con số âm khổng lồ, trung bình mỗi năm, Phạm Công Danh phải rút “hầu bao” ra 2.300 tỷ để trả lãi, chăm sóc khách hàng…Vì khát vọng ngân hàng cho riêng mình, Danh đã phải bán hết tài sản mà mình có từ biệt thự, siêu xe cho đến cả chiếc xe…gắn máy.

Ngoài việc đẩy Phạm Công Danh vào vũng lầy, Sáu Phấn còn liên quan tới đại án Oceanbank của Hà Văn Thắm. Hứa Thị Phấn liên đới gây thiệt hại cho Oceanbank 500 tỷ đồng.

Theo đó, tháng 11/2012, Hà Văn Thắm đã bàn bạc, thống nhất với Phạm Công Danh – Chủ tịch Tập đoàn Thiên Thanh, Hứa Thị Phấn về mục đích thiết lập hồ sơ vay. Sau đó, Thắm chỉ đạo Nguyễn Văn Hoàn – Phó TGĐ Oceanbank ký hợp đồng với Trần Văn Bình – Tổng Giám đốc Công ty Trung Dung (công ty sân sau của Phạm Công Danh) để vay 500 tỷ đồng.

Sau khi tiền được giải ngân được chuyển đến tài khoản của Công ty Trung Dung tại Ngân hàng Đại Tín

Ngày 10/12/2012, nhân viên của Tập đoàn Thiên Thanh làm thủ tục chuyển khoản mở 4 tài khoản tại ngân hàng Đại Tín. Sau đó, Phạm Công Danh chỉ đạo tất toán 4 sổ tiết kiệm nói trên rồi chuyển tổng cả gốc và lãi hơn 500 tỷ đồng để tất toán cho 5 hợp đồng tín dụng của Hứa Thị Phấn đã vay trước đó tại Ngân hàng Đại Tín. Số tiền 500 tỷ đồng này được hoạch toán vào việc Phạm Công Danh trả tiền mua cổ phần tại Ngân hàng Đại Tín.

Trong hành vi này, Hà Văn Thắm phải chịu trách nhiệm chính, Hứa Thị Phấn đóng vai trò là đồng phạm tích cực và là người được thụ hưởng, sử dụng toàn bộ khoản tiền đã vay. Hành vi này của Hứa Thị Phấn phạm vào tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” và tháng 9/2017, TAND TP.Hà Nội đã tuyên phạt 17 năm tù.

Đặc biệt, ngày 22/3/2017 khi CQĐT khởi tố bị can đối với Hứa Thị Phấn thì trước đó ngày 6/3/2017 bà ta nhập viện cấp cứu trong tình trạng tăng huyết áp ¾ và tiểu đường tuýp 2. Trong kết luận điều tra mới đây của Cơ quan CSĐT- Bộ Công An chuyển VKS đề nghị truy tố Hứa Thị Phấn về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” và “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” có nhấn mạnh, khi CQĐT- Bộ Công An có đến Bệnh viện Đa khoa Tân Hưng để hỏi cung nhưng “Bị can Phấn luôn ở tình trạng khó tiếp xúc, gọi hỏi không trả lời”.

Trước tình trạng bệnh của Sáu Phấn, các luật sư của bà ta kiến nghị hoãn buổi hỏi cung cho đến khi sức khỏe của bị can tốt hơn. Vì vậy, cho đến nay, liên quan tới 2 vụ đại án Hà Văn Thắm, Phạm Công Danh và ngay cả vụ án mà Hứa Thị Phấn đóng vai trò chính không hề có lời khai nào của bà ta.

Nhưng một điều lạ kỳ, Sáu Phấn vẫn đủ sức khỏe, minh mẫn để ký vào Đơn tố cáo, Đơn kiến nghị và cả Đơn kháng cáo trong vụ án Oceanbank.

Điều này đã khiến CQĐT kiến nghị “cần xem xét, đánh giá thái độ không hợp tác của bị can Phấn trong quá trình xét xử để lượng hình phạt”.

Tác giả: Đoàn Nga

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok