Trong tỉnh

Tích cực phòng, chống HIV/AIDS

Thanh Hóa là tỉnh có dân số đông với gần 3,5 triệu người, có 11 huyện miền núi, địa hình hiểm trở, phức tạp. Những năm qua, nhờ nhiều giải pháp tích cực trong công tác phòng, chống HIV/AIDS nên đã đạt được những kết quả nhất định nhưng tình hình HIV/AIDS vẫn còn nhiều thách thức đặt ra.

Những con số biết nói

Kể từ khi phát hiện ca nhiễm HIV/AIDS đầu tiên vào tháng 11/1995, đến nay lũy tích toàn tỉnh Thanh Hoá đã phát hiện được 8.180 người nhiễm HIV/AIDS, trong đó hơn 2.000 người đã tử vong, quản lý gần 4.000 người đang sống chung với HIV/AIDS và đã có 3.814 người nhiễm HIV/AIDS được điều trị bằng thuốc kháng virut.

Lấy mấu test nhanh HIV/AIDS

Dịch HIV/AIDS có mặt 27/27 huyện, thị, thành phố và 596/635 xã, phường, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh. Thanh Hóa cũng là một trong 10 tỉnh có số người nhiễm HIV cao nhất toàn quốc. Mỗi năm toàn tỉnh vẫn phát hiện 300 – 400 ca nhiễm HIV mới.

Từ năm 2016, Thanh Hóa đã là 1 trong 5 tỉnh của cả nước được chọn thí điểm để triển khai thực hiện mục tiêu 90-90-90 (90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình, 90% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng vi rút và 90% người nhiễm HIV đã được điều trị bằng thuốc kháng vi rút kiểm soát được số lượng vi rút ở mức thấp để sống khỏe mạnh và làm giảm nguy cơ lây truyền HIV cho người khác).

Số liệu qua giám sát trọng điểm ở các năm trên 2 nhóm NCMT và PNBD. Năm 2016 tỷ lệ người nhiễm HIV trên nhóm NCMT là 13% thì năm 2017 là 16%. Dịch HIV chủ yếu ở nam giới chiếm tỷ lệ 78,6%, nữ giới 21,6%. Số ca nhiễm mới lây qua đường máu chiếm tỷ lệ 60,9% qua quan hệ tình dục 37,7%.

Tính đến nay, các ca nhiễm mới tập trung cao nhất ở nhóm từ 20 - 39 tuổi (76%). Biểu đồ dịch HIV được phân theo đối tượng nhóm NCMT luôn chiếm tỷ lệ cao (64%), tiếp đến là đối tượng khác 23%, tình dục khác giới 8%, mẹ truyền cho con 3%, phụ nữ có thai 2%. Do đó thực hiện chiến lược phòng lây truyền mẹ con (PLTMC) là hết sức quan trọng. Nếu can thiệp đúng lúc thì sẽ cứu được bé.Vì thế cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong phòng chống HIV/AIDS trong can thiệp cũng như cách tiếp cận chung, xét nghiệm HIV cho người mẹ trong thai kỳ, tư vấn và xét nghiệm HIV, thuốc ARV để PLTMC. Bên cạnh đó còn phải chú trọng can thiệp lúc sinh và sau sinh để tránh các thủ thuật xâm nhập, cung cấp thuốc ARV cho trẻ mới sinh và tránh cho trẻ bú mẹ...

Tăng cường công tác tuyên truyền - Hướng tới mục tiêu 90-90-90

Để góp phần đạt được mục tiêu 90-90-90 là một thách thức rất lớn và chắc chắn phải có sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của cả hệ thống chính trị và của toàn xã hội. Chính vì vậy, trong Tháng hành động năm nay với chủ đề “Hãy hành động để hướng tới mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020”.

Học sinh Trường THPT Yên Định 2, huyện Yên Định tham gia tại Lễ phát động tháng hành động phòng, chống HIV/AIDS năm 2018.

Tỉnh Thanh Hoá đã tăng cường các hoạt động truyền thông, tư vấn, xét nghiệm cho những người có nguy cơ để phát hiện HIV, tạo điều kiện để người nhiễm HIV điều trị ARV ngay và mở rộng diện bao phủ bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV. Tăng cường các biện pháp can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV: như sử dụng BKT sạch, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone cho người nghiện ma túy; sử dụng BCS trong các lần quan hệ tình dục.

Giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV và ảnh hưởng bởi HIV/AIDS. Tổ chức gặp mặt, thăm hỏi những người nhiễm HIV, người dễ bị tổn thương với HIV. Đẩy mạnh hơn nữa phong trào “Toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư”.

Để hướng tới mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020 của Liên hợp quốc (có 90% số người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình; 90% số người đã chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị ARV và 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng vi rút ở mức thấp để sống khỏe mạnh và làm giảm nguy cơ lây truyền HIV cho người khác); UBND tỉnh Thanh Hoá đã yêu cầu các sở, ngành, đơn vị và UBND các huyện, thành phố tùy điều kiện cụ thể tổ chức các hoạt động mít tinh, diễu hành; tổ chức truyền thông, tư vấn nói chuyện trực tiếp với bệnh nhân, người nhà bệnh nhân; vận động chống kỳ thị phân biệt đối xử với người nhiễm HIV, nhất là với trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV; vận động gây Quỹ Hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS, mua thẻ bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV.

Tổ chức mở rộng việc cung cấp các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS như xét nghiệm HIV dựa vào cộng đồng; điểm cấp phát thuốc Methadone; điểm cấp phát thuốc ARV tại các trạm y tế xã cũng như cung cấp các dịch vụ dự phòng trước phơi nhiễm HIV. Tổ chức vận động các doanh nghiệp tham gia các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS cho người lao động, nhận người lao động là người nhiễm HIV, người sau cai, người đang được điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế...

Tác giả: TƯỜNG LÂM

Nguồn tin: Báo Dân sinh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok