Liên quan vụ 42 người phát hiện bị mắc HIV ở xã Kim Thượng, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ, dư luận cho rằng, đây là tỷ lệ cao bất thường. Rất nhiều người dân khác trong khu vực cũng đang lo lắng về sức khỏe của mình.
Qua vụ việc này, dư luận cho rằng, công tác phòng chống HIV/AIDS ở cấp cơ sở hiện nay đang có những bất cập. Xung quanh vấn đề trên, PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với TS. Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng cục Phòng chống HIV/AIDS (bộ Y tế) để có góc nhìn đa chiều hơn.
PV: Thưa ông, có ý kiến cho rằng, vụ việc phát hiện 42 người bị mắc HIV ở xã Kim Thượng, tỉnh Phú Thọ là con số báo động. Ông nghĩ sao về điều này?
TS. Hoàng Đình Cảnh: Việc triển khai chương trình phòng, chống HIV/AIDS ở khu vực miền núi, khu vực đồng bào dân tộc thiểu số là một trong những nội dung chỉ đạo được ưu tiên.
Tuy nhiên, trên thực tế, việc triển khai chưa được nhiều là bởi vì nguồn lực còn hạn chế. Kinh phí cho truyền thông phòng chống HIV bị cắt giảm rất nhiều. Việc tuyên truyền đối với đồng bào thiểu số vốn dĩ rất khó khăn trong giao tiếp ngôn ngữ, đường sá khu vực vùng sâu vùng xa đi lại khó khăn, để đến tận nơi tiếp cận người dân không phải là lúc nào cũng thuận tiện…
Vì vậy, cần có hình thức tuyên truyền chuyên biệt, đầu tư thỏa đáng. Hiện nay, về mặt chủ trương thì đã có đầy đủ nhưng đầu tư thực tế thì vẫn còn nhiều hạn chế nên kết quả chưa được cao.
Trở lại sự việc ở Phú Thọ phát hiện 42 ca mắc HIV, đây cũng là một con số cao so với khu vực. Tuy nhiên, nó không phải là quá đặc biệt. Cụ thể, hiện cả nước có 60 xã có trên 50 người nhiễm HIV (không tính phường). Đặc biệt như ở Điện Biên có tới 29 xã với trên 50 người nhiễm HIV/1 xã. Lai Châu có 9 xã có trên 50 người nhiễm HIV. Phú Thọ cũng có 9 xã trên 50 người nhiễm HIV.
Vừa qua, ổ dịch nhiễm HIV ở xã Kim Thượng được phát hiện là vì sự chủ động của ngành y tế. Một vài năm gần đây, số ca nhiễm HIV ở xã Kim Thượng tăng lên, số người chết vì bệnh AIDS cũng tăng lên, do đó, tỉnh Phú Thọ đã tiến hành điều tra, khảo sát chuyên biệt, lấy mẫu 490 người dân xã Kim Thượng nghiên cứu và làm xét nghiệm, từ đó phát hiện ra ổ dịch. Kết quả phát hiện được 42 ca dương tính với HIV.
Liên quan vụ 1 xã 42 người nhiễm HIV ở Phú Thọ, ông Hoàng Đình Cảnh cho biết, quan điểm của bộ Y tế là làm quyết liệt. (Ảnh: Internet). |
PV: Qua sự việc này, dư luận băn khoăn về hiệu quả của công tác y tế ở cơ sở đang có “vấn đề”. Cá nhân ông đánh giá như thế nào?
TS. Hoàng Đình Cảnh: Tôi nghĩ, đánh giá mức độ hiệu quả của công tác y tế ở cơ sở đến đâu thì đây là công việc của tỉnh, không thể nhận xét một cách phiến diện được. Cần đánh giá trên nhiều góc độ, trên cơ sở sự đầu tư cho hoạt động phòng chống HIV/AIDS tại địa phương đó ở mức độ nào thì triển khai đến đâu…
Tuy nhiên, nhìn từ bình diện chung nhất, việc đầu tư, ưu tiên, tuyên truyền vận động và triển khai các can thiệp dự phòng ở khu vực miền núi, khu vực đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế về mặt đầu tư. Đó là một thực tế.
PV: Như ông vừa nói, việc đầu tư cho tuyên truyền chuyên biệt phòng chống HIV bị cắt giảm nhiều, cụ thể là giảm bao nhiêu?
TS. Hoàng Đình Cảnh: Trước đây, có một dự án tuyên truyền chuyên biệt về bệnh HIV/AIDS, nhưng từ năm 2016 chương trình mục tiêu quốc gia và dự án truyền thông chuyên biệt về bệnh HIV/AIDS đã cắt giảm, chuyển sang chương trình mục tiêu y tế dân số. Chi phí cho tuyên truyền HIV giảm khoảng 50%. Mỗi năm, chỉ khoảng vài ba tỷ đồng cho dự án truyền thông HIV trên cả nước.
PV: Còn chương trình cấp phát miễn phí dụng cụ để phòng chống một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đang được thực hiện như thế nào, thưa Phó cục trưởng?
TS. Hoàng Đình Cảnh: Hiện nay, rất may chúng ta đang huy động được dự án Quỹ toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS hỗ trợ vật phẩm như bao cao su, bơm kim tiêm… cho những đối tượng có nguy cơ cao lây các căn bệnh truyền nhiễm. Hiện nay, cả nước có 32 tỉnh được thụ hưởng chương trình này, Phú Thọ cũng là một trong số đó.
PV: Con số 42 người bị phát hiện dương tính với HIV là trên tổng số 490 người dân xã Kim Thượng được lấy mẫu xét nghiệm. Vậy trên thực tế, số người mắc bệnh còn có thể cao hơn. Nhiều người dân khác trên địa bàn cũng đang rất lo lắng. Ông có ý kiến gì về vấn đề này?
TS. Hoàng Đình Cảnh: Con số dịch tễ học, kể cả trên thế giới không nước nào làm xét nghiệm toàn dân. Số liệu dự báo là trên cơ sở đã làm xét nghiệm một số nhóm có nguy cơ cao mắc bệnh lây nhiễm HIV trong cộng đồng. Ví dụ như xã Kim Thượng có khoảng 6.400 dân thì người ta cũng nghiên cứu chọn mẫu để làm 490 trường hợp.
Đương nhiên, con số trên thực tế có thể lớn hơn con số được báo cáo. Vì vậy, vụ việc ở Kim Thượng cần được làm rõ nguyên nhân càng sớm càng tốt, để giúp người dân điều trị bệnh, tránh lây truyền cho người khác.
Sổ khám bệnh mang "án tử" của người nhiễm HIV ở Phú Thọ. |
PV: Được biết, ngày 13/8, đoàn kiểm tra của bộ Y tế đã có buổi làm việc với tỉnh Phú Thọ về vụ việc 42 người nhiễm HIV ở xã Kim Thượng. Ông cũng là thành viên tham gia đoàn công tác của bộ Y tế, vậy ông có thể cho biết quan điểm của bộ Y tế về sự việc này?
TS. Hoàng Đình Cảnh: Bộ Y tế và lãnh đạo UBND tỉnh Phú Thọ thống nhất quan điểm là sẽ làm hết sức quyết liệt, lấy người dân làm trọng.
Trước hết, cần ổn định tâm lý cho người dân địa phương. Cùng với đó, điều trị sớm cho những người đã phát hiện nhiễm HIV và tiếp tục làm xét nghiệm cho những người khác miễn phí.
Thứ hai là tuyên truyền, vận động để tránh cho dư luận người dân hoang mang. Thứ ba là tiến hành các nghiên cứu, điều tra để sớm phát hiện nguyên nhân.
Thứ tư, qua vụ việc này cũng là cảnh báo để chúng ta quan tâm hơn đến các khu vực tương tự. Ngành y tế cần mở rộng xét nghiệm phát hiện, có thể còn có các ổ dịch tiềm ẩn ở những địa phương khác nữa mà chúng ta chưa biết.
Bộ Y tế sẽ hỗ trợ tối đa về mặt kỹ thuật, cung cấp miễn phí sinh phẩm, thuốc điều trị, bao cao su, bơm kim tiêm… của các chương trình dự phòng cho các địa phương.
PV: Trân trọng cảm ơn Phó Cục trưởng!
Tác giả: Nguyễn Hường
Nguồn tin: Báo Người đưa tin