Trong tỉnh

Tích cực phòng cháy, chữa cháy chợ dịp cuối năm

Vào dịp cuối năm, số lượng hàng hóa đổ về các khu chợ tăng cao, nguy cơ cháy, nổ luôn tiềm ẩn. Trước tình hình đó, Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy (PCCC) số 1 đã tăng cường công tác kiểm tra an toàn PCCC chợ nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng xảy ra cháy nổ và thiệt hại do cháy nổ gây ra.

Cán bộ kiểm tra Phòng Cảnh sát PCCC số 1 kiểm tra an toàn PCCC tại chợ Cầu Đống, phường An Hoạch, TP Thanh Hóa.

Phòng Cảnh sát PCCC số 1 hiện đang quản lý tổng số 29 chợ trên địa bàn TP Thanh Hóa và các huyện: Đông Sơn, Thiệu Hóa, Quảng Xương, Hoằng Hóa. Theo chân cán bộ Phòng Cảnh sát PCCC số 1 tiến hành kiểm tra một số chợ trên địa bàn TP Thanh Hóa, nhận thấy sự chuyển biến tích cực trong công tác PCCC tại các cơ sở này.

Chợ Cầu Đống, phường An Hoạch, TP Thanh Hóa có trên 500 hộ kinh doanh đủ loại các mặt hàng, từ vải vóc, quần áo, đồ nhựa gia dụng, thực phẩm... Xác định bảo đảm an toàn PCCC tại chợ vào dịp cuối năm là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, ban quản lý (BQL) chợ tăng cường tuyên truyền về công tác PCCC tới các hộ kinh doanh và người dân tham gia mua bán. Nội dung tuyên truyền đa dạng, phong phú, tập trung về tác hại của các vụ cháy nổ xảy ra ở các địa phương trong cả nước; các quy định PCCC tại chợ như: Sắp xếp hàng hóa gọn gàng; không dùng bóng điện sợi đốt; không sạc hay sử dụng bình ắc quy; không đốt hương, vàng mã hay đốt vía ở chợ; không hút thuốc và đun nấu tại chợ; mỗi hộ kinh doanh cần trang bị 1 bình chữa cháy tại chỗ; trước khi về, các hộ kiểm tra lại hệ thống điện tại cửa hàng...

Ngoài bản cam kết bảo đảm an toàn PCCC, BQL chợ tổ chức cho 100% hộ kinh doanh ký cam kết đảm bảo an toàn PCCC trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất sắp tới. Ngoài ra, BQL chợ cũng đẩy mạnh công tác tự kiểm tra an toàn PCCC tại các quầy hàng, cửa hàng; nghiêm khắc nhắc nhở, lập biên bản, xử phạt các trường hợp vi phạm an toàn PCCC tại chợ... Về phía các tiểu thương, do thường xuyên được BQL chợ tuyên truyền, nhắc nhở, kiểm tra và đôn đốc nên ý thức về vai trò, trách nhiệm của mình trong việc đảm bảo an toàn PCCC được nâng lên rõ rệt; các hộ đều tự giác thực hiện nghiêm túc các quy định PCCC.

Ông Mai Văn Quế, phó trưởng BQL chợ Cầu Đống, cho biết: Để bảo đảm công tác PCCC, BQL chợ đã thường xuyên tự kiểm tra an toàn PCCC, trang bị đầy đủ hệ thống báo cháy tự động, máy bơm, bình chữa cháy, bể nước ngầm phục vụ công tác chữa cháy, thường xuyên nhắc nhở các hộ kinh doanh nâng cao ý thức trong công tác PCCC khi tham gia hoạt động mua bán.

Tương tự, chợ Quảng Thắng, phường Quảng Thắng, TP Thanh Hóa cũng là chợ được lực lượng cảnh sát PCCC đánh giá luôn thực hiện tốt các quy định về PCCC. Nhờ thế trong năm qua, chợ Quảng Thắng không để xảy ra bất kỳ vụ cháy nào gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.

Tuy nhiên, tại một số chợ tuyến huyện vẫn còn tồn tại nhiều bất cập trong công tác PCCC. Theo Phòng Cảnh sát PCCC số 1 thì nguyên nhân chính là do các hộ kinh doanh buôn bán trong chợ mặc dù đã được tuyên truyền, phổ biến các nội quy, quy định về PCCC, song ý thức của các tiểu thương vẫn còn xem nhẹ. Qua kiểm tra thực tế cho thấy, một số chợ tuyến huyện đều trong tình trạng quá tải nên các hộ kinh doanh tự ý cơi nới, thay đổi công năng sử dụng công trình, tàng trữ các mặt hàng tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ. Khối lượng hàng hóa lớn dẫn tới việc các tiểu thương sắp xếp, bày bán hàng hóa lấn chiếm lối đi, hành lang thoát nạn. Tại nhiều chợ, các hộ kinh doanh căng lều bạt, mái che bằng nilon và các chất dễ cháy khác làm cản trở lối thoát nạn và giao thông phục vụ xe chữa cháy, đồng thời tăng nguy cơ cháy lan khi có sự cố cháy, nổ xảy ra.

Vẫn còn một số tiểu thương thắp hương, đốt vàng mã, sử dụng ngọn lửa trần, khách mua hàng hút thuốc trong khuôn viên chợ không bảo đảm an toàn về PCCC. Trước tình trạng trên, Phòng Cảnh sát PCCC số 1 đã tiến hành kiểm tra, nhắc nhở, đồng thời yêu cầu BQL chợ nhanh chóng khắc phục sai phạm nhằm đảm bảo an toàn PCCC, phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán.

Thượng úy Mai Văn Cường, đội trưởng đội kiểm tra, Phòng Cảnh sát PCCC số 1 cho biết: Để đảm bảo an toàn PCCC tại các khu chợ, mỗi hộ kinh doanh, buôn bán cần phải nâng cao ý thức PCCC; tuyệt đối không kinh doanh, tàng trữ, sử dụng các chất gây cháy như xăng, dầu, cồn, gas và hóa chất dễ cháy trong khu vực buôn bán; niêm yết nội quy PCCC, biển cấm lửa, cấm hút thuốc ở những nơi có nguy cơ cháy, nổ; không thắp đèn, nến, hương thờ cúng và đốt vàng mã trong chợ; không sử dụng bàn là điện, bếp điện, lò sấy, lò sưởi, bóng điện sợi đốt để sấy hàng hóa; sử dụng quạt điện phải có lồng bảo hiểm.

Đồng thời không sử dụng vật liệu dễ cháy để trang trí nội thất, làm tường, vách ngăn, trần, quầy sạp hàng. Các hộ kinh doanh và người tham gia mua bán phải thấy rõ việc thực hiện tốt công tác PCCC là bảo vệ mình, tự giác chấp hành các quy định, nội quy an toàn PCCC chợ, không hút thuốc và sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt bừa bãi; sắp xếp hàng hóa cản trở lối đi, lối thoát nạn và đường dành cho xe chữa cháy... Có như vậy mới đảm bảo công tác PCCC để mọi nhà vui xuân, đón tết thật an toàn.

Thời gian tới, Phòng Cảnh sát PCCC số 1 sẽ chủ động tham mưu cho chính quyền địa phương ban hành các văn bản, chỉ thị về tăng cường thực hiện các biện pháp PCCC đối với chợ cho phù hợp với điều kiện, đặc điểm kinh tế của cơ sở, địa phương. Tiếp tục tổ chức kiểm tra công tác PCCC trên địa bàn quản lý, đặc biệt là kiểm tra đột xuất để phát hiện và khắc phục kịp thời các sơ hở, thiếu sót về PCCC, loại trừ những nguyên nhân, điều kiện gây cháy, nổ; hướng dẫn các cơ quan, đơn vị củng cố lực lượng PCCC cơ sở, lực lượng dân phòng và trang bị phương tiện chữa cháy đầy đủ theo quy định. Đồng thời, đảm bảo sẵn sàng lực lượng, phương tiện chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn kịp thời, hiệu quả.

Tác giả: Nguyễn Nhung

Nguồn tin: Báo Thanh Hóa điện tử

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok