Trong tỉnh

Thua lỗ hàng tỷ USD, lọc hoá dầu Nghi Sơn phải tái cấu trúc tổng thể

Bộ Công Thương mới đây cho biết, đang thực hiện việc hỗ trợ, trao đổi với các Chính phủ Cô-Oét và Nhật Bản tác động các bên góp vốn nước ngoài để tái cấu trúc tổng thể Công ty TNHH Lọc hoá dầu Nghi Sơn (NSRP).

Theo Bộ Công Thương, việc tái cấu trúc tổng thể NSRP đặc biệt là tái cấu trúc tài chính là trách nhiệm của NSRP và các bên tham gia góp vốn tại dự án.

PVN với vai trò là bên góp vốn tại dự án có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với các bên góp vốn nước ngoài chỉ đạo NSRP thống nhất các giải pháp khả thi phù hợp với quy định của pháp luật để giải quyết khó khăn của NSRP. Báo cáo Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (cơ quan đại diện chủ sở hữu của PVN) các vấn đề vướng mắc vượt thẩm quyền để chỉ đạo tháo gỡ kịp thời, tuyệt đối không làm phát sinh nghĩa vụ đỗi với Chính phủ Việt Nam.

Đến nay, với vai trò bộ quản lý chuyên ngành, Bộ Công Thương đã có ý kiến trao đổi với phía Cô oet, Nhật Bản để yêu cầu các bên nước ngoài góp vốn tại dự án phối hợp với PVN để thống nhất các giải pháp tái cấu trúc bộ máy điều hành, tái cấu trúc tài chính và NSRP để đạt được mục tiêu cao nhất là nhà máy vận hành an toàn, hiệu quả.

Trong báo cáo mới nhất về các dự án dầu khí trọng điểm, PVN cho biết, sẽ tiếp tục làm việc với các bên góp vốn nước ngoài nhằm đạt được đồng thuận về quan điểm tái cấu trúc tổng thể NSRP, đặc biệt cần cải tổ công tác quản trị và tái cấu trúc tài chính đúng bản chất nhằm xử lý triệt để các nguyên nhân cốt lõi dẫn tới hó khăn của dự án, đưa dự án tới tự cân đối dòng tiền hoạt động, đạt điểm hoàn vốn và tiến tới có lãi theo một lộ trình cụ thể.

Dự án Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn đang được triển khai tại khu kinh tế Nghi Sơn, Thanh Hóa, có vốn đầu tư lên đến hơn 9 tỷ USD. PVN là đối tác nội duy nhất và là 1 trong 4 đối tác góp vốn vào dự án. PVN chỉ có vốn góp chiếm 25,1%. Còn lại là công ty Kuwait Petroleum Europe.B.V chiếm 35,1%, công ty Idemitsu Kosan Nhật Bản chiếm 35,1%, công ty Mitsui Chemicals Inc Nhật Bản chiếm 4,7%.

Lọc hoá dầu Nghi Sơn đi vào hoạt động hơn 3 năm nhưng phải đối mặt với tình hình tài chính nhiều khó khăn. Những khó khăn tài chính đã nhiều lần ảnh hưởng tới nguồn cung xăng dầu trong nước. Hồi đầu 2022, NSRP đã bất ngờ cắt giảm công suất với lý do đang gặp những khó khăn về tài chính thậm chí đã còn phát đi cảnh bảo nhà máy có thể phải tạm dừng hoạt động.

Sau đó các bên tham gia góp vốn vào NSRP đã tìm được tiếng nói chung trong việc xử lý khó khăn tài chính để đưa nhà máy này thoát cảnh tạm dừng hoạt động.

Theo báo cáo của Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn hồi tháng 3/2002 gửi tới Bộ Công Thương, từ đầu tháng 1 năm 2022, Nhà máy đã giảm công suất từ mức 100% xuống mức 80% và sau đó chỉ ở mức 55-60% công suất. Do cắt giảm công suất sản xuất nên việc giao hàng thực tế cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu trong nước trong tháng 2/2022 đã bị giảm 50% so với kế hoạch.

Thông tin về tình hình tài chính NSRP, lãnh đạo Bộ Công Thương từng cho biết, lỗ lũy kế của doanh nghiệp này đã lên tới 3,3 tỷ USD trong 3 năm./.

Tác giả: Thiên Văn

Nguồn tin: tamnhin.trithuccuocsong.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok