|
Nhiều biện pháp quyết liệt được đưa ra
Ngày 14/2 vừa qua, tỉnh Thanh Hóa có văn bản chỉ đạo việc thực hiện các giải pháp nhằm đảm bảo cung ứng xăng dầu trên địa bàn Tỉnh này trong thời gian tới.
Văn bản trên được đưa ra trước tình trạng tại một số địa phương trên cả nước xuất hiện tình trạng cửa hàng xăng dầu dừng hoạt động. Trong đó, có cả lý do khách quan do không đủ nguồn cung, tuy nhiên cũng có một số đơn vị cố tình đầu cơ, găm hàng nhằm trục lợi khi dự báo giá sản phẩm xăng dầu tiếp tục tăng cao… Tình trạng trên đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng như sinh hoạt của người dân.
Ảnh minh họa. |
Vì vậy, để phòng ngừa, đảm bảo cung ứng xăng dầu với mục tiêu duy trì liên tục, ổn định, đáp ứng đầy đủ sản phẩm xăng dầu cho người dân và doanh nghiệp, tỉnh Thanh Hóa kiên quyết không để xảy ra tình trạng đầu cơ, trục lợi bất chính hoặc đứt gãy nguồn cung sản phẩm xăng dầu trên địa bàn.
Trong văn bản nêu rõ, giao cho Sở Công thương chủ trì, phối hợp với Cục Quản lý thị trường Thanh Hóa cùng chính quyền các địa phương tiến hành rà soát, giám sát, kịp thời phát hiện hiện tượng hoặc nguy cơ dẫn đến thiếu hụt nguồn cung sản phẩm xăng dầu trên địa bàn.
Theo đó, Sở Công Thương Thanh Hóa sát sao chỉ đạo các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối, đơn vị sản xuất sản phẩm xăng dầu và các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh xăng dầu chi tiết theo từng tháng, sát với tình hình thực tế..., đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho nhu cầu tiêu thụ trên địa bàn tỉnh. Trong đó, đáng chú ý có xét tới kịch bản là Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn dừng sản xuất.
Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn. |
Để đảm bảo trong các kịch bản có thể xảy ra trong thời gian tới, UBND tỉnh Thanh Hóa giao Sở Công Thương nghiên cứu có thể căn cứ các quy định hiện hành và tình hình thực tế, để tham mưu cho UBND tỉnh quy định hoặc khuyến nghị các doanh nghiệp duy trì mức dự trữ xăng dầu cao hơn mức dự trữ bắt buộc tối thiểu theo quy định của Chính phủ. Trong đó, theo quy định mức dự trữ xăng dầu bắt buộc tối thiểu là 20 ngày cung ứng đối với thương nhân đầu mối và 5 ngày cung ứng đối với thương nhân phân phối xăng dầu. Khuyến nghị các đơn vị đầu mối phấn đấu nhập khẩu, thu mua, dự trữ để có đủ khả năng cung ứng với sản lượng ít nhất bằng sản lượng bán ra bình quân năm 2021 hoặc năm 2019 (thời điểm trước khi diễn ra đại dịch Covid-19) trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, tùy thuộc vào sản lượng nào cao hơn để lựa chọn, trước dự báo nhu cầu tiêu thụ xăng dầu sẽ gia tăng theo kịch bản phục hồi và tăng trưởng kinh tế sau đại dịch Covid-19.
Về vấn đề nguồn cung từ Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đồng thời đề nghị Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn (chủ đầu tư Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn) tập trung triển khai các giải pháp theo thẩm quyền và phối hợp với các cơ quan chức năng để nhanh chóng khắc phục tình trạng sụt giảm công suất, quyết không để xảy ra tình trạng dừng hoạt động, ảnh hưởng lớn tới nguồn cung xăng dầu nội địa. Đồng thời, thường xuyên thông tin, báo cáo tình hình đến UBND tỉnh Thanh Hóa để các cơ quan chức năng kịp thời xem xét, hỗ trợ.
Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm
Xác định đảm bảo cung ứng xăng dầu đảm bảo an ninh năng lượng là vấn đề quan trọng, tỉnh Thanh Hóa sẽ kiên quyết xử lý nghiêm các đơn vị vi phạm trong cung ứng và kinh doanh xăng dầu.
Theo đó, UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo Cục Quản lý thị trường Thanh Hóa cùng các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát các đơn vị kinh doanh xăng dầu. Nhất là các đơn vị có dấu hiệu găm hàng nhằm trục lợi, như: giảm thời gian bán hàng, giảm lượng hàng bán ra so với thời gian trước đó, không bán hàng mà không có lý do chính đáng…
Các cơ sở kinh doanh xăng, dầu nếu vi phạm, ngoài sẽ bị xử phạt chính theo quy định, còn yêu cầu áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung bằng việc tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn.
Tác giả: Nguyễn Hữu Phương