Bóng đá là đam mê, là con đường thoát nghèo
Sinh ra ở miền quê nghèo Ngọc Lặc, Tiến Dũng cũng như bao cậu trẻ miền núi khác, những trò chơi vận động là phương tiện giải trí hiếm hoi. Với thể hình và chút năng khiếu bẩm sinh, Tiến Dũng và cả người em Tiến Dụng luôn là hy vọng của đội bóng…làng mà mình tham gia. Và cũng từ đây, câu chuyện cổ tích của chàng trai miền sơn cước xứ Thanh bắt đầu.
|
Sớm có cơ hội ở một trung tâm đào tạo trẻ tại huyện miền núi Thường Xuân, Tiến Dũng bắt đầu nuôi ước mơ ở vị trí trung vệ. Mọi thứ không ngoài một chữ duyên, hai anh em Dũng hiểu rằng, cơ hội giúp cho “cuộc sống đỡ khổ” là đây, cả Dũng và Dụng lao vào tập luyện.
Nhưng sự trái ngang của số phận khiến trung tâm này giải thể, Tiến Dụng có cơ may đến với PVF, còn người anh thì không được may mắn như thế. Anh quá tuổi thi vào PVF và đành phải quay về bản Mường nơi chôn rau cắt rốn để trở lại cuộc sống núi rừng với nghề nông và làm rẫy.
Cuộc đời rẽ lối tươi sáng nhờ FLC Thanh Hóa
Khi cánh cửa này đóng lại, sẽ có cánh cửa khác mở ra, HLV Nguyễn Thành Dũng, người phát hiện khi Tiến Dũng vẫn chơi trung vệ đã gọi em về tập luyện tại đội trẻ FLC Thanh Hóa đã giúp Dũng mở ra một cánh cửa mới cho chặng đường tiếp theo. Thời điểm trước khi tập đoàn FLC xuất hiện, bóng đá trẻ xứ Thanh chìm trong khó khăn.
Mâm cơm của những chàng trai đang tuổi ăn, tuổi lớn chỉ độc một đĩa thịt lợn mỡ và chút ít canh, rau. Tiến Dũng cùng những người đồng đội thuở ấy như Lê Văn Đại, Hoàng Anh Tuấn, Trọng Hùng phải chia nhau từng muôi cơm, từng miếng thịt.
Buổi sáng đi học văn hóa, các em thậm chí còn phải nhịn đói, hoặc chỉ có nắm xôi nhỏ vài ngàn đồng. Số cầu thủ trẻ có điều kiện được gia đình cho thêm tiền ăn sáng, có khi còn được về thăm nhà. Với Dũng thì chẳng có những điều tưởng chừng đơn giản như vậy. Có gì ăn nấy, còn chuyện về nhà thì như giấc mơ, bởi tiền đâu ra?
Từ khi được tập đoàn FLC tiếp quản, bóng đá Thanh Hóa lột xác nhanh chóng. Với phương châm phát triển bóng đá trẻ là tiền đề đưa bóng đá Thanh Hóa phát triển bền vững, FLC đã đầu tư từ đời sống cho đến điều kiện cơ sở vật chất cho trung tâm bóng đá trẻ. Đây chính là bước ngoặt giúp Tiến Dũng phát huy hết được khả năng của mình khi có được môi trường tập luyện chuyên nghiệp. Cũng tại đội trẻ FLC Thanh Hóa, một thời gian sau, Tiến Dũng được “đôn về” chơi thủ môn vì có đôi chân cực khéo cùng sự chắc chắn, phản xạ nhanh nhẹn. Và từ đây, Tiến Dũng chính thức bén duyên với khung gỗ và đó cũng là dấu mốc để cầu thủ sinh năm 1997 gắn bó với vị trí “người gác đền đến ngày nay”.
Và khi đã được triệu tập lên đội U19 Quốc gia cùng với việc có cơ hội tại V.League 2016, sự nghiệp của Tiến Dũng đã rẽ lối sang một hướng hoàn toàn khác khi lọt vào mắt xanh của những nhà tuyển trạch FLC Thanh Hóa. Nhận thấy tiềm năng cực lớn của Tiến Dũng và hơn hết là tinh thần tập luyện nghiêm túc, ý chí và nghị lực kiên cường của thủ thành sinh năm 1997, CLB FLC Thanh Hóa quyết định mua đứt chàng trai Ngọc Lặc về CLB của mình.
Dù đã phải tốn rất nhiều công sức cũng như tiền bạc để giải quyết hợp đồng cũ của chàng thủ môn sinh năm 1997 với trung tâm đào tạo trẻ tại Thường Xuân, song việc làm đó đã thể hiện được nhãn quan và khả năng nhìn người tuyệt vời của CLB FLC THanh Hóa.
Việc “theo đuổi” một cầu chưa có tiếng tăm chứng tỏ niềm tin rất lớn mà ban lãnh đạo FLC Thanh Hóa dành cho Tiến Dũng, và thật may, đó là điểm tựa để bóng đá Việt Nam có một người viết sử trẻ tuổi đến như vậy.
“Còn nhiều việc phải làm lắm anh ơi”
Chia sẻ với tôi, Tiến Dũng vẫn nghẹn ngào: “Còn nhiều việc phải làm lắm anh ơi. Em may mắn hơn rất nhiều bạn khi đội bóng chủ quản đã đặt niềm tin rất lớn vào em lúc đó. Nếu không giấc mơ chơi cho đội bóng quê hương với em đã khép lại, rồi em sẽ đi đâu? Đây là lúc em phải làm tốt hơn nữa để đền đáp người hâm mộ cũng như nỗ lực để cống hiến cho màu cờ tổ quốc nói chung và CLB FLC Thanh Hóa nói riêng.
Em sẽ cố gắng cùng U23 Việt Nam tiến thật xa ở giải đấu lần này và cũng mong cho FLC Thanh Hóa sẽ làm nên lịch sử tại AFC Champions League 2018.”
Tác giả: PV
Nguồn tin: Báo Công luận