Thể thao

Thủ môn Bùi Tiến Dũng được "hét" giá trăm nghìn USD, chuyên gia thương hiệu nói gì?

Giá trị hình ảnh các tuyển thủ U23 đã tăng lên rất nhanh. Nhiều doanh nghiệp rất muốn mời họ về quay quảng cáo, chụp hình hay đơn giản chỉ là đăng status trên mạng xã hội. Tuy nhiên, việc quản lý hình ảnh của một số cầu thủ đã được một số công ty độc quyền, báo giá với mức chi phí rất cao.

Giá cầu thủ U23 có "quá chát" ?

Cụ thể, sáng nay, một số trang mạng xã hội đã truyền tay nhau về một bảng báo giá của thủ thành Bùi Tiến Dũng (U23 Việt Nam). Trong bảng báo giá đó có ghi, thủ môn Bùi Tiến Dũng là cầu thủ ký hợp đồng bảo trợ thương hiệu bởi O**** M**** và sẽ được duy trì liên tục hình ảnh trong các hoạt động truyền thông trên hệ thống: phát triển thương hiệu, bảo vệ thương hiệu… để giúp các hợp đồng truyền thông hình ảnh của doanh nghiệp có được sự hiệu quả và bền vững lâu dài.

Trong báo giá, cho 1 bài đăng trên Facebook là 2.500 USD và chỉ áp dụng với các post cơ bản (dẫn link hoặc viết nội dung). Các dạng post khác phức tạp hơn sẽ trao đôi sau.

Với hình thức livestream trên Facebook, mức giá sẽ gấp đôi, lên tới 5.000 USD và chỉ tối đa 1 tiếng/ngày. Có cùng mức chi phí 5.000 USD là việc Tiến Dũng sẽ check in chụp ảnh tại địa điểm nào đó (chưa bao gồm chi phí đi lại nếu quá xa).

Chi phí cứ dần dần tăng lên gấp đôi nếu tham dự sự kiện và có check in. Cùng mức giá 10.000 USD là việc thuê Dũng chụp ảnh với số lượng 1 bộ/ngày.

Đặc biệt nhất, phải kể đến việc quay TVC, viral video. Bởi hạng mục này có mức giá lên tới tận 50.000 USD với thời gian quay chỉ trong 1 ngày cho 1 TVC.

Hạng mục VIP nhất đó chính là booking độc quyền cho ngành hàng, muốn có thủ môn Bùi Tiến Dũng trở thành người đại diện cho 1 ngành hàng thì phải bỏ ra tới hơn 123.000 USD. Đây mới chỉ là con số tham khảo vì nếu độc quyền, sẽ phải nhân 1,5% tổng giá trị hợp đồng (với gói độc quyền trong 1 năm). Và hợp đồng độc quyền không áp dụng với tổng giá trị hợp đồng dưới 100.000 USD.

Bảng báo giá còn lưu ý rõ, bảng giá vừa trên còn chưa tính tới thuế VAT và các chi phí phát sinh như sản xuất nội dung, di chuyển, ăn ở,… Các hoạt động như Check in hay quay video ở xa sẽ còn phải mất chi phí cho 1 trợ lý đi cùng của Dũng.

Riêng gói Booking độc quyền sẽ còn phụ thuộc thêm vào lĩnh vực độc quyền để điều chỉnh cụ thể (chỉ xác nhận khi nhận được thông tin chính thức về lĩnh vực độc quyền). Đặc biệt, phía công ty không nhận booking lẻ.

Ngay sau khi nhận được thông tin trên, PV Dân Trí đã liên lạc theo số điện thoại của công ty truyền thông này và đã được phía công ty đồng ý cung cấp bảng giá. Chỉ cần gửi mail nội dung cụ thể muốn đặt là sẽ nhận được báo giá.

Tuy nhiên, một lúc sau, liên lạc tới công ty qua một kênh khác thì nhận được câu trả lời rằng, phía họ chỉ làm hợp đồng quảng cáo thông thường chứ không có hợp đồng với cầu thủ nào.

Chuyên gia thương hiệu nói gì?

Tỏ ý ngạc nhiên về bảng giá trên, ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch Tập đoàn Truyền thông Le Invest (Holdings) Corporation cho rằng, việc một công ty truyền thông đại diện cho một thương hiệu của các cầu thủ cũng không phải quá mới, ngay tại Việt Nam vì thực tế trước đây cũng đã có một số doanh nghiệp đứng ra làm đại diện truyền thông cho giới cầu thủ rồi.

"Biểu giá này cũng tốt thôi. Tuy nhiên, xem biểu giá này có thể thấy, nếu đối chiếu với mặt bằng giá làm truyền thông, thương hiệu khác thì các mức giá đó có thể nói là khá mạnh dạn", ông Lê Quốc Vinh bình luận.

Trả lời Dân trí về việc có mâu thuẫn hay không giữa việc câu lạc bộ cũng có trách nhiệm quản lý cầu thủ với việc một công ty truyền thông làm đại diện cho thủ môn Bùi Tiến Dũng và một số cầu thủ khác của đội tuyển U23 Việt Nam, ông Lê Quốc Vinh cho rằng, cũng rất khó nói bởi ngoài câu lạc bộ thì VFF cũng là một tổ chức có thể có những quy định về việc sử dụng hình ảnh cầu thủ.

"Chúng ta đang không biết có một quy định hay thỏa thuận nào. Thực tế thì có thể có những doanh nghiệp, nhãn hàng tài trợ cho cầu thủ, cho đội tuyển thì việc sử dụng hình ảnh cầu thủ của đội U23 Việt Nam liên quan đến nhãn hàng đó cũng có hạn chế. Mặc dù vậy, một công ty hay một người làm đại diện cho một cầu thủ vẫn có quyền sử dụng hình ảnh, thương hiệu cầu thủ đó, theo ủy quyền của cầu thủ, giống như ở nhiều quốc gia khác", ông Vinh nói.

Một số chuyên gia thương hiệu khác nói rằng, việc một công ty truyền thông đứng ra quản lý thương hiệu cầu thủ như thủ môn Bùi Tiến Dũng là không có gì lạ, và việc cầu thủ ủy quyền cho doanh nghiệp này quản lý thương hiệu, hình ảnh của mình là hoàn toàn hợp lệ và là quyền nhân thân của cầu thủ đó.

Tác giả: Thế Hưng

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok