Thành tích của Thủ khoa Nguyễn Đức Quỳnh: - Điểm học tập toàn khóa: 3.77/4 - Xếp loại rèn luyện toàn khóa: Xuất sắc - Thành tích: + Là một trong 40 Thủ khoa được Thành đoàn Hà Nội tuyên dương tại Ngày hội tân sinh viên năm 2013 + Thủ khoa đầu vào năm 2013 được Hiệu trưởng nhà trường tặng giấy khen. + Giấy khen của Hiệu trưởng nhà trường cho Sinh viên xuất sắc toàn khóa học 2013-2017 + Giấy khen của Hiệu trưởng nhà trường đạt danh hiệu sinh viên giỏi năm học 2013 - 2014; Sinh viên xuất sắc năm học 2014 - 2015, 2015 - 2016. + Tích cực tham gia các hoạt động, Đoàn, Hội của khoa, trường như Tiếp sức mùa thi, hiến máu nhân đạo, phục vụ Đại hội Đảng bộ của trường, Ngày hội tình nguyện Festival VFU... |
Thủ khoa Nguyễn Đức Quỳnh cùng các bạn. |
Giải pháp bảo vệ rừng
Nguyễn Đức Quỳnh là Thủ khoa đầu vào của trường Đại học Lâm nghiệp với số điểm 25 khối B (không tính điểm ưu tiên) và đồng thời là Thủ khoa tốt nghiệp, ngành Quản lý tài nguyên rừng, khoa Quản lý Tài nguyên rừng và môi trường.
Quỳnh sinh ra và lớn lên ở Lai Châu, một tỉnh miền núi nằm ở vùng tận cùng tây bắc Tổ quốc, từ nhỏ đã cuộc sống đã gắn bó theo với rừng núi nên em rất yêu thích thiên nhiên núi rừng.
Sau khi học xong cấp 3, Đức Quỳnh đăng ký thi vào trường Đại học Lâm nghiệp, ngành Quản lý Tài nguyên rừng, dù rằng hiếm có bạn bè nào của em lại chọn ngành này.
Sau 4 năm theo học chuyên ngành về rừng, Quỳnh không chỉ được truyền đạt kiến thức mà còn trải qua nhiều chuyến đi thực địa, rèn luyện và tích lũy được nhiều kinh nghiệm về quản lý tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu cũng như các kĩ năng điều tra, nghiên cứu ngoài thực địa, tiếp xúc làm việc với cộng đồng… Qua đó sự gắn bó và đam mê với lĩnh vực này của chàng thanh niên Lai Châu ngày càng lớn hơn.
“Công việc thực địa khá vất vả khi mỗi ngày phải đi bộ hàng chục cây số trong rừng để điều tra nghiên cứu. Cuộc sống trên đảo thiếu thốn nhiều mặt như hàng ngày nhà ăn chỉ nấu 1 bữa cơm tối nên chỉ được ăn 1 bữa cơm duy nhất vào buổi tối, còn lại 2 bữa sáng và trưa chỉ ăn mì tôm. Tuy vất vả nhưng mình cảm nhận được rõ tình cảm bạn bè cùng nhau vượt khó, sự gắn bó trở nên thân thiết trong những lúc khó khăn. Đó là điều vô cùng đáng nhớ mà đến giờ mỗi khi nhắc đến ai nấy đều xúc động”, Quyền kể lại quãng thời gian thực tập ở Vườn quốc gia Cát Bà.
|
Đối với công tác bảo vệ rừng, Quỳnh đã có nhiều kinh nghiệm đi và tiếp xúc với nhiều vùng rừng núi khác nhau. Em nhận ra rằng muốn bảo vệ được rừng, chống biến đổi khí hậu thì cần phải dựa vào cộng đồng. Thế nhưng cộng đồng người dân miền rừng núi kinh tế còn quá khó khăn, nguồn sống phụ thuộc nhiều vào rừng nên quan trọng nhất trong bảo vệ rừng chính là làm sao đảm bảo được kinh tế cho bà con nơi vùng sâu vùng xa. Từ đó mới có thể giữ và phát triển được rừng.
Từ chối doanh nghiệp, muốn về quê làm cho cơ quan nhà nước
Hoàn cảnh gia đình Quỳnh tương đối khó khăn. Em là con út trong một gia đình có 4 anh chị em, bố mẹ thì đều đã khá có tuổi (60 tuổi) lại đều làm nghề nông, cuộc sống gia đình trông vào hơn 4.000m2 ruộng nên việc nuôi các con đều ăn học gặp nhiều khó khăn.
Các anh chị em của Quỳnh khi đi học đều phải kết hợp vừa đi làm vừa đi học để có thêm chi phí trang trải cho cuộc sống bớt đi nỗi nhọc nhằn cho cha mẹ.
Với điều kiện gia đình mình, Quỳnh rất nỗ lực để vươn lên trong học tập, đạt thành tích cao, giành học bổng để giảm gánh nặng cho cha mẹ. Quỳnh thường sử dụng tiền học bổng vào chi trả học phí thay vì xin tiền gia đình.
|
Bí quyết để nam sinh 2 lần đạt Thủ khoa là phải luôn thật sự hết mình, yêu thích, và đam mê với những gì mình học thì việc học mới đạt được hiệu quả.
Dù vậy, chàng thủ khoa kép tự nhận thấy bản thân là mẫu sinh viên "vừa học vừa chơi" vì ngoài học em còn giành nhiều thời gian để tham gia hoạt động ngoại khóa, tình nguyện, và rèn luyện thể thao (võ thuật) tại trường.
Ước mơ của Quỳnh là có thể được về công tác tại tỉnh nhà để có điều kiện được áp dụng những kiến thức mình học giúp ích cho quê hương, cũng như có điều kiện được gần gia đình để chăm sóc đỡ đần cho bố mẹ ở quê.
Dù rằng với thành tích học tập tốt, Quỳnh đã nhận được một số lời mời từ các doanh nghiệp tư nhân và các tổ chức phi chính phủ, thế nhưng em đã từ chối.
Quỳnh cho biết: “Em đã tìm hiểu và cũng biết sơ qua chính sách của nhà nước về thu hút các thủ khoa. Hiện tại em cũng đang muốn được vào cơ quan nhà nước để công tác và làm công việc bảo vệ và phát triển rừng”.
Ảnh: NVCC
Tác giả: Mai Châm
Nguồn tin: Báo Dân trí