Tài sản của ông Đinh La Thăng chỉ có 1 nhà chung cư (chung với vợ), trong khi phải thi hành án số tiền lên tới hơn 600 tỷ đồng đang khiến cơ quan thi hành án "đau đầu". |
Theo thông tin từ Bộ Tư pháp, năm 2018 Bộ này và các địa phương đã ưu tiên tập trung giải quyết các vụ việc thi hành án trọng điểm, vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp và các vụ việc thi hành án liên quan đến tín dụng ngân hàng, thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế. Qua đó, kết quả thi hành án đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Đối với việc thi hành án nhằm thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, Bộ Tư pháp đã phối hợp tham mưu cho Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng tiến hành các đoàn kiểm tra, giám sát tại một số Ban cán sự Đảng Bộ, cơ quan và các tỉnh ủy, thành ủy. Một số vụ việc lớn đã được thi hành xong.
Tuy vậy đến nay số lượng án tồn đọng chuyển kỳ sau có giảm nhưng vẫn chưa đạt kết quả như mong muốn. Một số địa phương kết quả thi hành án đạt thấp, đặc biệt là về giá trị.
“Kết quả thi hành án để thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài còn khiêm tốn. Còn khá nhiều vụ việc bán đấu giá nhưng chưa giao được tài sản cho người trúng đấu giá nên chưa thể xử lý dứt điểm được vụ việc (năm 2018, toàn quốc còn 667 vụ việc đấu giá thành với số tiền trên 1.424 tỷ đồng nhưng chưa giao được tài sản cho người trúng đấu giá)”- thông tin từ Bộ này cho hay.
Ngoài ra, còn một số sai sót, vi phạm của Chấp hành viên, công chức thi hành án trong thực hiện trình tự, thủ tục thi hành án. Số công chức vi phạm bị xử lý kỷ luật tuy giảm đáng kể so với năm 2017 nhưng vẫn còn nhiều, trong đó vi phạm về chuyên môn nghiệp vụ là 17 trường hợp.
Qua theo dõi, cả nước còn còn 224 vụ việc thi hành án hành chính chưa được thi hành xong, trong đó nhiều nhất là các vụ việc liên quan đến đất đai.
Về kế hoạch trong năm 2019, Bộ Tư pháp khẳng định sẽ tăng cường công tác chỉ đạo, phối hợp, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án dân sự. Tập trung thi hành dứt điểm các vụ án dân sự trọng điểm, các vụ việc phức tạp, kéo dài, các vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng.
Đồng thời phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng trong kê biên, phong tỏa tài khoản, truy tìm tài sản bảo đảm cho công tác thi hành án, nhất là trong các vụ việc kinh tế, tham nhũng.
“Chủ động kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng thi hành án dân sự tại các địa phương, nhất là hoạt động bán đấu giá tài sản thi hành án. Từng bước nghiên cứu đề xuất việc mở rộng nhiệm vụ quản lý nhà nước của ngành tư pháp đối với công tác thi hành án nói chung”- Bộ Tư pháp thông tin.
Tác giả: Thế Kha
Nguồn tin: Báo Dân trí