Giáo dục

Thông tin mới nhất vụ nữ sinh lớp 10 ở Thừa Thiên Huế bị đánh chấn động não

Liên quan đến vụ việc nữ sinh lớp 10 ở Thừa Thiên Huế bị đánh chấn động não, hiện em này đã trở lại học tập bình thường...

Sáng 15/4, trao đổi với PV, ông Lê Thân - Hiệu trưởng trường THPT Hương Trà (thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) cho biết, nữ sinh bị đánh đã đi học trở lại được 1 tuần nay. Trong khi đó, nữ sinh có hành vi đánh bạn hiện đã nghỉ học.

"Sau khi xảy ra sự việc, cơ quan công an cùng với nhà trường đã phối hợp để làm rõ. Trường cũng tới để động viên, thăm hỏi học sinh bị đánh, đến nay gia đình của 2 em học sinh đã giải quyết sự việc thông qua sự hòa giải", ông Thân nói.

Trường THPT Hương Trà.

Theo ông Thân, liên quan đến nữ sinh có hành vi đánh bạn, từ khi sự việc xảy ra đến nay nhà trường đã liên hệ qua điện thoại cho phụ huynh và cả học sinh để hỏi về việc cho em này đi học tuy nhiên đều không được. Trước đó, gia đình em này có viết đơn xin nghỉ học để điều trị bệnh trầm cảm do có dấu hiệu tâm thần không ổn định. Gia đình đã đưa nữ sinh này vào khám ở bệnh viện tâm thần và được bác sĩ khuyên nên để em về hòa nhập ở trường nếu không bệnh sẽ nặng hơn.

Như đã thông tin, ngày 6/3, em L.T.Y.N. (SN 2006) là học sinh khối lớp 10, Trường THPT Hương Trà (thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế), nhận được tin nhắn của bạn cùng trường là L.N.Q.T., một học sinh cùng khối lớp 10 hẹn gặp nhau ở công viên Tứ Hạ (thị xã Hương Trà) để nói chuyện.

Tiếp đó, khi em N. đến gặp tại công viên thì bất ngờ bị T. lao vào đánh tới tấp bằng mũ bảo hiểm. Chưa dừng lại ở đó, trưa ngày 7/3, trên đường đi học về, em N. tiếp tục bị T. cùng đám bạn chặn đường dùng mũ bảo hiểm đánh chảy máu ở đầu.

Sau gần nửa tháng phải nằm viện điều trị tại BV TW Huế cơ sở 2, N. đã được xuất viện về nhà. Tuy nhiên, hiện N. luôn có tâm lý sợ sệt, ám ảnh chuyện bị bạn đánh nên không muốn đến trường.

Theo ông Đoàn Minh Thắng – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tại tỉnh Thừa Thiên Huế, qua phân tích các vụ việc xảy ra, có thể thấy rằng, các trường hợp bạo lực vừa có nguyên nhân chủ quan, vừa có nguyên nhân nhân khách quan, xuất phát từ nhiều phía. Trong đó, do sự phát triển tâm sinh lí và nhận thức của học sinh không đồng đều, nhất là giai đoạn tuổi trung học cơ sở, cùng với đó là ý thức chấp hành pháp luật, thực hiện chuẩn mực đạo đức, lối sống của một số học sinh còn chưa tốt, lối sống đua đòi và thiếu kĩ năng sống, kĩ năng kiểm soát cảm xúc, làm chủ bản thân trong cách giải quyết các xung đột nên khiến các em dễ bị lôi kéo, kích động...

Trong khi đó, ông Nguyễn Tân - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thừa Thiên Huế cho hay, để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống bạo lực học đường trong thời gian đến, Sở sẽ gắn việc phòng, chống bạo lực học đường với việc thực hiện các nội dung giáo dục lí tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho học sinh. Củng cố, phân công trách nhiệm của lãnh đạo nhà trường, các ban, đoàn thể trong nhà trường, giáo viên chủ nhiệm lớp trong công tác quản lí, giáo dục đạo đức học sinh.

Tác giả: Hoàng Dũng

Nguồn tin: giadinh.suckhoedoisong.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok