Ngay sau khi nhận được thông tin, phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã trực tiếp xuống ngay hiện trường. Tại mỏ cát số 62, xã Thiệu Thịnh chúng tôi dễ dàng chứng kiến cảnh có hơn 10 tàu hút cát có khối lượng lớn đang nổ máy phành phạch xả ra đen ngòm, cùng với công nhân và những chiếc máy bơm, máy hút cát đang làm việc hết công suất. Những chiếc vòi rồng khổng lồ vẫn ngang nhiên giữa ban ngày để “mai gan, móc ruột” sông Mã.
Công ty Vĩnh An lợi dụng thăm dò để khai thác cát trái phép |
Bà Lê Thị H, thôn 4, xã Thiệu Thịnh chỉ tay về phía những chiếc tàu đang hút cát bức xúc cho biết: Dọc bờ sông, thời gian gần đây nhiều tàu thường xuyên hút cát gây sạt lở nhiều diện tích đất trồng ngô của người dân. Chúng tôi lo ngại nếu các tàu hút cát cứ cắm vòi rồng hút cát như thế này thì chẳng mấy chốc sẽ sạt lở hết đất bãi bồi.
Tiếp xúc với chúng tôi nhiều hộ dân nới đây tỏ ra bức xúc vì các tàu hút cát suốt ngày đêm, tiếng máy nổ xình xịch, cát bơm đầy khoang tàu hết lượt này đến lượt khác mà không thấy các cơ quan chức năng xua đuổi hay xử lý gì.
Những tàu thuyền có khối lượng lớn ngang nhiên giữa ban ngày để “mai gan, móc ruột” sông Mã
Những tàu thuyền có khối lượng lớn ngang nhiên giữa ban ngày để “mai gan, móc ruột” sông Mã |
Theo tìm hiểu của Phóng viên, ngày ngày 28/9/2017 Công ty CP Vĩnh An được UBND tỉnh Thanh Hóa Giấy phép thăm dò khoáng sản số 371/GP-UBND. Giấy phép ghi rõ: Cho phép Công ty CP Vĩnh An được thăm dò khoáng sản cát làm vật liệu xây dựng thông thường tại mỏ cát số 62, xã Thiệu Thịnh, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Có diện tích thăm dò 15 ha với thời hạn thăm dò 5 tháng, được giới hạn bởi các góc từ 1 đến 6.
Theo quy định về Luật khoáng sản, doanh nghiệp trúng đấu giá và được cấp giấy phép thăm dò. Khi được cấp phép thăm dò thì doanh nghiệp phải tuân thủ các quy định về các khâu đánh giá trữ lượng, nhận định các yếu tố tác động đến môi trường. Sau đó phải chờ Sở Tài nguyên và Môi trường trình UBND tỉnh đồng ý cấp giấy phép khai thác khoáng sản thì doanh nghiệp mới được phép tiến hành khai thác.
Người dân chỉ nhiều tàu thuyền khai thác cát tại mỏ cát số 62 gây sạt lở đất canh tác |
Thế nhưng, Công ty CP Vĩnh An đã lợi dụng việc thăm dò đưa nhiều tàu thuyền, máy móc, công nhân vào điểm mỏ để thực hiện việc khai thác ồ ạt, trái phép. Không những làm thất thoát nguồn tài nguyên quốc gia mà còn khiến cho môi trường bị ô nhiễm, nguy cơ sạt lở đất canh tác của người dân là rất cao.
Trao đổi với phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường, ông Nguyễn Quốc Bình – Chủ tịch UBND xã Thiệu Thịnh cho biết: Mỏ cát số 62 của Công ty Vĩnh An đã hết hạn quyền khai thác từ tháng 6 năm 2017. Hiện tại công ty đã dừng khai thác và đang tiến hành thăm dò để làm thủ tục xin tỉnh gia hạn. Có một số tàu lén lút khai thác cát trái phép về đêm và gần sáng là có. Từ UBND xã ra đến điểm mỏ khoảng hơn 1km rất xa nằm ở khu vực bãi bồi nên anh em khó kiểm tra. Cách đây khoảng 10 ngày xã bắt được một tàu khai thác cát trái phép không có đăng ký, đăng kiểm, xử phạt 5 triệu đồng.
Công ty Vĩnh An ngày đêm rút ruột tài nguyên |
Khi phóng viên cho biết việc khai thác cát trái phép tại mỏ cát số 62 giữa ban ngày chứ không chỉ có về đêm và gần sáng thì ông Bình khẳng định là không có vì xã đã cử Công an xã túc trực kiểm tra thường xuyên tại điểm mỏ, nhưng khi phóng viên đưa ra những hình ảnh của việc khai thác cát trái phép thì ông Bình tỏ ra lúng túng và khẳng định những tàu thuyền đang khai thác cát tại đây là mỏ số 62. Tôi sẽ gọi cho công an xem ai túc trực hôm nay?.
Rất mong Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an tỉnh Thanh Hóa và UBND tỉnh Thanh Hóa nhanh chóng vào cuộc, kiểm tra làm rõ, xử lý nghiêm những cá nhân, tập thể để xảy ra sai phạm.
Tác giả: Tùng Minh
Nguồn tin: Báo Tài nguyên và Môi trường