Trong tỉnh

Thiệu Hóa, Thanh Hóa: Hàng trăm học sinh phải nghỉ học vì cầu bị nước cuốn trôi

Hơn 1.000 nhân khẩu, trong đó có trên 300 học sinh thuộc hai thôn Tiên Nông và Tiên Long (xã Thiệu Long, huyện Thiệu Hóa) vẫn phải hàng ngày đi qua cây cầu làm tạm bằng luồng trên sông Cầu Chày. Hiểm nguy luôn rình rập người dân mỗi khi phải lưu thông trên những cây cầu tạm này. Đặc biệt, đối với các học sinh, nguy cơ đuối nước luôn hiện hữu.

Để khắc phục cho việc đi lại, chính quyền xã Thiệu Long đã mua 500 cây luồng tạo thành chiếc bè để người dân sang sông. Ảnh: Ngọc Hưng

15 năm đi xin cầu…

Có mặt tại cây cầu làm bằng luồng tạm bợ bắc qua sông Càu Chày nối giữa hai thôn Tiên Nông và Tiên Long, chúng tôi không khỏi rùng mình bởi hiểm nguy luôn rình rập qua mỗi bước đi. Do không có cầu kiên cố nên chính quyền địa phương đã thuê người ghép khoảng 500 cây luồng tạo thành một bè mảng lắc lư trên sông. Trước đây, người dân khi qua sông đều bằng đò nhưng năm 1982 xảy ra vụ tai nạn thương tâm khiến 2 mẹ con chết đuối nên người dân và chính quyền địa phương làm cầu tạm bằng phao xi măng. Ngày 19/9, do ảnh hưởng của cơn bão số 10, nước sông dâng cao, chảy xiết đã bẻ gãy và nhấn chìm toàn bộ cây cầu. Sự cố trên gây thiệt hại rất lớn về kinh tế, ảnh hưởng lớn tới việc đi lại của người dân, nhất là các cháu học sinh.

Ông Lê Văn Dưỡng (ở thôn Tiên Nông) chia sẻ: “Người dân nơi đây thiết tha mong sao có một cây cầu kiên cố để con cháu đi lại thuận tiện và an toàn hơn. Hàng năm vào mùa mưa lũ nước dâng cao, người dân không thể đi lại được, thậm chí các cháu đều phải nghỉ học. Hàng ngày phải đưa đón cháu nội đến trường, mỗi lần hai ông cháu qua cầu là một lần run sợ, chỉ cần sơ xảy là bị rơi xuống sông”.

Ông Vũ Đình Huyền (ở thôn Tiên Long) cho biết thêm: “Suốt 15 năm qua, niềm khát khao mong mỏi của người dân có cây cầu kiên cố vẫn chỉ là ước mơ xa vời. Cuộc sống vốn khó khăn lại càng nghèo khổ hơn khi chúng tôi làm ra cân lúa, nuôi được con lợn muốn bán cũng vô cùng gian nan vì thương lái không dám vượt sông vào làng. Chỉ khi vào mùa cạn thì đi lại dễ dàng hơn một chút, còn đến mùa mưa đi lại khổ sở và nguy hiểm vô cùng. Có tháng chỉ đi lại được khoảng 20 ngày, số ngày còn lại nước dâng cao, không thể qua sông được nên các cháu học sinh phải nghỉ học. Khổ nhất là những người ốm đau, sinh đẻ, phải đi cấp cứu nếu gặp phải hôm nước dâng cao. Khi đó, chúng tôi cũng đành chịu trận, cầu mong nước mong rút”.

Mòn mỏi chờ đợi

Ông Lê Văn Ngữ, Trưởng thôn Tiên Nông cho biết, cả thôn Tiên Nông có hơn 300 nhân khẩu trong đó có 150 học sinh các cấp. Vừa qua, cây cầu tạm bị nước lũ nhấn chìm, toàn thôn bị cô lập hoàn toàn mất hơn 10 ngày, công việc ngưng trệ, mọi giao thương không thể đi lại. Ngày 28/9, do con cháu nghỉ học quá lâu, người dân hai thôn đã lên xã kiến nghị chính quyền có biện pháp khắc phục tạm thời để người dân đi lại. Trước nỗi niềm của người dân, chính quyền xã trích ngân sách làm cầu tạm bằng luồng. Về lâu dài, người dân mong muốn nhà nước đầu tư cho một cây cầu kiên cố. “Đã có những trường hợp học sinh bị ngã xuống sông, nhưng may các cháu mặc áo phao nên không nguy hiểm đến tính mạng. Chúng tôi mong chính quyền các cấp tạo điều kiện xây cho người dân một cây cầu kiên cố để mỗi khi mùa mưa đến, người dân không còn phải sống trong nỗi lo bị cô lập với bên ngoài nữa”, ông Ngữ mong mỏi.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Bé - Phó Chủ tịch UBND xã Thiệu Long cho biết: “Cây cầu là con đường duy nhất nhằm giao thương giữa hai thôn Tiên Long, Tiên Nông với trên 1.000 nhân khẩu ra bên ngoài. Trước kia, xã và huyện bỏ kinh phí làm cầu phao bằng xi măng nhưng cũng chỉ là giải pháp tình thế. Đặc biệt, trong trận bão vừa qua, nước dâng lên cao đã cuốn trôi cả cây cầu tạm này khiến việc đi lại của người dân bị tê liệt hoàn toàn. Những lúc nước to, chúng tôi phải đến từng nhà động viên phụ huynh mang con em qua bên xã gửi nhờ vào nhà anh em, bạn bè để việc học hành của các cháu không bị gián đoạn. Tuy nhiên giải pháp này không mang lại hiệu quả là bao. Sau khi nước cuốn cầu phao cũ xã trích ngân sách mua 500 cây luồng về làm cầu tạm cho người dân đi lại. Đây cũng chỉ là giải pháp tình thế, tạm thời. Về lâu dài, mong tỉnh, huyện hỗ trợ kinh phí mới có thể làm cầu kiên cố được”.

Ngày 26/9, UBND huyện Thiệu Hóa có Tờ trình số 563/TTr-UBND gửi UBND tỉnh Thanh Hóa về việc đề nghị hỗ trợ kinh phí khắc phục cầu phao qua sông Cầu Chày. Nội dung công văn thể hiện: “Do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 10 đã nhấn chìm và không thể khôi phục lại cây cầu phao, nhân dân và các cháu học sinh của hai thôn Tiên Nông, Tiên Long đã bị cô lập, không qua lại được. Do nguồn ngân sách huyện, xã còn gặp nhiều khó khăn. Nhằm phục vụ nhu cầu đi lại cho nhân dân sản xuất, sinh hoạt và đặc biệt là học sinh đến trường. Huyện kính đề nghị UBND tỉnh và các sở, ban, ngành xem xét, hỗ trợ. Trước mắt hỗ trợ kinh phí khôi phục lại cầu phao, về lâu dài hỗ trợ cầu tràn bê tông cốt thép”.

Tác giả: Ngọc Hưng

Nguồn tin: Báo Gia đình và Xã hội

  Từ khóa: Thiệu Hóa , thanh hóa

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok