Các thuyền hút cát luôn thường trực trên tuyến sông Chu đoạn chảy qua xã Thiệu Hợp. Ảnh: Gia Hân |
"Cát tặc" lộng hành
Chúng tôi có mặt tại khu vực nóng về tình trạng khai thác cát trái phép địa phận xã Thiệu Hợp (huyện Thiệu Hoá), các hộ dân dọc sông Chu cho biết, tình trạng các thuyền khai thác cát trái phép đoạn qua địa bàn xã đã diễn ra nhiều năm. Đặc biệt, những ngày gần đây, mưa bão, giông gió nhưng các đối tượng bất chấp pháp luật để moi móc tài nguyên. Khi người dân quay phim, chụp ảnh gửi đến các cơ quan báo chí "kêu cứu" thì bị chúng đe dọa, dằn mặt, ném chất bẩn vào nhà.
Đơn cử, ngày 19/8, ông Quản Hữu Vinh (trú tại thôn Quản Xá, xã Thiệu Hợp) sau khi dùng điện thoại di động ghi lại cảnh các thuyền cát đang sục vòi rồng vào sát chân đê để moi móc tài nguyên thì ngay tối hôm đó, khi cả nhà đang ngủ, nhiều đối tượng lạ đã ném chất bẩn vào nhà ông để cảnh cáo, kèm những lời lẽ xúc phạm. Chúng nẹt pô xe máy, rồ ga làm hoảng loạn trẻ nhỏ, gây mất trật tự trong khu dân cư.
Ông Vinh lo lắng: "Sự việc xảy ra khiến gia đình tôi bức xúc, lo lắng bởi các đối tượng khai thác cát trái phép rất manh động. Ngay sau khi sự việc xảy ra, tôi đã báo cáo lên UBND xã Thiệu Hợp và xã cũng đã báo cáo lên cơ quan công an huyện Thiệu Hóa. Ngày 24/8, lực lượng công an đã xuống lập biên bản, lấy lời khai của gia đình. Tuy nhiên, tối cùng ngày, các đối tượng côn đồ lại tiếp tục ném chất bẩn vào nhà tôi với tính chất manh động hơn".
Theo người dân, các đối tượng khai thác cát trái phép thường hoạt động vào ban đêm, lợi dụng lúc người dân đi ngủ và lực lượng chức năng mỏng. Bên cạnh đó, quá trình hoạt động của các mỏ cát này thường xuyên khai thác không đúng phạm vi, ranh giới của mình vì hiện tại trữ lượng cát tại lòng sông đã không còn nhiều như trước, thậm chí cát ở đây bị ảnh hưởng của vấn đề nhiễm mặn nên chất lượng thấp. Điều này đã khiến người dân địa phương không khỏi lo ngại vì đe dọa trực tiếp đến an toàn đê điều và gây hiện tượng xói lở trầm trọng diện tích đất nông nghiệp.
Thống kê cho thấy, toàn xã Thiệu Hợp có hơn 7 ha đất màu nằm ở ngoại vi đê, tuy nhiên trong 2 năm trở lại đây, do tác động của dòng chảy và nạn khai thác cát trộm, diện tích đất nói trên đã bị sụt giảm đi khoảng gần 1ha. Tình trạng sạt lở, gây mất đất sản xuất khiến người dân rất bức xúc. Đáng lo ngại hơn là việc họ cắm vòi vào hút cát ở sát chân đê. Nếu không có biện pháp mạnh để xử lý, tuyến đê xung yếu này có nguy cơ gặp họa vào mùa mưa lũ là điều sớm muộn.
Bất lực trong xử lý (?)
Ông Quản Trọng Liên - Phó Chủ tịch UBND xã Thiệu Hợp khẳng định, chính quyền xã không buông lỏng quản lý trong lĩnh vực này. Thậm chí, xã liên tục duy trì cắt cử lực lượng để bảo vệ, canh giữ không để các đối tượng khai thác cát ngoài phạm vi của mỏ. Đồng thời, phía UBND huyện Thiệu Hóa có chỉ đạo về cấp xã là giám sát các mỏ này, không để tình trạng hút trộm cát xảy ra. Nếu doanh nghiệp nào vi phạm thì UBND xã được quyền lập biên bản tạm giữ phương tiện…
Cũng theo ông Liên, để ngăn chặn triệt để thực trạng "cát tặc" là rất khó khăn bởi lực lượng mỏng, không chuyên trách, khó khăn về nguồn kinh phí duy trì hoạt động tuần tra, kiểm soát. "Cát tặc" khai thác tinh vi, lại thường vào đêm. Nếu có động tĩnh từ phía chính quyền thì các thuyền này lại chạy vào trong vị trí mỏ được cấp phép và "ẩn mình". Bên cạnh đó, khi lượng cát hút được lên thuyền dưới 6m3 thì theo quy định không đủ cơ sở để lập biên bản…
Ông Nguyễn Văn Phúc - Phó Chủ tịch UBND huyện Thiệu Hóa cho biết, các ban ngành chức năng huyện Thiệu Hóa đã làm rất sát sao, không nhân nhượng, nhưng để giải quyết được triệt để vấn đề thì rất khó. Hiện trên địa bàn huyện có tới 17 xã có sông và cát nên UBND huyện không thể làm thay các xã trong công tác quản lý, giám sát được. Quan trọng là chính quyền cấp cơ sở phải có phương án tại chỗ để ngăn ngừa vấn đề này. Chỉ tính từ đầu năm đến nay, UBND huyện Thiệu Hóa đã lập biên bản và xử lý hơn 20 vụ khai thác cát trái phép.
Cũng theo ông Phúc, nguồn kinh phí để hỗ trợ cho việc chống "cát tặc" gặp nhiều khó khăn. Năm 2018, UBND huyện đã phải chi ra vài tỷ đồng để hỗ trợ mua tàu thuyền ca nô cũng như kinh phí trực cho các xã. Còn năm nay kinh phí không có nên việc duy trì lực lượng chống "cát tặc" gặp nhiều khó khăn.
Tác giả: Gia Hân
Nguồn tin: giadinh.net.vn