Giáo dục

Thí điểm bỏ công chức, viên chức trong giáo dục: Ai sẽ trả lương cho giáo viên?

Đây là câu hỏi được PGS Văn Như Cương - Chủ tịch HĐQT Trường PTTH Lương Thế Vinh nêu ra liên quan tới vấn đề này.

PGS Văn Như Cương – Chủ tịch HĐQT trường PTTH Lương Thế Vinh băn khoăn trước vấn đề đảm bảo lương cho giáo viên (Ảnh: LĐ)

Theo PGS Văn Như Cương, hiện nay số lượng sinh viên sư phạm thất nghiệp là rất lớn. Tuy nhiên, có thực trạng là vùng thừa trầm trọng thì cứ thừa còn có những vùng lại thiếu; bộ môn này thừa nhưng bộ môn khác lại thiếu. Nhất là thiếu giáo viên tiếng Anh vùng sâu, vùng xa.

Có nhiều người đã đưa ra ý kiến, để giải quyết việc thừa thiếu giáo viên giữa các vùng miền thì cần bỏ công chức, viên chức, thay vào đó là chế độ hợp đồng và luân phiên giáo viên lên vùng khó khăn.

Đánh giá về ưu điểm của chủ trương, ông Cương cho rằng, việc bỏ công chức, viên chức sang chế độ hợp đồng có ưu điểm lớn nhất là để cho giáo viên phải luôn luôn nỗ lực, luôn luôn cố gắng để khẳng định chất lượng học sinh của mình và không được phép chểnh mảng.

“Chúng ta phải thẳng thắn thừa nhận với nhau, hiện nay có một bộ phận giáo viên không thực sự say mê với nghề, không tâm huyết, chỉ lên lớp cho có, hết giờ thì về nhà, không có trách nhiệm mà vẫn nhận lương. Chương trình ngày một đổi mới nhưng giáo viên lại không chịu học hỏi, tiếp thu, nâng cao trình độ mà quanh năm vẫn chỉ có một giáo án. Điều đó sẽ khiến giáo dục trở nên trì trệ hơn. Nay chúng ta thay bằng chế độ hợp đồng, buộc giáo viên phải “vận động” để được ký hợp đồng vào những năm tiếp theo”, ông Cương phân tích.

Tuy nhiên, nhìn về những khó khăn, PGS Văn Như Cương cho rằng, vấn đề đặt ra là khi không còn viên chức, công chức thì giáo viên hưởng lương từ đâu? Và ai sẽ là người quyết định kí tiếp hay chấm dứt hợp đồng lao động? Làm thế nào để tránh tình trạng hiệu trưởng lạm quyền trở thành “ông vua” trong trường. Đây là điều mà Bộ GDĐT cần có những tính toán kĩ lưỡng, khi triển khai phải có lộ trình rõ ràng và phải đồng bộ. Bởi lẽ, nếu không thực hiện một cách đồng bộ, số giáo viên kém chất lượng, không có hợp đồng quá nhiều, không biết làm gì cũng ảnh hưởng đến xã hội.

Tác giả: Huyền Nguyễn

Nguồn tin: Báo Lao động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok