Mới đây, Sở GD&ĐT TPHCM có văn bản trả lời Tòa án Nhân dân Quận 12, TPHCM liên quan đến vụ kiện dân sự giữa "thầy giáo cho học trò diễn cảnh nóng" và nhà trường sau khi nhận được yêu công văn từ tòa án.
Trước câu hỏi: "Nội dung hoạt cảnh "Quan âm Thị Kính" và "Bỉ vỏ" có phù hợp với mục đích giảng dạy ở bậc THPT không.
Phân cảnh bị cho là nhạy cảm trong cảnh thầy Đạt cho học sinh tái diễn tác phẩm văn học (Ảnh cắt từ clip) |
Sở GD&ĐT TPHCM thông tin, tác phẩm "Quan âm Thị Kính" thuộc bài đọc thêm trong chương trình Ngữ văn lớp 7, còn "Bỉ vỏ" không nằm trong chương trình giảng dạy ở THPT.
Căn cứ vào thông tư 12/2011 của Bộ GD&ĐT về điều lệ trường THCS, THPT và trường phổ thông nhiều cấp học thì các hoạt động sân khấu hóa tác phẩm văn học như trường hợp này, theo Sở có thể thuộc hoạt động ngoại khóa trong nhà trường.
Hoạt động ngoại khóa môn Ngữ Văn nói riêng và các môn học nói chung phải được nhà trường, tổ bộ môn xây dựng kế hoạch, mục tiêu cụ thể, khoa học, phù hợp tình hình đơn vị và đạt được hiệu quả giáo dục cao nhất.
Đối với bộ môn Ngữ Văn hình thức, nội dung các hoạt động ngoại khóa rất đa dạng, phong phú. Và việc sân khấu hóa các tác phẩm văn học là một trong nhiều hình thức của hoạt động ngoại khóa.
Việc quản lý các hoạt động chuyên môn nói chung, hoạt động ngoại khóa nói riêng căn cứ trên kế hoạch được tổ bộ môn xây dựng và Hiệu trưởng nhà trường phê duyệt.
Trong trường hợp này, nếu xét ở góc độ hoạt động ngoại khóa, theo Sở phải xem xét kế hoạch tổ chức, nội dung, mục đích cụ thể của hoạt động này mà tổ bộ môn, nhà trường đã xây dựng và hiệu trưởng nhà trường duyệt thì mới có đủ căn cứ trả lời "có phù hợp với mục đích giảng dạy ở bậc phổ thông trung học hay không".
Trước đó, đầu năm 2019, Hiệu trưởng Trường THPT Võ Trường Toản ký quyết định kỷ luật 01, kỷ luật viên chức đối ông Phạm Quốc Đạt, giáo viên Văn của trường với hình thức cảnh cáo.
Đồng thời, ông Đạt cũng bị tạm đình chỉ công tác giảng dạy, công tác chủ nhiệm chuyển sang làm công tác kiêm nhiệm khác cho nhà trường. Thời gian thi hành kỷ luật là 12 tháng.
Quyết định này, theo nhà trường có liên quan đến nhiều sai phạm của ông Đạt. Trong đó có sự việc hoạt động sân khấu hóa môn Văn của học sinh lớp thầy Đạt phụ trách, các em diễn kịch tái hiện một số tác phẩm như "Quan âm Thị Kính", "Bỉ vỏ" có cảnh "nhạy cảm", theo nhà trường là phản cảm, gây ảnh hưởng xấu.
Ông Phạm Quốc Đạt cùng người đạt diện pháp lý trong phiên tòa giữa tháng 7/2020. |
Không chấp nhận quyết định kỷ luật này, ông Phạm Quốc Đạt khởi kiện nhà trường và yêu cầu đền bù gần 136 triệu đồng.
Qua hai phiên tòa diễn ra vào giữa tháng 7/2020, vụ án dân sự này vẫn chưa có kết luận cuối cùng.
Phiên tòa phải tạm ngưng để chờ bên thứ ba có chuyên môn xác minh việc sân khấu hóa tác phẩm văn học của ông Phạm Quốc Đạt có phù hợp không với mục đích giảng dạy hay không?
Tại phiên tòa lúc đó, bên thứ ba được đưa ra để lấy ý kiến là Sở GD&ĐT TPHCM.
Tuy nhiên, ông Phạm Quốc Đạt phản đối, đề xuất thứ ba phải là nơi có chuyên môn về nghệ thuật, điện ảnh như Sở Văn hóa Thể thao hoặc Trường Sân khấu Điện ảnh thì mới có thể đánh giá việc cho học trò tái hiện tác phẩm văn học của mình có như cáo buộc từ nhà trường là thô tục, gây ảnh hưởng xấu hay không.
Tác giả: Hoài Nam
Nguồn tin: Báo Dân trí