Trong tỉnh

Thanh Hóa xử lý hàng loạt sai phạm trên đất nông nghiệp

Hàng loạt sai phạm trong việc sử dụng đất nông nghiệp ở Thanh Hoá đã được ngành chức năng, địa phương kiểm tra, phát hiện.

Nhà xây trên đất nông nghiệp tại phường Bắc Sơn, thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa


Tại phạm vi đất quản lý của 8 Ban quản lý rừng phòng hộ có 646 trường hợp xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp với tổng diện tích hơn 60.000 m2. Trong đó, xây dựng công trình trái phép trên đất trồng cây hằng năm là 14.160 m2, đất cây trồng lâu năm là 1.531 m2, đất lâm nghiệp là 43.938 m2, đất nông nghiệp khác là 450 m2.

Theo UBND tỉnh Thanh Hóa, việc quản lý sử dụng đất tại các nông, lâm trường thời gian qua chưa hiệu quả. Diện tích đất quản lý, sử dụng thực tế và hồ sơ sổ sách còn sai khác lớn, làm lãng phí tài nguyên đất, giảm hiệu quả sử dụng đất đai. Nhiều đơn vị khoán trắng, không quản lý chặt chẽ quá trình sử dụng đất sau khi giao khoán, để xảy ra tình trạng người nhận khoán đất tự do chuyển nhượng, mua bán hợp đồng giao khoán, chuyển mục đích sử dụng đất trái pháp luật…

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, trong đó có lý do nhận thức của một bộ phận cán bộ còn hạn chế, chưa quyết liệt trong việc xử lý các vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai. Các trường hợp vi phạm tại 8 Ban quản lý rừng phòng hộ đang được UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo, giao các huyện lập hồ sơ xử lý dứt điểm.

Tại huyện Hoằng Hóa phát hiện 51 trường hợp vi phạm xây dựng các công trình trái phép trên đất nông nghiệp. Cụ thể, 32 trường hợp xây dựng công trình vi phạm trước thời điểm 1/7/2014 được yêu cầu tháo dỡ hoặc cam kết giữ nguyên hiện trạng khi Nhà nước thu hồi thì không được bồi thường, hỗ trợ hoặc xem xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nếu đủ điều kiện theo quy định. Với 19 trường hợp sau thời điểm trên, yêu cầu phá dỡ các công trình vi phạm…

Ông Lê Thanh Hải, Chủ tịch UBND huyện Hoằng Hóa, cho biết, nhằm hạn chế những sai phạm trên đất nông nghiệp, huyện triển khai nhiều giải pháp như công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được duyệt; xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu địa phương và cán bộ phụ trách khi để vi phạm tái diễn mà không có biện pháp ngăn chặn, xử lý…

Tình trạng vi phạm trên đất nông nghiệp kéo dài cũng xảy ra ở nhiều địa phương khác của Thanh Hóa như thị xã Bỉm Sơn, thị xã Nghi Sơn, huyện Bá Thước… Liên quan vấn đề này, ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, vừa có ý kiến chỉ đạo, giao Sở TN&MT chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan tổng hợp, xác định đúng thực trạng, phản ánh đầy đủ, toàn diện thông tin, số liệu cụ thể về tình hình sử dụng đất nông nghiệp của toàn tỉnh để xử lý nghiêm các vi phạm.

Tác giả: Hoàng Lam

Nguồn tin: Báo Tiền phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok