Giáo dục

Thanh Hóa: Tuyệt đối không dạy thêm với học sinh tiểu học

Để chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa vừa có văn bản yêu cầu các phòng giáo dục, các trường tiểu học trên địa bàn thực hiện tốt một số nhiệm vụ trong đó tuyệt đối không dạy thêm với học sinh tiểu học.

Theo đó, bà Phạm Thị Hằng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa đã ký văn bản 3268/SGDĐT-GDTH nêu rõ: Tiếp tục chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16/5/2012 của Bộ GDĐT quy định về dạy thêm, học thêm; Quyết định số 2381/2012/QĐ-UBND ngày 27/7/2012 của Chủ tịch UBND tỉnh quy định về dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá; Chỉ thị số 5105/CT-BGDĐT ngày 03/11/2014 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về việc chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm đối với giáo dục tiểu học; Công văn số 879/SGDĐT-QLĐT&GDTX ngày 18/4/2019 của Sở GD&ĐT về việc hướng dẫn thực hiện Thông tư số 04/2014/TT-BGDĐT ngày 28/02/2014 của Bộ GD&ĐT trong các cơ sở giáo dục.

Ảnh minh họa

Tăng cường quản lý chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm. Tuyệt đối không dạy thêm đối với học sinh tiểu học. Các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kĩ năng sống thực hiện theo đúng quy định hiện hành.

Tiếp tục nâng cao về số lượng và chất lượng dạy học 2 buổi/ngày; học sinh hoàn thành nội dung học tập tại lớp; không giao bài tập về nhà cho học sinh lớp 1 và những học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.

Đối với Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cấp tiểu học, các nhà trường xây dựng kế hoạch giáo dục thực hiện chương trình lớp 1 theo hướng phân bổ hợp lý về nội dung và thời lượng dạy học giữa các môn học, hoạt động giáo dục để không gây quá tải, đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện chương trình mới được xây dựng theo hướng mở; giúp học sinh hoàn thành nhiệm vụ học tập ngay tại lớp học.

Thời khóa biểu cần bảo đảm tỷ lệ hợp lý giữa các môn học và hoạt động giáo dục, phân bổ hợp lý về thời lượng, thời điểm trong ngày học và tuần học phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi học sinh tiểu học, đặc biệt là học sinh lớp 1.

Thực hiện lựa chọn, sử dụng SGK trong danh mục SGK được Bộ GD&ĐT ban hành. Yêu cầu tuyệt đối không được ép buộc học sinh phải mua tài liệu tham khảo. Các trường phải cung cấp kịp thời, đầy đủ thông tin về tài liệu tham khảo sử dụng tại trường cho học sinh và phụ huynh biết để tự lựa chọn...

Tác giả: Duy Tuyên

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok