Giáo dục

Thanh Hóa tuyển bổ sung hơn 2.600 biên chế vẫn thiếu giáo viên

Mặc dù được bổ sung tuyển hơn 2.600 biên chế, nhưng các huyện, thị xã, thành phố ở Thanh Hóa vẫn nan giải về vấn đề thiếu giáo viên.

Thầy và trò Trường Tiểu học Thanh Xuân, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa trong giờ sinh hoạt ở thư viện xanh. Ảnh: TL

Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Thanh Hoá vừa thông qua Nghị quyết về việc phê duyệt bổ sung biên chế sự nghiệp giáo dục (GD) mầm non và phổ thông công lập của tỉnh năm 2024.

Theo đó, nghị quyết của HĐND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt bổ sung biên chế sự nghiệp GD mầm non và phổ thông công lập cho UBND các huyện, thị xã, thành phố và Sở GD&ĐT năm 2024 của tỉnh này là 2.654 biên chế.

Trong đó, 1.356 biên chế mầm non; 845 biên chế tiểu học; 332 biên chế THCS; 93 biên chế THPT; biên chế dự phòng là 28 người (giao UBND tỉnh thực hiện cho UBND TP Thanh Hóa sau khi tiếp nhận Trường Tiểu học Hermann Gmeiner Thanh Hoá về địa phương quản lý).

Các địa phương được bổ sung biên chế nhiều, như: Thị xã Nghi Sơn (104 biên chế tiểu học, 81 mầm non, 24 biên chế THCS); huyện Quảng Xương (100 biên chế mầm non, 53 biên chế tiểu học, 15 biên chế THCS); huyện Hoằng Hoá (106 biên chế mầm non, 62 biên chế tiểu học; 23 biên chế THCS); TP Thanh Hoá (68 biên chế mầm non, 135 biên chế tiểu học, 45 biên chế THCS)...

HĐND tỉnh Thanh Hoá giao UBND tỉnh này tổ chức triển khai đúng quy định, thường xuyên thanh tra, kiểm tra việc tuyển dụng, tiếp nhận, quản lý, sử dụng viên chức.

Như Báo GD&TĐ đã đưa tin, theo Sở GD&ĐT Thanh Hóa, năm học 2023-2024, tổng số giáo viên (GV) trong biên chế hiện có ở các cấp học của tỉnh này là 40.431 người.

So với định mức quy định của tỉnh còn thiếu 6.884 GV. Trong đó: GV môn Tiếng Anh thiếu 277 người; GV Tin học thiếu 680 người; GV Âm nhạc thiếu 12 người, GV mỹ thuật thiếu 209 người...

Ngày 12/12/2023, tại kỳ họp thứ 17, khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021-2026, HĐND tỉnh Thanh Hóa đã thống nhất ban hành Nghị quyết bổ sung 3.840 chỉ tiêu hợp đồng GV theo quy định tại Nghị định số 111/2022/NĐ-CP ngày 30/12/2022 của Chính phủ. Trong đó, Mầm non: 960 chỉ tiêu; Tiểu học: 1.152 chỉ tiêu; Trung học cơ sở: 1.422 chỉ tiêu và Trung học phổ thông là 306 chỉ tiêu.

Thầy và trò Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) trong giờ học. Ảnh: TL

Trao đổi với Báo GD&TĐ, bà Vũ Thị Thanh Vân, Trưởng phòng GD&ĐT thị xã Nghi Sơn (Thanh Hóa) cho biết, hiện nay ngoài số lượng GV biên chế, địa phương này còn có 241 chỉ tiêu hợp đồng theo Nghị định số 111/2022/NĐ-CP của Chính phủ đang triển khai thực hiện.

Tuy nhiên, có 3 vấn đề mà bà Vân trăn trở, đó là, GV phổ thông thiếu nhiều, nhưng lại được tỉnh bổ sung chỉ tiêu ít. Còn GV mầm non thiếu ít, thì lại được giao bổ sung nhiều chỉ tiêu. Đối với cấp tiểu học, thì chắc chắn là thiếu nguồn để hợp đồng, tuyển dụng.

Một vấn đề nữa là, hiện nay địa phương này đang thu hồ sơ hợp đồng theo Nghị định số 111/2022/NĐ-CP của Chính phủ, nhưng bây giờ có thông báo của tỉnh về tuyển dụng biên chế, thì số GV đã nộp hồ sơ hoặc xét được hợp đồng rồi sẽ quay qua làm hồ sơ tuyển dụng. Như vậy, địa phương sẽ phải xét bổ sung lại lao động hợp đồng.

"Lẽ ra, tỉnh nên giao đồng thời 2 cả biên chế và hợp đồng theo Nghị định số 111/2022/NĐ-CP của Chính phủ luôn. Như vậy, địa phương sẽ thực hiện thu hồ sơ xong xét tuyển viên chức, nếu ai không trúng tuyển biên chế, thì ký hợp đồng theo Nghị định số 111/2022/NĐ-CP của Chính phủ, sẽ là thuận lợi hơn", bà Vân chia sẻ.

Cũng theo bà Vân, hiện tại, Sở Nội vụ chưa có quyết định giao chỉ tiêu biên chế của Chủ tịch UBND tỉnh, nên địa phương vẫn phải thực hiện xét tuyển hợp đồng theo Nghị định số 111/2022/NĐ-CP của Chính phủ trước. Bởi lẽ, để thực hiện được thủ tục tuyển biên chế, thì cũng phải mất thời gian cả tháng.

Thế nên, để giải quyết trước mắt, thì các địa phương trong tỉnh sẽ thực hiện tuyển hợp đồng theo Nghị định số 111/2022/NĐ-CP của Chính phủ, để kịp bổ sung GV cho các trường. Lúc nào có thủ tục tuyển biên chế, thì những hợp đồng theo Nghị định số 111/2022/NĐ-CP của Chính phủ sẽ làm đơn, hồ sơ dự tuyển. Sau khi họ trúng tuyển, địa phương lại tiếp tục hợp đồng lao động bổ sung vào các vị trí đã trống.

“Giả sử, có đủ nguồn để tuyển dụng và hợp đồng, thì thị xã Nghi Sơn vẫn thiếu khoảng hơn 300 GV mầm non và phổ thông nữa. Nhưng thực tế, chắc chắn không đủ nguồn giáo viên mới để tuyển”, bà Vân chia sẻ.

Tác giả: Thế Lượng

Nguồn tin: giaoducthoidai.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok