Mua bán rầm rộ đất nông trường
Nông trường Thạch Quảng được thành lập năm 1972, tiền thân gọi là Nông trường thanh niên 26/3, sau này đổi thành tên là Nông trường Thạch Quảng, trực thuộc Công ty TNHH MTV Cao su Thanh Hóa. Tổng diên tích Nông trường đang quản lý là: 1.326,62 ha. Ngành nghề cây chủ lực: Trồng, chăm sóc, khai thác mủ cao su đại điền; một số diện tích trồng cây mía, màu, cây ăn quả… Tổng số hộ nhận khoán: 480 hộ.
Với mục đích phát triển kinh tế, đặc biệt là trong sản xuất nông nghiệp. Hàng chục năm qua Nông trường Thạch Quảng đã đóng góp không nhỏ cho phát triển kinh tế, đặc biệt là các hộ nhận giao khoán của nông trường được trực tiếp thụ hưởng.
Thế nhưng, trước nhu cầu đất ở, đất kinh doanh; nhiều hộ dân nhận giao khoán đã cố tình vi phạm các quy định của pháp luật về quản lý đất đai. Mặc dù hợp đồng giao khoán đất sử dụng vào mục đích trồng cây hằng năm, nhưng hàng chục hộ dân ở Nông trường Thạch Quảng đã tự ý chuyển nhượng đất trái phép, đổ đất san lấp, xây dựng nhà kiên cố để ở và kinh doanh dọc đường mòn Hồ Chí Minh đoạn qua xã Thạch Quảng, Thạch Lâm và Thành Mỹ.
Tình trạng chuyển nhượng đất nông nghiệp diễn ra công khai giữa người dân cũng như trên các sàn giao dịch bất động sản. Không khó để tìm thấy các thông tin rao bán đất Nông trường Thạch Quảng bám đường mòn Hồ Chí Minh trên các trang bất động sản như : Mua bán nhà đất Thanh Hóa, Mua bán nhà đất Thanh Hóa 36…
Mua bán đất nông trường Thạch Quảng diễn ra công khai trên các trang mua bán bất động sản |
Theo thông tin của người dân xã Thạch Quảng cho biết: Tình trạng mua bán đất diễn ra nhộn nhịp nhất vào dịp gần tết âm lịch vừa qua. Giá chuyển nhượng dao động từ 14-20 triệu đồng/1m chiều ngang bám đường mòn Hồ Chí Minh. Việc mua bán là do người có đất nhận giao khoán tự thỏa thuận với người mua và có giấy viết tay.
Thực tế, người dân xã Thạch Quảng cho biết, giá đất thổ cư bám đường mòn Hồ Chí Minh đang dao động từ 400-500 triệu/1m chiều ngang. Vì vậy, một số người dân thiếu hiểu biết, với tâm lý ham rẻ đã vội vàng mua lại đất của các hộ được nhận khoán mà không am hiểu các quy định của pháp luật.
Trước cơn sốt đất diễn ra trên cả nước, đặc biệt là tỉnh Thanh Hóa nơi có nhiều dự án lớn đang chuẩn bị đầu tư. Không nằm khỏi guồng quay, đất tại Nông trường Thạch Quảng tăng giá chóng mặt, lợi nhuận phi mã. Một số trang bất động sản đang rao bán 100 triệu/1m chiều ngang.
Liên tục gia tăng tình trạng vi phạm
Tình trạng vi phạm chuyển nhượng, san lấp, xây dựng trái phép ở Nông trường Thạch Quảng diễn ra trên địa bàn 3 xã: Thạch Quảng, Thạch Lâm, Thành Mỹ. Trong đó xảy ra nhiều nhất ở xã Thạch Quảng.
Ông Trương Ngọc Sơn – Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Cao su Thanh Hóa cho biết: Tình trạng chuyển nhượng, san lấp, xây dựng trái phép ở Nông trường Thạch Quảng diễn ra rất phức tạp, vượt qua tầm kiểm soát của công ty. Ngày 8/12/2020 Công ty đã phối hợp với chính quyền 3 xã kiểm đếm có 38 hộ vi phạm, lập biên bản hiện trường . Sau đó chính quyền xã đã xử lý vi phạm hành chính, nhiều vụ việc vượt quá thẩm quyền đã báo cáo huyện xử lý theo quy định. Tuy nhiên, sau khi đoàn kiểm tra rời đi, các trường hợp vi phạm liên tục gia tăng, đặc biệt lợi dụng thời điểm chuẩn bị bầu cử, dịch COVID-19. Giờ trên Thạch Quảng mua bán, ở như một phố, công khai coi thường pháp luật.
“UBND huyện Thạch Thành đã triệu tập nhiều cuộc họp, để tìm phương án tháo gỡ, mà trực tiếp là ông Phạm Đình Minh - Chủ tịch UBND Thạch Thành chủ trì. Hiện huyện và công ty đều đã có báo cáo gửi tỉnh để xin ý kiến chỉ đạo – ông Sơn thông tin.
Đất Nông trường Thạch Quảngdọc đường mòn Hồ Chí Minh bị san lấp, xây dựng trái phép |
Trước câu hỏi liên quan tới việc chấm dứt hợp đồng giao khoán đối với các hộ vi phạm, ông Nguyễn Hữu Thành – Trưởng phòng Hành chính quản trị, Công ty TNHH MTV Cao su Thanh Hóa cho biết: Công ty đã ký hợp đồng ủy quyền cho Công ty luật 36 xử lý vụ việc. Một là tiến hành thanh lý, chấm dứt hợp đồng đối với các hộ vi phạm. Hai là chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra đối với các hộ có dấu hiệu chuyển nhượng trái phép. Theo thông tin nắm được, như trường hợp ông Ngô Gia Ba (người nhận giao khoán với nông trường) đã chuyển nhượng trái phép cho hơn 60 hộ, nhiều hộ đã đổ đất san lấp.
Theo Biên bản kiểm tra hiện trạng sử dụng đất ngày 13/12/2020 phối hợp giữa UBND Thạch Quảng, Công ty TNHH MTV Cao su Thanh Hóa, Nông trường Thạch Quảng đối với hộ gia đình bà Nguyễn Thị Hồng. Nội dung biên bản nêu: Tại hiện trường thửa đất bà Nguyễn Thị Hồng đang sử dụng đã san lấp mặt bằng trên đất sản xuất nông nghiệp, diện tích san lấp 435,5m2. Vị trí san lấp mặt bằng thuộc thửa đất số 42, tờ bản đồ số 3 bản đồ giải thửa Nông trường Thạch Quảng. Mục đích sử dụng là đất trồng cây hàng năm. Nguồn gốc sử dụng đất: đất Nông trường Thạch Quảng quản lý giao khoán cho hộ gia đình ông Lê Đức Duyên theo hợp đồng số 16/2012/HĐK-CSTH ký ngày 15/5/2012.
Theo bà Nguyễn Thị Hồng: Năm 2020 bà nhận chuyển nhượng lại đất từ hộ gia đình ông Lê Đức Duyên với số tiền 255.000.000 đồng, có giấy tờ mua bán viết tay với nhau.
Dù trời mưa to, các ngôi nhà trái phép vẫn "thần tốc" được dựng lên |
Tình trạng vi phạm trên Nông trường Thạch Quảng không dừng lại mà tiếp tục gia tăng. Trong khi đó, chính quyền không kiểm soát được?
Theo báo cáo mới nhất của UBND xã Thạch Quảng, đến cuối tháng 3, đầu tháng 4 năm 2021 tại Nông trường Thạch Quảng có 7 hộ phát sinh san lấp mặt bằng, xây dựng trái phép trên đất sản xuất nông nghiệp. Đến nay tại Đội I Nông trường Thạch Quảng có 36 trường hợp san lấp mặt bằng, xây dựng công trình trái phép. UBND xã Thạch Quảng đã ban hành 30 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính, UBND huyện ban hành 6 quyết định. Hiện mới có 9 hộ chấp hành việc nộp phạt vi phạm hành chính, chưa có hộ nào khắc phục hậu quả sau vi phạm.
Việc chuyển nhượng, san lấp, xây dựng trái phép ở Nông trường Thạch Quảng diễn ra công khai, rầm rộ và có hệ thống. Thế nhưng, dư luận hoài nghi vì sao việc ngăn chặn, xử lý không quyết liệt từ các ngành chức năng. Để rồi vẫn gia tăng các trường hợp vi phạm?
Báo Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thông ti
Tác giả: Thanh Tâm
Nguồn tin: baotainguyenmoitruong.vn