Trong tỉnh

Thanh Hóa: Tình trạng ép giá, ép khách ở Sầm Sơn có biểu hiện phát sinh

Từ ngày 20/4 đến 31/7/2018, cơ quan chức năng TP Sầm Sơn (Thanh Hóa) đã xử lý 183 vụ vi phạm hành chính với 190 hành vi vi phạm, trong đó có 119 hành vi vi phạm về giá, 41 hành vi vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm. Tổng số tiền phạt là hơn 369 triệu đồng.

Theo tìm hiểu của phóng viên, trong số 25 vụ xử phạt vi phạm hành chính theo đường dây nóng, có 9 vụ có hành vi chèo kéo, ép buộc khách du lịch gồm: Khách sạn Phương Thảo, địa chỉ 52 Tống Duy Tân, phường Bắc Sơn; Khách sạn Quang Vinh, địa chỉ đường Bà Triệu, phường Bắc Sơn; Nhà nghỉ Thanh Lâm, địa chỉ đường Lê Hoàn, phường Trường Sơn; Khách sạn Thuỳ Dương I, địa chỉ số 7 Tô Hiến Thành, phường Trường Sơn; Khách sạn Biển Đợi II, địa chỉ đường Nguyễn Văn Cừ, phường Bắc Sơn; Xe điện BS: 415 VC của bà Cao Thị Lắm; Nhà nghỉ Việt Linh, địa chỉ số 61 đường Hồ Xuân Hương phường Bắc Sơn; Nhà nghỉ Thành Đại, địa chỉ số nhà 15 Lê Lai, phường Bắc Sơn; Khách sạn Khang, địa chỉ số 32 Nguyễn Văn Cừ, phường Bắc Sơn. Có 2 vụ kinh doanh hải sản gian lận trong đo lường (phương tiện đo lường thiếu) gồm: Hải sản Tiến Lý, địa chỉ 47 Lê Thánh Tông, phường Bắc Sơn; Hải sản số 26 Lê Thánh Tông, phường Bắc Sơn.

Ngày 31/7/2018, báo cáo nhanh của Ban Chỉ đạo 389 thành phố Sầm Sơn về công tác quản lý thị trường, kết quả kiểm tra kiểm soát hoạt động xử lý theo đường dây nóng trong lĩnh vực thương mại, giá cả, vệ sinh an toàn thực phẩm, chấp hành pháp luật về thuế Hè năm 2018 cho biết: Ngày 25/5/2018, UBND thành phố Sầm Sơn đã thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, chống ép giá, ép khách và đảm bảo VSATTP Hè Sầm Sơn năm 2018.

Đơn của du khách phản ánh về tình trạng "chặt chém" ở Sầm Sơn

Từ ngày 20/7 - 31/7/2018, đoàn đã kiểm tra 225 vụ, xử lý 183 vụ với 190 hành vi vi phạm, trong đó vi phạm hàng cấm, hàng nhập lậu: 3 hành vi; vi phạm về giá: 119 hành vi; vi phạm về phương tiện đo lường: 5 hành vi; vi phạm về VSATTP: 41 hành vi... Tổng số tiền phạt vi phạm hành chính là: 369.675.000 đồng.

Báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 thành phố Sầm Sơn cũng cho thấy: “Tình trạng ép giá, ép khách, ép ăn, ép ở tại các khách sạn, nhà nghỉ có biểu hiện phát sinh; sử dụng phương tiện đo (cân thiếu) tại các đại lý kinh doanh hải sản vẫn còn diễn ra...; Tình trạng lơ khách hưởng chênh lệch giá cao trên các xe điện vẫn còn...”

Liên quan đến việc Báo Nhà báo & Công luận thông tin về việc 2 du khách phản ánh đến đường dây nóng của Chủ tịch UBND TP Sầm Sơn, cơ quan chức năng thành phố đã kiểm tra, xử phạt theo đúng quy định.

Đối với phản ánh của du khách Nguyễn Mạnh Hiền về việc bãi trông giữ xe do ông Vũ Văn Linh làm chủ, có địa chỉ: Đường Bà Triệu - khu phố Long Sơn, phường Bắc Sơn thu tiền một lượt gửi qua đêm là 50.000đ, cao hơn mức quy định của UBND tỉnh Thanh Hóa, Đoàn kiểm tra liên ngành 389 TP Sầm Sơn do Đội Quản lý thị truờng số 2 chủ trì tiến hành kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính và trình Chủ tịch UBND thành phố ra quyết định xử phạt ông Vũ Văn Linh với hành vi vi phạm: Cung ứng dịch vụ không đúng với mức giá do UBND tỉnh quy định, phạt tiền 20.000.000 đồng (Hai mươi triệu đồng). Ông Vũ Văn Linh buộc phải trả lại cho ông Nguyễn Mạnh Hiền số tiền là 26.000 đồng.

Giá gửi xe ở Sầm Sơn cao hơn nhiều so với quy định

Đối với trường hợp phản ánh của bà Nông Thị Mai ở Lạng Sơn, cơ quan chức năng TP Sầm Sơn đã yêu cầu khách sạn trả lại 1.000.000đ tiền đền bù chiếc tivi bị rơi vỡ cho khách (do không chứng minh được nguyên nhân rơi vỡ). Còn vấn đề giá cả, du khách phản ánh đắt và chất lượng của khách sạn 2 sao nhưng cơ sở vật chất tồi tàn theo giới thiệu của nhà xe là không có cơ sở để xử lý.

Trước đó, Báo Nhà báo & Công luận đã thông tin về 2 du khách phản ánh đến đường dây nóng của Chủ tịch UBND TP Sầm Sơn. Theo đó, bà Nông Thị Mai ở Lạng Sơn có đơn “tố” khách sạn Hải Phương ứng xử không đẹp với khách du lịch. Cụ thể: khi trả phòng ra về, phía khách sạn yêu cầu đoàn của bà Mai phải đề bù 1 chiếc ti vi cũ do bị rơi vỡ với số tiền 2.000.000 đồng. “Giằng co mãi, cuối cùng ông chủ bảo… chia đôi. Thế là đoàn tôi phải đền 1.000.000đ. Còn nữa 3 cái khăn tắm vắt trên lan can nhà nghỉ đen xì, tưởng khăn lau nhà, các cháu đem lau chân cũng bắt đền 300.000đ…” - đơn trình bày của bà Mai viết.

Ngoài ra, đường dây nóng của Chủ tịch UBND TP Sầm Sơn còn nhận được thông tin phản ánh của du khách Nguyễn Mạnh Hiền: Gửi xe ở bãi xe đường Bà Triệu, quản lý bãi xe thu 50.000đ/ngày đêm và mỗi lượt ra vào thu thêm 30.000đ. Người phản ánh thông tin cho rằng, quy định của UBND tỉnh Thanh Hóa về giá thu trông giữ xe thấp hơn nhiều.

Theo quy định của UBND tỉnh Thanh Hóa (tại Quyết định số 3352/QĐ-UBND ngày 7/9/2017) thì dịch vụ trông giữ xe được đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước có mức thu như sau: xe đạp 2.000 đồng/lượt gửi ban ngày (ban đêm 4.000 đồng); xe máy 4.000 đồng gửi ban ngày, ban đêm 6.000 đồng; xe ô tô con, xe ô tô điện 12.000 đồng/lượt gửi ban ngày và 18.000 đồng (ban đêm); ô tô từ 30 chỗ ngồi trở lên là 18.000 đồng (ban ngày), 30.000 đồng (ban đêm)...

Tác giả: Quang Trần

Nguồn tin: Báo Công luận

  Từ khóa: chặt chém , du khách , thanh hóa

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok