Theo đó, Giám đốc Sở Công thương cùng một số sở, ngành, địa phương liên quan sẽ có trách nhiệm làm rõ thực trạng, nguyên nhân và đưa ra những giải pháp căn cơ với lộ trình rõ ràng để thúc đẩy tiến độ đầu tư các CCN trên địa bàn tỉnh.
Nhiều cụm công nghiệp chưa phát huy hiệu quả
Theo thống kê của Sở Công thương tỉnh Thanh Hóa, hiện toàn tỉnh đã thành lập được 45 cụm công nghiệp (CCN) với tổng diện tích hơn 1.681ha, tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 11.934 tỷ đồng. Tuy nhiên đến nay, có 12 CCN chậm tiến độ đầu tư xây dựng hạ tầng, ảnh hưởng không nhỏ đến thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Theo ghi nhận của phóng viên, hạ tầng một số CCN trên địa bàn tỉnh còn thiếu và chưa đồng bộ, chưa có sẵn diện tích lớn và mặt bằng sạch để kêu gọi, thu hút các dự án đầu tư. Nguyên nhân chủ yếu do việc thực hiện các thủ tục về quy hoạch, đất đai, giải phóng mặt bằng (GPMB) chậm, nhiều khó khăn, vướng mắc kéo dài; năng lực của một số chủ đầu tư còn yếu, chưa tích cực triển khai dự án...
Điển hình, tại CCN Vĩnh Minh (huyện Vĩnh Lộc) đang được Công ty TNHH BNB Hà Nội đầu tư hạ tầng giai đoạn 1, với diện tích 12,7ha, đạt khoảng 30% kế hoạch. CCN này đang thực hiện GPMB để đầu tư xây dựng giai đoạn 2, nhưng hiện còn một số diện tích chưa GPMB được do các hộ dân chưa đồng thuận về giá bồi thường. Đại diện lãnh đạo Công ty TNHH BNB Hà Nội chia sẻ, việc chưa có mặt bằng sạch để triển khai dự án đã ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ đầu tư toàn bộ dự án và công tác thu hút nhà đầu tư thứ cấp vào CCN. Phía công ty đã nỗ lực phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền đẩy nhanh tiến độ và thực hiện tốt chính sách GPMB, an sinh xã hội. Công ty mong muốn sớm có đủ diện tích mặt bằng toàn bộ dự án để đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật.
Tại huyện Triệu Sơn, hiện có 2 CCN là CCN liên xã Dân Lý - Dân Lực - Dân Quyền và CCN Hợp Thắng đã thu hút được nhà đầu tư hạ tầng kỹ thuật, song tiến độ thực hiện đầu tư của 2 CCN này đang được đánh giá chậm do các dự án chưa hoàn thành thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa làm cơ sở thu hồi đất, GPMB để đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và thu hút các nhà đầu tư thứ cấp vào CCN. Đại diện lãnh đạo UBND huyện cho biết, UBND huyện đang tích cực đối thoại với các nhà đầu tư, giải quyết dứt điểm và kịp thời các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư. Đồng thời, vận dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách và các quy định của Nhà nước, của tỉnh để tập trung thực hiện bồi thường GPMB các dự án, sớm bàn giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư. Đối với những vấn đề ngoài thẩm quyền, huyện đang tích cực phối hợp với doanh nghiệp có đề xuất, kiến nghị gửi lên cấp trên.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Thanh Hóa Lê Tiến Lam, việc chậm tiến độ đầu tư các CCN đã để lại nhiều hệ lụy: giảm hiệu quả sử dụng đất, lãng phí tài nguyên đất của các địa phương; ảnh hưởng đến quá trình thu hút vốn đầu tư của tỉnh, nhất là vốn FDI. Việc chậm triển khai dự án tại các CCN cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân sinh sống trong phạm vi dự án, đặc biệt là cơ hội việc làm đối với các lao động địa phương.
Nhiều dự án đầu tư hạ tầng tại các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa chậm tiến độ. Ảnh: Minh Hiếu |
Làm rõ nguyên nhân, giải pháp và trách nhiệm
Để thúc đẩy tiến độ đầu tư các CCN, thời gian qua, UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo các sở, ban, ngành và các địa phương triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Cụ thể, UBND tỉnh yêu cầu chủ đầu tư tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ để hoàn thiện thủ tục đầu tư thực hiện dự án và tổ chức đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN; ký cam kết giữa chủ đầu tư với UBND cấp huyện về tiến độ bố trí vốn đầu tư và công tác GPMB, làm rõ trách nhiệm của mỗi bên nếu không thực hiện cam kết. Giao UBND cấp huyện chỉ đạo ban GPMB huyện hoàn thành đền bù GPMB diện tích CCN; hỗ trợ các chủ đầu tư trong quá trình lập hồ sơ thuê đất với Nhà nước; hỗ trợ các chủ đầu tư trong đầu tư xây dựng hạ tầng CCN khi có yêu cầu; tăng cường hỗ trợ các chủ đầu tư thu hút dự án thứ cấp đầu tư vào cụm...
Dù đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhưng thực tế tiến độ đầu tư các CCN trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa vẫn “ì ạch”. Theo đó, tại phiên họp thứ 23, Thường trực HĐND tỉnh Thanh Hóa đã quyết định 2 nội dung chất vấn tại Kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh khóa XVIII là: tiến độ đầu tư các CCN trên địa bàn tỉnh; kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Đây là hai vấn đề “nóng” đang được dư luận và cử tri quan tâm; cũng là những vấn đề “cấp thiết”, có ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện các mục tiêu tăng trưởng của tỉnh.
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Lê Tiến Lam khẳng định, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn lần này, Giám đốc Sở Công thương cùng một số sở, ngành, địa phương liên quan sẽ phải làm rõ thực trạng, nguyên nhân, xác định rõ trách nhiệm của từng cá nhân, đơn vị và đưa ra những giải pháp căn cơ với lộ trình rõ ràng để thúc đẩy tiến độ đầu tư các CCN trên địa bàn tỉnh, nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn từ thực tiễn, đáp ứng mong đợi của cử tri và nhân dân trong tỉnh.
Tác giả: Đào Cảnh
Nguồn tin: daibieunhandan.vn