Theo đó, UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo các huyện, thị, thành và các công ty khai thác công trình thủy lợi tập trung xây dựng “Kế hoạch phòng, chống hạn hán, thiếu nước và xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2019” gửi về Sở NN&PTNT trước ngày 30/11, để tổng hợp, theo dõi, chỉ đạo và báo cáo UBND tỉnh và Bộ NN&PTNT.
Cập nhật dự báo tình hình khí tượng thủy văn để kiểm tra, đánh giá và cân đối khả năng đáp ứng lượng nước của từng công trình đầu mối, như hồ, đập, trạm bơm trên địa bàn cho các nhu cầu sử dụng nước. Đặc biệt, khi xảy ra hạn hán thì phải ưu tiên nguồn nước phục vụ cho sinh hoạt, nước uống cho gia súc và nước tưới cho cây trồng lâu năm có giá trị kinh tế cao.
Xây dựng kế hoạch phòng, chống hạn hán, thiếu nước và xâm nhập mặn chi tiết, cụ thể đến từng tiểu vùng, để triển khai thực hiện hiệu quả, nhằm giảm tối thiểu mức thiệt hại.
Lập lịch tưới luân phiên cho tất cả các cấp kênh trong từng hệ thống tưới. Đồng thời, tuyên truyền, phổ biến công khai lịch tưới để người dân biết và thực hiện. Phối hợp với các cấp chính quyền của địa phương khác, để dẫn nguồn nước tưới theo phương châm “cao xa trước, thấp gần sau” nhằm tránh tình trạng tranh chấp nguồn nước trong thời kỳ cao điểm hạn hán.
Điều hòa nước hợp lý, tiết kiệm nhằm tránh tình trạng thất thoát hoặc lãng phí. Tăng cường công tác quản lý, vận hành, kiểm tra, giảm sát nhằm giảm tốn thất nước trên kênh. Sử dụng biện pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho lúa và cây trồng cạn. Tuyệt đối không tháo cạn nước trên kênh, ao, hồ… để thi công công trình vào dịp tết Nguyên đán cuối năm.
Trên cơ sở cân đối nguồn nước, xác định cụ thể vùng có nguy cơ bị hạn hán, thiếu nước, để có kế hoạch bố trí lịch thời vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý, hoặc dừng canh tác. Không gieo trồng đối với diện tích không đủ nguồn nước tươi.
Điều phối việc đóng, mở cống ở các cửa sông, cửa biển để giữ nguồn nước ngọt, ngăn nước mặn. Kiểm soát chặt chẽ độ mặn, để lấy nguồn nước tưới đảm bảo yêu cầu. Kịp thời áp dụng biện pháp xử lý nhiễm mặn ở các vùng triều.
Làm tốt công tác tu sửa, bảo dưỡng trạm bơm sẵn sàng phục vụ bơm nước tưới. Vào giờ thấp điểm, tăng cường bơm nước dự trữ vào đồng ruộng, để tránh tình trạng hạn hán giả tạo trong suốt vụ Đông Xuân 2018 – 2019.
Duy trì và có kế hoạch lắp đặt thêm các trạm bơm dã chiến, để chủ động bơm chuyền, bơm tiếp nước phục vụ tốt cho sản xuất nông nghiệp, dân sinh. Tổ chức huy động lực lượng toàn dân ra quân làm thủy lợi trên địa bàn từ nay đến hết ngày 15/12.
Chủ động bố trí nguồn kinh phí của địa phương và huy động các nguồn hợp pháp khác để thực hiện kế hoạch phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn. Trường hợp địa phương nào vượt quá khả năng, thì báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh xem xét.
Kênh đào dẫn nước từ hồ chứa Cửa Đạt phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa |
UBND tỉnh Thanh Hóa giao Sở NN&PTNT theo dõi sát diễn biến thời tiết, thủy văn, để kịp thời thông tin, cảnh báo và hướng dẫn các địa phương thực hiện biện pháp phòng, chống hạn hán và xâm nhập mặn. Tổng hợp và đề xuất nhu cầu hỗ trợ kinh phí thực hiện kế hoạch phòng chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn của các địa phương, để báo báo với Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, trình các bộ, ngành Trung ương hỗ trợ.
Sở Công thương chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan chỉ đạo các Nhà máy thủy điện có kế hoạch điều tiết nước hợp lý. Bên cạnh đó, Sở Công thương chỉ đạo ngành điện lực phải luôn đảm bảo cấp điện 24h/ngày, để chủ động bơm tưới khi có điều kiện về nguồn nước.
Sở TN&MT tập trung chỉ đạo triển khai công tác đo mặn từ ngày 01/12 và tăng cường dự báo, cung cấp thông tin cho các địa phương, các cơ quan liên quan, để thực hiện các biện pháp phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn có hiệu quả thiết thực.
Ông nguyễn Đình Xứng, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các địa phương và các ngành, đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện nghiêm túc chỉ đạo nêu trên, nhằm đảm bảo giành thắng lợi toàn diện trong sản xuất nông nghiệp năm 2019.
Tác giả: Văn Cương - Xuân Sơn
Nguồn tin: Báo Kinh tế nông thôn