Giáo dục

Thanh Hóa: Buồn vui sau bục giảng của cô giáo hơn 30 năm gắn với sự nghiệp trồng người

Dù có một hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, chồng qua đời sớm, một mình phải chăm sóc người con bị tật nguyền thế nhưng hơn 30 năm qua, cô Nguyễn Thị Hằng (Trường Tiểu học Điện Biên 1, TP Thanh Hóa) luôn hoàn thành nhiệm vụ, nhiều năm liên tục là giáo viên giỏi cấp tỉnh, là tấm gương về nghị lực sống phi thường. Bao thế hệ học trò đi qua, đều nhớ và biết ơn người mẹ thứ hai này.

Không những dạy chữ mà còn làm mẹ

Tôi tình cờ biết đến cô giáo Nguyễn Thị Hằng qua câu chuyện của những học sinh cũ của cô. Dù đã mấy chục năm qua, dù nhiều thế hệ học trò của cô giờ đã có gia đình thế nhưng họ vẫn không quên người mẹ thứ hai này.

Ngay khi tốt nghiệp trường Cao đẳng Sư phạm, cô Hằng (SN 1964) được phân công về dạy tại trường Tiểu học Điện Biên (sau này trường tách thành hai trường tiểu học thì cô được về dạy Trường Tiểu học Điện Biên 1). Với thâm niên 34 năm gắn với sự nghiệp “trồng người” thì cũng chừng ấy năm cô được nhà trường tin tưởng giao cho dạy học sinh lớp 1 - lớp học được coi là phức tạp nhất bậc tiểu học.

Để dạy lứa học trò đầu tiên của bậc tiểu học là một việc không hề đơn giản. Làm sao để trò học giỏi đã là khó nhưng để trò nghe lời cô và ngoan lại là việc còn khó hơn rất nhiều. Thế nhưng, bằng tình thương của người mẹ, bằng kinh nghiệm thực tế và những phương pháp đặc biệt, lứa học trò nào của cô Hằng không những đứng đầu về chất lượng mà còn đứng đầu về nề nếp.

Với cô Hằng, dạy học sinh lớp 1 ngoài dạy chữ còn phải làm mẹ.

Cô giáo Hằng tâm sự: “Khối 1 là khối lớp quan trọng nhất ở bậc tiểu học, là nền tảng giáo dục đạo đức và kiến thức cho học sinh. Sự thay đổi môi trường học tập từ mầm non lên tiểu học với nhiều bỡ ngỡ đòi hỏi người giáo viên chủ nhiệm đặc biệt quan tâm tới học sinh, vừa truyền cảm hứng, vừa dạy dỗ vừa chăm sóc. Với học sinh lớp 1, không chỉ dạy chữ mà còn phải làm mẹ”.

Học sinh lớp 1 đang ở độ tuổi rất nhiều thay đổi, từ một đứa trẻ được bao bọc trong vòng tay ông bà, bố mẹ nay phải tự lập từ chuyện đi vệ sinh đến việc ăn uống, ngủ nghỉ. Nhiều trẻ nghịch ngợm, hiếu động khiến mình cũng rất "đau đầu", gặp phải trường hợp như thế mình vừa phải nghiêm khắc, vừa phải dùng tình thương của người mẹ để dỗ dành, từ đó sẽ giúp trẻ thay đổi và nghe lời.

Cũng theo cô Hằng, việc giáo dục học sinh, là không phải chỉ dạy chữ, dạy chương trình sách giáo khoa cho các em hàng ngày, mà cần phải dạy bằng cả quá trình học tập và rèn luyện. Đặc biệt, phải nắm bắt được những tâm tư, tình cảm của mỗi học sinh và phải thật sự tâm huyết với nghề.

Riêng đối với học sinh lớp 1, cô giáo phải biết cách tổ chức nhiều hoạt động để tất cả các em học sinh cùng được chơi, cùng được tham gia, các em sẽ thích và từ đó các em mới có thể hiểu nhanh và nhớ lâu.

Dù là giáo viên của những thế hệ cũ, nhưng cô Hằng luôn tìm tòi, đổi mới phương pháp, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy để mang lại hiệu quả tốt nhất cho học sinh. Với những học sinh yếu kém, cô kiên trì hướng dẫn, có nhiều giải pháp giúp học sinh tiến bộ như tổ chức hình thức học tập đôi bạn cùng tiến.

Vượt lên số phận

Cô Hằng có một nỗi khổ tâm đó là con trai đầu của cô ngay từ khi sinh ra đã bị tàn tật. Hơn 30 năm, chàng trai ấy sống trên tay của mẹ, từ ăn uống cho đến vệ sinh cá nhân và hơn 30 năm, vẫn chỉ như một đứa trẻ vô tri vô giác.

Nỗi đau tiếp tục ập xuống đó là vào chính cái ngày tôn vinh các nhà giáo, ngày 20/11 của gần 20 năm trước, người chồng thương yêu của cô cũng bỏ cô mà ra đi trong một cơn bạo bệnh. Có chồng đỡ đần đã vất vả, vắng chồng nỗi vất vả, gánh nặng đè lên đôi vai của cô.

Cô tưởng chừng như gục ngã nhưng nhìn con, cô lại cố gắng sống. Niềm an ủi của cô giáo Hằng chính là những buổi đến trường đứng trên bục giảng, nhìn những đứa trẻ như con của mình mà lấy đó làm động lực.

Mỗi lần đứng trên bục giảng, được nhìn thấy học trò khiến cô giáo Hằng quên đi số phận của mình.

Những năm trước, cuộc sống còn khó khăn, cô vẫn còn nhớ như in những đêm thức trắng chong đèn vừa ôm con trai vừa soạn giáo án. Nhiều đêm con ốm, sốt một mình chăm sóc con, không được ngả lưng chút nào nhưng đến buổi lên lớp cô vẫn cố gắng đi đúng giờ, gạt mọi nỗi muộn phiền để không ảnh hưởng đến bài giảng cho học sinh.

Dù vất vả là vậy, thế nhưng có những học sinh học lực kém trong lớp, cô lại xin phụ huynh cho về nhà mình để kèm cặp, chăm sóc như con mình.

“Cuộc sống đôi lúc cũng làm mình nản lòng lắm, nhưng dù có thế nào thì vẫn phải bước tiếp. Nhìn thấy học sinh, đồng nghiệp đó là động lực để mình vượt qua số phận” - cô Hằng tâm sự.

Chị Nguyễn Thị Oanh, phụ huynh có con học với cô Hằng chia sẻ: “Những lần đón con muộn tưởng rằng cô đã về nhưng cô lại tranh thủ thời gian chờ phụ huynh đến đón kiểm tra lại bài vở của con, chỉnh sửa từng lỗi sai hay nhận xét vào từng trang mỗi ngày để phụ huynh biết được hôm nay con học ra sao. Gửi con cho cô Hằng, chúng tôi thật sự rất yên tâm. Cũng đã nhiều năm trôi qua rồi nhưng con trai vẫn thường xuyên nhắc đến cô Hằng với một sự quý mến và trân trọng vô cùng”.

Chia sẻ về cô Hằng, cô giáo Phạm Mai Hoa, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Điện Biên 1 cho biết: “Cô Hằng là một tấm gương về nghị lực vượt lên số phận khiến chúng tôi vô cùng khâm phục. Không những vậy, nhiều năm liền cô Hằng là giáo viên giỏi cấp tỉnh, giải Nhất chữ đẹp cấp tỉnh. Lớp học sinh cô Hằng chủ nhiệm lúc nào cũng đứng đầu về thành tích cũng như về nề nếp.

“Điều đặc biệt ở cô Hằng là dù hoàn cảnh như vậy nhưng cô rất chỉn chu, lúc nào cũng hoàn thành nhiệm vụ, giờ vào học là 7h30 nhưng chưa bao giờ cô Hằng đến sau 7h để kiểm tra lớp học, kiểm tra máy chiếu, kê lại bàn ghế cho ngăn nắp để đón học sinh. Hết giờ làm việc, lúc nào cô cũng chờ đến khi phụ huynh đón con về hết thì cô mới yên tâm ra về. Nhiều học sinh cũ của cô giờ đã có gia đình, nhưng lễ tết đều nhớ về thăm cô. Còn có những học sinh cũ giờ vẫn tìm đến cô để gửi con nhờ cô dìu dắt” - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Điện Biên 1 tâm sự.

Tác giả: Nguyễn Thùy

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok