Trong tỉnh

Thanh Hóa: Rừng đầu nguồn bị "xẻ thịt", gỗ nằm ngổn ngang dưới suối

Hàng chục cây gỗ lớn có đường kính 40cm tới 1m, dài 30-40m bị lâm tặc chặt hạ nằm ngổn ngang ở rừng tự nhiên tại khu vực thác Trai Gái (huyện Thường Xuân, Thanh Hóa). Nhiều cây khác bị chặt hạ xẻ thành hộp mang ra khỏi rừng, số còn lại vẫn "án binh, bất động" do bị truy soát.

Ngay từ bìa rừng chúng tôi đã bắt gặp nhiều tấm gỗ hộp được xẻ vuông vắn chưa kịp đưa ra ngoài.

Cây nằm ngổn ngang trong rừng

Một ngày giữa tháng 9/2019, lần theo thư phản ánh của người dân PV chúng tôi ngược rừng núi đến với thôn Liên Sơn, xã Xuân Lẹ, huyện Thường Xuân (Thanh Hóa) để tìm hiểu, xác minh thông tin về tình trạng rừng đầu nguồn nơi đây đang bị lâm tặc “xẻ thịt”.

Từ trung tâm xã Xuân Lẹ, phải vượt qua gần chục con suối, đường đi khó khăn, hiểm trở chúng tôi mới đến được bìa rừng thôn Liên Sơn. Tại đây, ngay từ suối Hón Muồng (thuộc thôn Liên Sơn), PV Infonet bắt gặp nhiều tấm gỗ hộp, gỗ tròn được buộc dây tập kết dưới suối chờ đưa ra khỏi địa bàn.

Tiếp tục đi vào khu vực bìa rừng theo vết kéo gỗ còn hằn trên mặt đất khoảng gần 1km, chúng tôi bắt gặp nhiều cây gỗ lớn vừa bị “xẻ thịt”. Tuy nhiên, gỗ đã được kéo ra khỏi rừng chỉ còn vài tấm bìa, mùn cưa còn mới, cành cây vừa héo lá và vài tấm gỗ hộp có chiều dài 2,5-4m, rộng 25cm còn lại chưa kịp đưa ra.

Gỗ được tập kết, cất giấu dưới suối.

Tiếp tục ngược núi men theo con đường nhỏ, phải mất hơn 2h đồng hồ đi qua khu vực thác Trai Gái, chúng tôi đến được khu vực con suối lớn giữa rừng trên đỉnh Bù Rinh (giáp ranh giữa Thanh Hóa với tỉnh Nghệ An). Đập vào mắt chúng tôi là hàng chục cây gỗ lớn bị chặt hạ, nằm ngổn ngang ở nhiều khu vực khác nhau.

Những vết kéo gỗ còn hằn trên mặt đất.

Theo ghi nhận của PV Infonet, tại khu vực rừng tự nhiên tại thôn Liên Sơn này có hàng chục cây lớn với đường kính 2 người ôm (50cm-1m), dài 30-40m đã bị lâm tặc chặt hạ đang nằm la liệt, chất chồng lên nhau dưới dòng suối. Trong khi đó, trên những vách đá, những cây còn nguyên vẹn, chưa bị lâm tặc xẻ thịt nhưng cũng bị lâm tắc "đánh dấu" chờ ngày bị... đốn hạ.

Đáng chú ý, theo phản ánh của người dẫn đường cho chúng tôi, nhiều cây gỗ lớn tại khu vực này đã được lực lượng Kiểm lâm địa phương kiểm đếm từ tháng 4/2019, được đánh số thứ tự, đóng dấu búa; tuy nhiên lại có nhiều cây lớn khác vẫn không được kiểm đếm, đánh dấu như có dấu hiệu của việc "cố tình" bỏ sót!?

Đặc biệt, tại khu vực dưới lòng suối gần thác Trai Gái, PV Infonet phát hiện cả một khu lán trại được "lâm tặc" dựng lên tại đây nhưng không hề có dấu hiệu bị lực lượng chức năng truy quét. Các dấu vết con người sử dụng đồ dùng cho nấu nướng, sinh hoạt vẫn còn mới nguyên.

Tại khu vực giáp ranh với tỉnh Nghệ An, những cây gỗ lớn bị chặt hạ nằm la liệt dưới suối.

Lần tiếp theo con đường mòn nhỏ, đi được chừng khoảng 80-100m quanh khu vực, chúng tôi lại bắt gặp một cây gỗ lớn bị chặt hạ, vứt bỏ lại trong rừng. Nhiều thân cây gỗ vẫn còn màu đỏ (dấu hiệu vừa bị chặt hạ-PV), trên mặt gốc cây gỗ xuất hiện nhiều nhựa trắng kết dính trên bề mặt.

Cũng theo người dẫn đường cho PV Infonet, những cây gỗ bị chặt hạ này đã phần là cây ngát, sến... - những loại có trong danh mục cấm khai thác.

Những cây vừa mới bị chặt hạ, gốc còn dấu mới.


Chặt cây gỗ để lấy... phong lan, thảo quả?

Trao đổi với PV Infonet, ông Phạm Thăng Long, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Thường Xuân xác nhận có sự việc phá rừng xảy ra tại thôn Liên Sơn (nhưng là vào tháng 5/2019).

“Khi đó nhận được thông tin của người dân phát hiện có tiếng cưa tại khu vực thác Trai Gái, chúng tôi đã tiến hành kiểm tra thì phát hiện sự việc phá rừng nói trên.

Ngay sau đó, chúng tôi đã báo cáo Huyện ủy, UBND huyện Thường Xuân; phối hợp với Viện kiểm sát, Công an, Thanh tra của ngành vào hiện trường kiểm tra và đã khởi tố hình sự vụ án này, sau đó chuyển toàn bộ hồ sơ cho Cơ quan Công an tiếp tục điều tra”, ông Long nói.

Những cây lớn có đường kính lên tới 1m đã bị chặt hạ chỉ còn trơ gốc.

Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Thường Xuân cho biết thêm, tổng số cây bị khai thác là 14 cây gỗ Táu Muối (thuộc nhóm 6) đang còn nguyên trạng tại khu vực quanh thác Trai Gái. Khu vực rừng bị khai thác là rừng tự nhiên khoanh nuôi bảo vệ.

"Về mục đích khai thác gỗ, theo chúng tôi nắm bắt thì các đối tượng khai thác để lấy cây lan quả và những cây nào có lan mới bị chặt hạ", ông Long khẳng định.

Cây gỗ dài hàng chục mét bị chặt hạ vứt lại trong rừng.

Cũng theo ông Long, mới đây tại lô 139, khoảnh 1, tiểu khu 619 thuộc rừng sản xuất của gia đình ông Vi Văn Sơn (thôn Liên Sơn) cũng bị khai thác với số lượng 29 cây, đường kính từ 14-35cm (gỗ tròn nhóm 6) với khối lượng 3,8m3. Kiểm lâm địa bàn cùng Công an xã đã lập hồ sơ vụ việc và đang xử lý trách nhiệm.

Khi PV Infonet đề cập đến việc phát hiện được nhiều gỗ hộp, gỗ tròn ở dưới suối và khu vực bìa rừng thuộc thôn Liên Sơn vừa bị chặt hạ (đưa hình ảnh bằng chứng cho ông Long xem-PV), trong đó có nhiều cây vừa bị khai thác chưa có sự kiểm đếm của lực lượng Kiểm lâm, thì ông Long cho biết "sẽ cho kiểm tra ngay sự việc".

Gỗ vừa bị chặt hạ. chưa được kiểm đếm nhưng kiểm lâm địa phương nói chưa biết và sẽ điều tra sự việc!?

Liên quan đến vụ phá rừng nghiêm trọng này, trả lời phỏng vấn của PV Infonet ông Đỗ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Xuân (Thanh Hóa) cho biết: “Hiện vụ việc đã được khởi tố vụ án và đang xử lý, lưu trữ vật chứng tại đó (hiện trường - PV). Huyện cũng chỉ đạo khắt khe sự việc, nhưng vẫn chưa bắt được đối tượng do khu vực khai thác nằm trong rừng sâu. Chủ rừng cũng ít đi kiểm tra để báo cáo sự việc lên kiểm lâm”.

"Hiện nay việc khai thác gỗ lộng hành thì không còn nữa. Còn tại khu vực ở thác Trai Gái không phải là khai thác gỗ, ở đấy theo nhân dân cho biết thì có một số đối tượng chặt cây để lấy phong lan thảo quả", ông Hoan cho hay.

Cơ quan chức năng cho biết việc chặt hạ những cây gỗ lớn để lấy phong lan thảo quả.

Được biết, hiện nay huyện Thường Xuân (Thanh Hóa) có gần 100.000 ha rừng, trong đó, rừng đặc dụng là 25.000 ha, rừng phòng hộ là27.000 ha, còn lại là rừng sản xuất. Đến thời điểm hiện tại, toàn bộ diện tích rừng ở huyện Thường Xuân đã được giao cho các chủ rừng quản lý.

*Một số hình ảnh PV Infonet ghi nhận tình trạng phá rừng xảy ra ở huyện Thường Xuân (Thanh Hóa) giữa tháng 9/2019:

Những cây vừa bị chặt hạ lá cây đang bắt đầu héo.

Những cây mới bị xẻ thịt những lực lượng Kiểm lâm nói chưa nắm được thông tin!?

Vụ việc xảy ra quanh khu vực thác Trai Gái đã được cơ quan chức năng khởi tố vụ án hình sự, nhưng rừng ở đây tiếp tục bị "chảy máu".

Một chiếc lán trại được lâm tặc dựng lại trong rừng.

Có 14 cây lớn bị chặt hạ tại khu vực quanh thác Trai Gái - theo số liệu của kiểm lâm khu vực.

Những cây gỗ lớn có thân màu đỏ - dấu vết vừa bị chặt hạ.

Hiện cơ quan Công an đang điều tra để xác định thủ phạm vụ việc.

Tác giả: Trần Nghị

Nguồn tin: Báo Infonet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok