Trong tỉnh

Thanh Hóa: Quyết liệt chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp Tết

Để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Thanh Hóa tập trung quán triệt, triển khai các chuyên đề về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đối với nhiều mặt hàng có nguy cơ xảy ra gian lận vào những tháng cuối năm.

Năm 2022, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Chính phủ, BCĐ 389 quốc gia, Bộ Công Thương, Tổng cục QLTT, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, BCĐ 389 tỉnh. Bám sát chỉ đạo của cấp trên, cùng với việc nắm bắt đúng tình hình, diễn biến thị trường, Cục QLTT Thanh Hoá đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt, có hiệu quả bảo đảm cân đối cung cầu, hàng hóa, dịch vụ, bình ổn giá cả thị trường phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn.

Cục QLTT Thanh Hóa đã thực hiện tốt vai trò tham mưu, đề xuất, xây dựng chương trình, kế hoạch công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, đồng thời, tham mưu ban hành các văn bản chỉ đạo của BCĐ 389 tỉnh đến các lực lượng chức năng nhằm đấu tranh, phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật trên địa bàn. Cục QLTT Thanh Hoá cũng đã tập trung chỉ đạo các Đội QLTT trực thuộc tăng cường công tác quản lý địa bàn, nắm chắc diễn biến tình hình giá cả hàng hóa trên thị trường, đã kiểm tra xử lý hàng loạt các mặt hàng vi phạm, tiêu huỷ nhiều hàng hoá nhập lậu, giả mạo nhãn hiệu…

Một số hình ảnh hoạt động của Cục Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hoá.

Theo Cục QLTT Thanh Hoá, tính đến tháng 11/2022, tổng số vụ kiểm tra là 313 vụ, xử lý 315 vụ. Trong đó, xử lý về hàng cấm, hàng nhập lậu 21 vụ, hàng giả và quyền SHTT 48 vụ, lĩnh vực giá 70 vụ, vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm 124 vụ, vi phạm khác trong kinh doanh 52 vụ, tổng số tiền thu 963,2 triệu đồng, tiền phạt vi phạm hành chính là 956,2 triệu đồng. Trị giá hàng tiêu hủy áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là 114,07 triệu đồng, hàng chờ bán, chờ tiêu hủy 84,06 triệu đồng…

Bước vào những ngày cuối năm, nhất là dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn mới. Mặt khác, nhu cầu phát triển sản xuất, tiêu dùng tăng cao, biến động, chênh lệch giá hàng hóa giữa các khu vực, vùng miền trong tỉnh và cả nước còn lớn. Đặc biệt là xuất hiện sự khan hiếm cục bộ và tăng giá đột biến một số mặt hàng trọng điểm. Đó sẽ là động cơ, nguyên nhân dẫn đến buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vẫn phức tạp. Nhận thấy được điều đó, cũng như bám sát với chỉ đạo của Chính phủ, BCĐ 389 Quốc gia, Bộ Công thương, Tổng Cục QLTT, Tỉnh Ủy, HĐND, UBND tỉnh, Cục QLTT tỉnh Thanh Hóa - Cơ quan thường trực BCĐ 389 tỉnh Thanh Hoá đã ban hành Kế hoạch số 1534/KH-CQLTT và Kế hoạch số 275/KH-BCĐ về Cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Kế hoạch nhằm phòng ngừa, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng sản xuất, buôn bán, vận chuyển, kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo an toàn thực phẩm; các hành vi gian lận thương mại (đầu cơ, găm hàng, tăng giá trái pháp luật, ...), góp phần ổn định thị trường, lưu thông hàng hóa thông suốt, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng; khuyến khích phát triển sản xuất, đảm bảo cung ứng đầy đủ hàng hóa với chất lượng, giá cả hợp lý, góp phần tạo điều kiện cho Nhân dân vui xuân, đón Tết lành mạnh, an toàn, tiết kiệm.


Thời gian triển khai Kế hoạch từ ngày 25/11/2022 đến ngày 15/02/2023. Đối tượng kiểm tra là các tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm trong hoạt động vận chuyển, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng không đảm bảo chất lượng, không đảm bảo an toàn thực phẩm và các hành vi gian lận thương mại, bao gồm: Các cơ sở sản xuất, kinh doanh thương mại, dịch vụ trên toàn tỉnh; Các phương tiện vận tải đường bộ, đường thủy trên tuyến biển, biên giới, cửa khẩu, cảng sông, cảng hàng không, nhà ga đường sắt; Các đường dây, ổ nhóm, các đối tượng chủ mưu, cầm đầu, kinh doanh lớn, chuyên nghiệp. Địa bàn kiểm tra trên phạm vi toàn tỉnh, bao gồm tuyến biên giới đất liền, tuyến biển, hàng không và thị trường nội địa. Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh cũng phân công rõ trách nhiệm quản lý, kiểm soát địa bàn và lĩnh vực cho từng cơ quan chức năng; đề cao trách nhiệm người đứng đầu, gắn trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Để công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả đạt hiệu quả cao, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh yêu cầu xây dựng phương án tổ chức lực lượng, phương tiện và duy trì kiểm tra, kiểm soát trên tất cả các tuyến đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường chuyển phát nhanh... nhằm ngăn chặn hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng; tăng cường trong công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đối với nhóm các mặt hàng cấm, hàng hóa ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng nhập khẩu có điều kiện có thuế suất cao và các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 như: Ma túy, vũ khí, pháo nổ, ngoại tệ, thuốc lá, xăng dầu, gia súc, gia cầm, thực phẩm, rượu, bia, bánh kẹo, hoa quả, hàng điện tử, mỹ phẩm, thời trang cao cấp...

Với sự nỗ lực của Cục QLTT tỉnh Thanh Hóa, sự phối hợp của các lực lượng chức năng trong công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 góp phần ổn định thị trường, đảm bảo lưu thông hàng hóa, phục vụ tốt cho nhu cầu mua sắm và tiêu dùng của nhân dân trong dịp Tết sắp tới.

Tác giả: P.V

Nguồn tin: tienphong.vn

  Từ khóa: buôn lậu , gian lận , thanh hóa

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok