Trong tỉnh

Thanh Hóa: Phối hợp liên ngành phòng ngừa, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán hòa nhập cộng đồng

Triển khai Quyết định số 2546/QĐ-TTg ngày 31/12/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động phòng, chống mua bán người giai đoạn 2016 - 2020, từ năm 2016 đến 30/6/2020, các lực lượng chức năng của tỉnh Thanh Hóa đã tiếp nhận, xác minh 18 nạn nhân bị mua bán. Tất cả các trường hợp đều được hỗ trợ ban đầu theo quy định.

Nạn nhân trong vụ mua bán người được giải cứu khỏi động mại dâm bên kia biên giới.

Rà soát, lập hồ sơ đề nghị xác minh và hỗ trợ nạn nhân

Là một tỉnh có đường biên giới quốc gia dài gần 200 km với nước bạn Lào, và là cửa ngõ giao lưu nối liền Nam - Bắc, Thanh Hóa có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế - xã hội, tuy nhiên, do sự phát triển du lịch và hình thành các khu công nghiệp, khu chế xuất... nên số lao động di cư tự do tìm kiếm việc làm ngày càng tăng nhanh gây ra những vấn đề phức tạp nảy sinh về tình hình mua bán người trên địa bàn.

Bên cạnh đó, do kinh tế khó khăn, một số phụ nữ đi làm ăn và lấy chồng sinh sống tại Trung Quốc, hàng năm trở về địa phương thăm thân đã có dấu hiệu cấu kết, móc nối với một số đối tượng cò mồi để dụ dỗ, lừa gạt phụ nữ, trẻ em bán sang nước ngoài làm vợ, bóc lột tình dục và cưỡng bức lao động…

Triển khai Quyết định số 2546/QĐ-TTg ngày 31/12/2015 của Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo Phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh Thanh Hóa ban hành các văn bản triển khai thực hiện công tác phòng, chống mua bán người, hưởng ứng "Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người - 30/7" hàng năm.

Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan chức năng xây dựng kế hoạch cụ thể, phối hợp liên ngành trong công tác phòng ngừa tội phạm mua bán người và hỗ trợ nạn nhân.

Sở LĐ-TB&XH chỉ đạo, hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố rà soát danh sách những người có dấu hiệu bị mua bán trở về, lập hồ sơ đề nghị xác minh và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về hoà nhập cộng đồng.

Cùng với đó, lồng ghép với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội khác ở địa phương như: Chương trình xoá đói, giảm nghèo, phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm, phòng, chống xâm hại trẻ em, dạy nghề cho lao động nông thôn.

Một buổi tập huấn nâng cao năng lực truyền thông về mua bán người.

Đồng thời, tổ chức 49 lớp tập huấn quy trình tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về hòa nhập cộng đồng cho 2.890 lượt cán bộ; 20 lớp tập huấn trang bị kiến thức di cư an toàn, phòng, chống mua bán người cho 1.152 công nhân làm việc tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh; 1 lớp tập huấn về kỹ năng sống cho 52 nạn nhân bị mua bán trở về; in, cấp phát 15.000 tờ rơi tuyên truyền về phòng, chống mua bán người và quy định về hỗ trợ nạn nhân bị mua bán cho các địa phương.

Qua các lớp tập huấn, đã giúp cho cán bộ cấp huyện, xã có kiến thức và kinh nghiệm thực tế trong quá trình tổ chức thực hiện tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về hoà nhập cộng đồng.

Xây dựng kế hoạch, phối hợp liên ngành

Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa tăng cường công tác nắm tình hình, làm tốt công tác nghiệp vụ cơ bản, rà soát, theo dõi chặt chẽ các đối tượng có liên quan đến tội phạm mua bán người trên tuyến biên giới và bờ biển; phối hợp với chính quyền địa phương, các ban ngành làm tốt công tác tuyên truyền về phòng, chống mua bán người; phối hợp tiếp nhận, điều tra, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về.

Cử 170 lượt cán bộ tham gia 6 cuộc tập huấn, học tập về nội dung liên quan đến mua bán người và công tác tiếp nhận, xác minh, bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.

Công an tỉnh chỉ đạo các lực lượng trấn áp các nhóm tội phạm mua bán người; tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp chỉ đạo, huy động các ngành, cơ quan, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội và quần chúng nhân dân cùng tham gia vào cuộc, tạo mối quan hệ phối hợp đồng bộ phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh và xử lý tội phạm.

Tổ chức 9.158 buổi họp dân tại thôn, bản, khu phố lồng ghép tuyên truyền nâng cao nhận thức và cảnh giác đối với tội phạm mua bán người.

Ngoài ra, các sở, ban, ngành và địa phương thường xuyên trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm về các trường hợp bị mua bán và cập nhật tình hình nạn nhân để có những hỗ trợ kịp thời.

Kết quả, từ năm 2016 đến 30/6/2020 lực lượng chức năng đã thực hiện tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ 18 nạn nhân bị mua bán trở về. Tất cả các nạn nhân bị mua bán trở về đều được các cơ quan chức năng thực hiện hỗ trợ ban đầu theo quy định.

Còn Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội tỉnh được giao chức năng tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về.

Mặc dù, không có nạn nhân lưu trú, nhưng Trung tâm sắp xếp đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu trong công tác hỗ trợ nạn nhân, thường xuyên được tập huấn nâng cao năng lực; cơ sở vật chất được trang bị cơ bản đầy đủ (phòng lưu trú, phòng tư vấn, đường dây tư vấn,...) và thực hiện tư vấn thông qua đường dây nóng và cử cán bộ đi tư vấn tại cộng đồng.

Cùng với đó, triển khai và duy trì Mô hình "Nhóm tự lực" tại các huyện: Hậu Lộc, Tĩnh Gia, Quảng Xương, Nông Cống, Thạch Thành, Nga Sơn, Hoằng Hóa, Ngọc Lặc cho các nạn nhân bị mua bán và người có nguy cơ cao. Qua các buổi sinh nhóm các chị em phụ nữ đã trao đổi, học hỏi và chia sẻ về những kinh nghiệm làm ăn, sản xuất.

Những bài học kinh nghiệm

Dự báo những năm tới, các loại tội phạm tiếp tục diễn biến phức tạp, tính chất ngày càng nguy hiểm, có tổ chức, xuyên quốc gia và sử dụng công nghệ cao, trong đó, có nhóm tội phạm liên quan tới mua bán người.

Vì vậy, các cấp ủy, chính quyền và đoàn thể cùng các lực lượng chức năng tiếp tục quan tâm chỉ đạo, phối hợp thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống mua bán người có hiệu quả.

Đối với công tác hỗ trợ nạn nhân, cần tập trung xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cơ quan chức năng; tăng cường lồng ghép các chương trình An sinh xã hội - Y tế - Văn hóa giáo dục tại địa phương và tổ chức tốt các dịch vụ xã hội trợ giúp nạn nhân bị mua bán trở về hòa nhập cộng đồng bền vững.

Sau 05 năm triển khai thực hiện Đề án "Tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán", các mục tiêu, yêu cầu, chỉ tiêu cụ thể cơ bản hoàn thành, góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn, Ban Chỉ đạo 138 tỉnh Thanh Hóa rút ra một số bài học kinh nghiệm sau:

Một là, tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành, đoàn thể, tổ chức và toàn xã hội trong công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về từ tỉnh đến cơ sở.

Thực tế cho thấy, địa phương, đơn vị nào có sự quan tâm lãnh đạo của cấp uỷ Đảng, sự chỉ đạo của chính quyền, sự quan tâm của cả cộng đồng xã hội thì ở đó tình hình tệ nạn xã hội giảm mạnh.

Hai là, xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ đủ năng lực từ cấp tỉnh đến cấp xã. Có chính sách khen thưởng, biểu dương kịp thời đối với những cá nhân, đơn vị, địa phương làm tốt. Đồng thời, kiên quyết trong việc xử lý những cá nhân, đơn vị, địa phương thiếu trách nhiệm trong triển khai thực hiện.

Ba là, nâng cao hiệu quả tuyên truyền, giáo dục pháp luật, trong đó, động viên sự tham gia của nạn nhân bị mua bán trở về để họ chia sẻ thông tin và được tiếp cận các dịch vụ tư vấn tâm lý, trang bị kiến thức về chăn nuôi, trồng trọt, sử dụng đồng vốn kinh doanh có hiệu quả, kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp.

Bốn là, thực hiện tốt các dịch vụ xã hội hỗ trợ hoà nhập cộng đồng cho nạn nhân bị mua bán. Trong đó, nhiệm vụ quan trọng nhất là giải quyết công ăn việc làm cho nạn nhân bị mua bán hoà nhập cộng đồng.

Đồng thời, phát huy mạnh mẽ các nguồn lực và sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền cơ sở và gia đình để những nạn nhân bị mua bán sớm ổn định đời sống.

Năm là, tăng cường nguồn kinh phí đầu tư cho công tác hỗ trợ nạn nhân hoà nhập cộng đồng, tranh thủ nguồn lực tài chính và kỹ thuật từ các tổ chức quốc tế và tổ chức phi chính phủ trong công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.

Tác giả: Thanh Hạnh

Nguồn tin: Báo Dân sinh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok