Trong tỉnh

Thanh Hóa phát triển nguồn gen quý hiếm vịt Cổ Lũng

Vịt Cổ Lũng hay còn gọi là vịt Mường Khòong có màu lông cánh sẻ, xương nhỏ, cổ rụt, chân nhỏ lùn. Giống vịt này chỉ ăn lúa, cua, ốc, rong rêu bên suối nên thịt nhiều nạc và chắc, ngọt, thơm.

Tuy nhiên, việc nuôi vịt Cổ Lũng còn nhỏ lẻ, kỹ thuật hạn chế và lai tạo nhiều khiến loài vịt này đang dần mất đi nguồn gen.

Giống vịt quý Cổ Lũng mới nở. Ảnh: Nguyễn Nam - TTXVN

Nhằm bảo tồn giống vịt Cổ Lũng và phát triển kinh tế cho nhân dân, UBND huyện Bá Thước đã thực hiện dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ phục hồi và phát triển giống vịt bản địa Cổ Lũng chất lượng tốt của huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa”.

Dự án đã thực hiện thành công mô hình chăn nuôi vịt sinh sản, vịt thương phẩm và ấp nở trứng vịt theo hướng an toàn sinh học.

Điển hình là các mô hình nuôi vịt sinh sản với 1.800 con; vịt thương phẩm gồm 3.000 con với khối lượng từ 1,8-2 kg/con; ấp nở trứng vịt với 2 tổ có máy ấp tại 2 xã vùng dự án để cung ứng đủ giống vịt cho địa bàn vùng dự án...

Hiện các mô hình này đã được nhân rộng ra toàn huyện, giúp nhân dân mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Ông Vũ Đình Hảo - Trưởng Phòng nông nghiệp huyện Bá Thước - Trưởng Ban dự án cho biết, vịt Cổ Lũng xuất xứ từ các xã Cổ Lũng, Lũng Niêm, Lũng Cao, Thành Sơn, Thành Lâm, Ban Công nhưng thường được nuôi nhiều ở 2 xã Cổ Lũng và Lũng Niêm.

Vịt có tuổi đẻ 24 tuần, năng suất trứng 130-145 quả/mái/năm và nuôi thịt 3 tháng đạt gần 1,7 kg.

Do người dân chăn nuôi giống vịt này theo hình thức chăn thả (lúa, vịt), không theo khuôn khổ, chỉ là tự phát nên loài vịt này đang mất dần nguồn gen. Vì vậy, việc phục giống loài vịt này là rất cần thiết.

Thực hiện dự án, Ban Quản lý dự án huyện đã khảo sát điều kiện kinh tế, xã hội và tình hình chăn nuôi vịt Cổ Lũng tại 6 xã thông qua phiếu điều tra với 120 người và lựa chọn các hộ dân tham gia mô hình.

Hiện giống vịt bản địa Cổ Lũng được nuôi nhiều nhất tại 2 xã Lũng Niêm và Cổ Lũng với quy mô từ 10-20 con/hộ hoặc hộ chăn nuôi khá đạt khoảng 40 con.

Ban Quản lý dự án đã lựa chọn, kiểm tra số lượng, chất lượng đàn vịt bố mẹ để đưa vào mô hình xã Lũng Niêm, Cổ Lũng.

Theo đó, 600 vịt bố mẹ được chọn để nuôi dưỡng cho đẻ thêm vịt giống đủ tiêu chuẩn cấp cho các hộ tham gia mô hình nuôi vịt bố mẹ.

Dự án đã cấp cho mỗi hộ tham gia mô hình 120 vịt con để chăn nuôi.

Tại xã Cổ Lũng, dự án đã chọn đủ 30 hộ tham gia và tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn các hộ tham gia mô hình. Nhiều người dân tham gia đạt hiệu quả tốt, nâng cao thu nhập.

Ông Hà Trọng Quỳnh, trú tại thôn Lọng, xã Cổ Lũng là người đi đầu trong việc phát triển và chăn nuôi giống vịt Cổ Lũng của xã. Khi dự án triển khai, ông được hướng dẫn thực hiện mô hình.

Tới nay, ông đang nuôi khoảng 200 con vịt Cổ Lũng đẻ trứng và chuyên bán cho các đơn vị trong, ngoài tỉnh, đem lại mức thu nhập bình quân khoảng 80 triệu đồng mỗi năm.

Tại xã Lũng Niêm, dự án đã lựa chọn 34 hộ dân tham gia mô hình và hướng dẫn cách ấp trứng, nuôi vịt con.

Dự án cũng mua máy ấp, máy nở, máy phát điện dự phòng cho nhóm hộ quản lý, vận hành máy ấp trứng; các hộ dân tham gia đã thực hiện theo sự chỉ dẫn của cán bộ dự án. Khi kết thúc dự án, nhiều hộ gia đình đã có giống vịt tốt để tiếp tục chăn nuôi, một số hộ đã vươn lên làm giàu.

Anh Hà Văn Hoành - thôn Lặn Ngoài, xã Lũng Niêm cho biết, khi tham gia mô hình của dự án, cuộc sống gia đình anh đã tốt hơn.

Dự án kết thúc, anh quyết định thành lập Hợp tác xã chăn nuôi vịt Cổ Lũng, chuyên cấp trứng vịt giống tốt cho người dân nuôi. Khi vịt lớn, anh thu mua lại của người dân để bán ra thị trường.

Nếu như trước kia gia đình anh Hoành chỉ đủ vốn chăn nuôi và cung cấp vịt giống cho 10 hộ trong xã thì nay đã có thể cấp vịt giống cho 50 hộ.

Hiện anh đang sở hữu 2 máy ấp trứng vịt có công suất 5.000 trứng/máy với thu nhập hàng năm đạt khoảng 300 triệu đồng.

Ông Hà Văn Luyến - Phó chủ tịch UBND xã Lũng Niêm cho biết, nhờ được tập huấn kỹ thuật và tham gia các mô hình, người dân thay đổi phong tục tập quán chăn nuôi theo hình thức chăn thả, không phụ thuộc vào nguồn thức ăn từ tự nhiên mà chủ động tạo nguồn thức ăn tại chỗ.

Theo ông Vũ Đình Hảo - Trưởng Phòng nông nghiệp huyện Bá Thước, hiện nay cả 67 hộ gia đình tham gia mô hình nuôi vịt đã cải thiện nguồn thu.

Dự án đã giúp nhân dân biết cách chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học nhằm tạo ra những sản phẩm chất lượng tốt, hạn chế dịch bệnh.

Bên cạnh đó, dự án còn góp phần bảo tồn giống vịt bản địa Cổ Lũng chất lượng tốt, mở ra hướng phát triển chăn nuôi vịt chất lượng cao, đem lại lợi ích kinh tế trực tiếp cho nông dân và là cơ sở để lưu giữ các nguồn gen quý.

Thời gian tới, huyện Bá Thước sẽ chỉ đạo các xã hướng dẫn từng hộ dân thực hiện đúng các quy trình nuôi để phát triển nhanh số lượng vịt, tạo ra nhiều sản phẩm phục vụ nhu cầu ngày một tăng của khách hàng và bảo tồn được con giống; đồng thời, thực hiện thêm 2 đề tài, dự án mới gồm: Quản lý và phát triển nguồn gen vịt Cổ Lũng và Xây dựng quản lý, chỉ dẫn địa lý vịt Cổ Lũng. Bá Thước sẽ đề nghị cấp có thẩm quyền sớm công nhận thương hiệu cho vịt Cổ Lũng./.

Tác giả: Nguyễn Nam

Nguồn tin: bnews.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok