Theo đó, Ban đại diện CMHS không được thu: Tiền bảo vệ cơ sở vật chất (CSVC) và an ninh trường học; khen thưởng cán bộ, giáo viên, nhân viên; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ, giáo viên, nhân viên; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.
Sở GD&ĐT cũng yêu cầu các nhà trường không thu đóng góp của CMHS để phục vụ chi thường xuyên mà ngân sách nhà nước đã bố trí theo quy định như: Chi hỗ trợ hoạt động giáo dục, điện sáng, bảo vệ trường, nước sinh hoạt, hoạt động tập thể, thi đua khen thưởng, phụ đạo học sinh yếu, bồi dưỡng học sinh giỏi (văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao...).
Không được thu tiền vệ sinh trường, lớp và các công trình vệ sinh (đối với học sinh THCS, THPT, Trung tâm GDNN-GDTX, Trung tâm GDTX, Trung tâm KTTH-HN tỉnh), các trường phải tổ chức cho học sinh lao động để rèn luyện kỹ năng sống, giáo dục ý thức giữ gìn vệ sinh và bảo vệ CSVC trường, lớp theo Chỉ thị số 15/CT- UBND ngày 27-8-2018 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa.
Trước năm học mới Thanh Hóa chấm dứt các khoản lạm thu dưới danh nghĩa Ban đại diện cha mẹ học sinh |
Các trường tiểu học, THCS và THPT chỉ thu tiền giấy thi phục vụ học sinh, không thu tiền ra đề thi, coi thi, chấm thi. Đối với các lớp tiểu học đã tổ chức học 2 buổi/ngày (không vượt quá 7 tiết/ngày), các nhà trường không được tổ chức dạy thêm vào tiết thứ 8 trong ngày theo quy định của Bộ GD&ĐT. Đồng thờicũng lưu ý các các nhà trường thống nhất với Hội CMHS về mẫu, màu sắc để CMHS tự may đồng phục cho học sinh.
Theo kế hoạch, sáng ngày 2/9, hơn 870.000 học sinh từ mầm non đến THPT trong toàn tỉnh tổ chức khai giảng năm học mới.
Hiện tại các trường đã chuẩn bị tốt về cơ sở vật chất, vệ sinh trường, lớp, tạo cảnh quan khu vực nhà trường sạch, đẹp, văn minh và các điều kiện phục vụ năm học mới. Bảo đảm cung cấp đủ sách giáo khoa cho học sinh, không để xảy ra tình trạng thiếu sách giáo khoa đầu năm học, đặc biệt là sách giáo khoa lớp 1. Đồng thời, chuẩn bị tốt các điều kiện, xây dựng phương án phòng, chống dịch COVID-19. Các đơn vị chủ động xây dựng kế hoạch năm học, phân công giáo viên chủ nhiệm, giáo viên giảng dạy bảo đảm công khai, công bằng. Việc tổ chức các hoạt động đầu năm học cần phù hợp với lứa tuổi học sinh, điều kiện của nhà trường, gắn với thực tế của địa phương và bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh.
Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh nên việc tổ chức lễ khai giảng cũng có sự thay đổi. Theo đó, đối với các trường THCS, TH&THCS; THPT, THCS&THPT và trung tâm GDNN-GDTX (trường TC nghề có hệ GDTX) tổ chức khai giảng tập trung ngoài trời và thực hiện giãn cách, đeo khẩu trang, rửa tay bằng nước diệt khuẩn, đo thân nhiệt học sinh, cán bộ, giáo viên.
Đối với các trường tiểu học: Tổ chức khai giảng không tập trung (học sinh tập trung theo đơn vị lớp tại lớp học), thực hiện qua hệ thống loa truyền thanh của nhà trường.
Đối với các trường mầm non: Tổ chức khai giảng không tập trung (học sinh tập trung theo đơn vị lớp tại lớp học) gồm các hoạt động: Giáo viên đón trẻ vào lớp; ổn định tổ chức; cho trẻ xem qua video: Phát biểu chào mừng năm học mới của hiệu trưởng; một số tiết mục văn nghệ của nhà trường; giáo viên tại nhóm, lớp tổ chức hoạt động tạo không khí vui tươi cho trẻ. Tùy theo tình hình thực tế của các đơn vị để có cách tổ chức phù hợp. Thời gian tổ chức buổi lễ khoảng 45 phút
Tác giả: Gia Hân
Nguồn tin: giadinh.net.vn