Trong tỉnh

Thanh Hóa: Bão tan, tiền tỷ đổ vào đầm tôm cũng... tan theo bão

Sóng lớn cộng triều cường dâng cao đã đánh sập nhiều đê biển cũng như cuốn trôi toàn bộ gia sản của người dân nuôi tôm ở xã Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) sau bão số 10.

Vay vốn ngân hàng, anh, em, bạn bè để làm hồ nuôi tôm mong phát triển kinh tế thoát nghèo nhưng mặc dù Thanh Hóa không phải là tâm bão số 10, nhưng khi bão đi qua đã cuốn trôi hết tài sản và nỗi lo nợ nần lại càng tăng thêm.

Ông Nguyễn Văn Hùng bên đầm tôm bị mất trắng

Đầm tôm tan hoang

Có mặt tại đầm tôm của gia đình ông Nguyễn Văn Dũng (59 tuổi) trú thôn Xuân Phụ, xã Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) trước mắt chúng tôi là hình ảnh tan hoang sau bão: cây đổ ngổn ngang, cát sạt lở, guồng máy bơm nước bị trôi dạt tứ tung, còn những hồ tôm đã bị san phẳng chẳng còn gì ngoài cát.

Ông Dũng cho hay gia đình có 5 ô tôm bị mất trắng trong đó có 3 ô tôm thịt chỉ còn 20 ngày nữa xuất bán nhưng sóng lớn cộng với triều cường dâng cao đã cuốn đi hết tất cả, ước tính thiệt hại hơn 1 tỷ đồng.

Cũng không khác gì gia đình ông Dũng, gia đình ông Nguyễn Văn Hùng (64 tuổi) cũng bị nước cuốn trôi hết tất cả 6 ô nuôi tôm với hơn 1,7 ha của gia đình.

Toàn xã thiệt hại về nuôi tôm ước tính hơn 20 tỷ đồng

Ông Hùng cho biết, sau cơn bão gia đình ông đã mất trắng hết, bão về xóa những ô tôm thành bãi cát phằng lỳ, bão đi cuốn trôi hết ra biển. Trung bình mỗi ô tôm mất 250 triệu, thiệt hại hơn 1 tỷ đồng chưa kể cuốn cả nhà và máy móc.

“Gia đình tôi có 2 bố con ở nhà vừa nuôi tôm vừa nuôi ngao nhưng đã bị bão cuốn trôi hết rồi. Con trai tôi chán quá bỏ đi làm thuê ở nơi khác lấy tiền trả lãi ngân hàng” - ông Hùng cho biết thêm.

Còn gia đình chị Phạm Thị Huệ có 8 ô nuôi tôm nhưng cũng bị nước cuốn trôi hết 6 ô, gây thiệt hại cho gia đình khoảng 2 tỷ đồng.

“Gia đình tôi góp vốn cùng 4-5 anh em khác để làm hồ tôm với số tiền hơn 2 tỷ đồng, đến nay mới chỉ thu hoạch được 1 lứa thôi. Tôm của gia đình còn khoảng 20 ngày nữa là thu hoạch được nhưng bất ngờ bão đến chúng tôi trở tay không kịp, tôm đã bị cuốn trôi hết cả rồi” - chị Huệ đau xót nói.

Tôm cuốn trôi theo bão chỉ trong vài tiếng đồng hồ

Theo tìm hiểu của PV thì ở xã Hoằng Phụ có nhiều nhà ở các nơi đến góp vốn thuê đất làm hồ tôm nhưng sau cơn bão số 10 thì nhiều nhà đã đóng cửa không đến hồ tôm dọn dẹp cũng như khắc phục hậu quả để cải tạo nuôi tiếp.

Ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch UBND xã Hoằng Phụ cho biết: “Cả xã có 6 hộ nuôi tôm thẻ chân trắng đều bị mất trắng với diện tích trên 6,1 ha. Ngoài ra còn có 102 ha nuôi tôm, cá và ngao ngoài đê cũng bị sóng đánh tràn đê, vỡ bờ gây thiệt hại khoảng 50 triệu đồng/ha vì đây đang trong thời điểm thu hoạch của bà con”.

Tiền tỷ cuốn theo bão

Làm hồ tôm yêu cầu phải đầu tư lớn thế nên đa số những gia đình làm hồ tôm đều vay vốn ngân hàng cũng như vay của anh em, họ hàng để mua trang thiết bị, con giống, làm hồ, mua thức ăn nhưng sau khi bão số 10 đi qua thì họ lại trắng tay.

“Cách đây 3 năm tôi vay ngân hàng và vay của anh em họ hàng hơn 1 tỷ đầu tư vào làm hơn 1 ha nuôi tôm tổng cộng chi phí hết hơn 2 tỷ đồng với mong muốn phát triển kinh tế nhưng đến nay lại trắng tay. Bây giờ mất thì cũng mất rồi phải chịu thôi, giờ thì lại vay vốn cải tạo lại hồ và mua bạt để làm lại hồ mới, nếu không làm thì không có cái để trả nợ cho ngân hàng” - ông Dũng cho hay.

Ông Nguyễn Văn Dũng thẫn thờ khi nhìn toàn bộ hồ nuôi tôm trôi theo bão.

Gia đình ông Nguyễn Văn Hùng vào năm 2015 cũng phải thế chấp 2 sổ đỏ của gia đình và của bố vợ để vay ngân hàng với số tiền hơn 500 triệu đồng, cùng với anh em họ hàng đầu tư vào đầm tôm nhưng đến nay cũng bị mất trắng hết.

“Hồi đó tôi đầu tư hơn 1 tỷ vào tôm nhưng nay mất hết, giờ tôi cũng muốn đầu tư lại hồ tôm để còn có cái trả nợ nhưng còn phụ thuộc vào việc có vay được vốn để hồi phục lại đồng tôm không nữa” - ông Hùng cho biết thêm.

Ông Nguyễn Thanh Bình cho biết việc đầu tư vào đầm tôm vô cùng lớn nên việc gượng lại hồ tôm của người dân gặp hết sức khó khăn, chúng tôi cũng đã lập báo cáo gửi UBND huyện để có phương án hỗ trợ cho người dân.

Theo báo cáo thống kê của Văn phòng thường trực Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thanh Hóa có 2 người chết và thiệt hại ước tính khoảng 1.000 tỷ đồng.

Ông Phạm Văn Cường (SN 1973) trú huyện Tĩnh Gia bị đuối nước khi đi đánh cá và cháu Trịnh Văn Tài (1 tuổi) ngạt nước do rơi từ trên giường xuống nhà bị ngập nước.

Về nhà bị ngập nước 357 cái; tốc mái 2 cái; 48 nhà bị thiệt hại hoàn toàn; phòng học bị thiệt hại 10 cái; Trường học bị ảnh hưởng 6 điểm.

Ngoài ra lúa bị ngập thiệt hại 1858 ha; Ngô bị đổ, gãy 220 ha; mía bị đổ, gãy 93ha; rau màu, hoa màu bị thiệt hại 742 ha; ao cá bị tràn, vỡ 8ha; diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại 3.007 ha.

Bên cạnh đó còn có 80.100m3 đê bao nuôi trồng thủy sản bị cuốn trôi; đê dưới cấp 3 bị sạt lở 320m; đê biển bị sói lở 50m; hồ chứa bị sạt lở 80m (320m3); kênh bị sạt lở, hư hỏng 90m; sạt lở sâm thực bờ biển 20-30m chiều dài 18km.

Thiệt hại về đường giao thông bao gồm 4,5km đường và kè bờ biển khu du lịch Hải Tiến; đường giao thông sạt lở 79m; đường tràn bị hư hỏng 2 cái.

Ngoài ra, có 1 tàu cá bị chìm tại khu neo đậu tàu thuyền; thuyền mủng, bè mảng khai thác thủy sản (<20CV) bị cuốn trôi 38 cái; cây xanh đô thị bị đổ, gãy 1.050 cây; biển quảng cáo bị đổ 75 cái; tường rào bị đổ 1.090m; bến cá bị sạt 30.000m3; cột điện hạ, trung thế bị đổ 5 cột; cột điện hạ thế bị nghiêng 53 cột; cột viễn thông bị hư hỏng 4 cột; nhà trông coi nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng 8 nhà.

Tác giả: Trần Nghị

Nguồn tin: Báo Infonet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok